Đại Hội Kỳ II của UBBVNLĐVN tại Malaysia

Đại Hội Kỳ II của Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (UBBVNLĐVN) khai mạc hôm nay tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham dự của quan khách, thành viên và công nhân đến từ các quốc gia Âu, Á, Mỹ, Úc và Việt Nam. Phóng viên Đỗ Hiếu có mặt tại chỗ và gửi về bài tường trình như sau:
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA, Malaysia
2009.12.29
Các thành viên của UBBVNLĐVN cũng đến từ khắp nơi trên thế giới Các thành viên của UBBVNLĐVN cũng đến từ khắp nơi trên thế giới
Photo: RFA

Kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt thế giới

Sau nghi thức khai mạc, ông Trần Ngọc Thành - Chủ Tịch Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam chào mừng Đại Hội, giới thiệu quan khách và trình bày sơ lược về UBBVNLĐVN. Ông cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về một số quan khách đặc biệt và tham dự viên đến từ nhiều quốc gia:

Ông Trần Ngọc Thành : Chúng tôi đang ở Hội Trường thuộc Hội Nghị Về Quyền Lao Động Việt Nam tại Kuala Lumpur, thủ đô nước Mã Lai. Có mặt hôm nay tại Hội Nghị này có những vị khách nước ngoài.

Thứ nhất là ông G. Rajasekaran Tổng Thư Ký Liên Đoàn Lao Động Mã Lai có mặt hôm nay cùng chúng tôi. Ông đã mang đến những phát biểu thật chân tình cũng như sự quan tâm của Tổng Liên Đoàn Lao Đông Mã Lai đối với anh em công nhân tại đây cũng như phong trào lao động Việt nói chung. Người thứ hai tức là đại diện của cơ quan thuộc một đại học Mỹ; ông cũng có rất là nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động để bảo vệ công nhân. Ông cũng chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm đó. Và Tổng Liên Đoàn Lao Động Úc đã cử một đại diện đến đây cùng với chúng tôi. Ngoài ra Tổng Liên Đoàn Úc cũng gửi một video để chào mừng, hứa sẽ cộng tác với UBBVNLĐVN cũng như với cộng đồng người Việt nói chung trong công tác giúp đỡ, hỗ trợ người lao động tại Việt Nam cũng như những công nhân xuất khẩu tại nước ngoài.

Các thành viên của UBBVNLĐVN cũng đến từ các nước như là Thái Lan, Việt Nam, Mã Lai, Mỹ, Bỉ, Pháp, Ba Lan, Úc, đại diện từ Singapore qua, và Đan Mạch. Thì chúng tôi đang tiếp tục làm việc và trong tương lai, ngoài sự dấn thân của các anh chị em trong Uỷ Ban Bảo Vệ thì chúng tôi mong được sự giúp đỡ, sự hợp tác, sự đồng tình của cộng đồng người Việt khắp nơi
Ô. Trần Ngọc Thành, chủ tịch UBBVNLĐVN

Các thành viên của UBBVNLĐVN cũng đến từ các nước như là Thái Lan, Việt Nam, Mã Lai, Mỹ, Bỉ, Pháp, Ba Lan, Úc, đại diện từ Singapore qua, và Đan Mạch. Thì chúng tôi đang tiếp tục làm việc và trong tương lai, ngoài sự dấn thân của các anh chị em trong Uỷ Ban Bảo Vệ thì chúng tôi mong được sự giúp đỡ, sự hợp tác, sự đồng tình của cộng đồng người Việt khắp nơi, cùng gánh vác trách nhiệm là giúp đỡ những người công nhân đang bị bóc lột, đang bị áp bức, đang bị làm việc như những người nô lệ tại quê hương mình.

Tiếp nối chương trình, ông G. Rajasekaran - Tổng Thư Ký Tổng Công Công Đoàn Malaysia trình bày về công ăn việc làm và sinh hoạt của giới công nhân nước ngoài đến quốc gia này làm việc. Phần thuyết trình của ông được phụ hoạ bằng nhiều hình ảnh cùng với tin tức do cơ quan ngôn luận địa phương phổ biến, cho thấy hoàn cảnh cơ cực, chật vật của một số công nhân như bị bóc lột, bị ngược đãi, bị chèn ép, bị cho thôi việc, và bị trục xuất mà không được hưởng bất cứ một sự bảo vệ hay can thiệp nào từ phía các chính phủ cử người đi lao động nước ngoài hay công đoàn.

Theo Ban Tổ Chức, trong hai ngày hội họp, nhiều đề tài được thuyết trình trước Đại Hội như:

- Làn sóng đình công tại Việt Nam: nguyên nhân và tầm mức.

- Thực trạng công nhân Việt Nam lao động nước ngoài.

- Lực lượng lao động Việt Nam quan trọng như thế nào trong sứ mạng dân chủ hoá đất nước.

- Hiện tình lao động Việt Nam: triển vọng và trở ngại cho phong trào đấu tranh.

- Sơ lược về những thành quả và khó khăn của Uỷ ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam sau 3 năm hoạt động liên tục.

Khó khăn trở ngại

Ông Nguyễn Hưng Đạo, thành viên của Uỷ Ban tại Úc Châu, cho biết : Chúng tôi có những mục tiêu ít nhứt sau đây: Thứ nhứt là chúng tôi bênh vực và hỗ trợ người lao động Việt Nam trong các thành phần nông dân, công nhân, cũng như những ngành nghề khác ở Việt Nam và hải ngoại; giúp họ hưởng toàn vẹn các quyền lợi lao động được quy định trong các bộ luật quốc tế và các văn kiện về quyền lao động do Liên Hiệp Quốc ban hành.

Những khó khăn của chúng tôi cũng rất là nhiều. Thứ nhứt là về mặt nhân sự, với những mục tiêu mà chúng tôi nghĩ rằng nó quá lớn thì nhân sự tới giờ phút này vẫn không có đủ để làm việc. Thứ nhì là về phương diện tài chánh, và một cái nữa  đó là sự công kích và đánh phá của Đảng CSVN  tại hải ngoại cản trở việc làm của chúng tôi và thậm chí xuyên tạc mục tiêu để đánh lạc dư luận ở hải ngoại về chúng tôi.
Ông Nguyễn Hưng Đạo,  Úc Châu

Mục tiêu thứ nhì của chúng tôi là vận dụng phong trào lao động vào mục tiêu dân chủ hoá đất nước, một mục tiêu mà chúng tôi coi là tối quan trọng nhằm thật sự đem lại tự do, độc lập, phú cường cho dân tộc Việt Nam.

Cái khẩu hiệu của Uỷ Ban là "Cơm Áo và Tự Do", nhưng mà sau 3 năm thì chúng tôi cũng đã đạt được một số thành quả mà chúng tôi nghĩ rằng cũng còn khiêm nhường thôi . Thứ nhứt, về mặt ngoại vận, Uỷ Ban đã liên kết được như là được sự hỗ trợ của những công đoàn như là Công Đoàn Ba Lan và một số công đoàn tại nuớc Úc; cũng như là chúng tôi có được một website và website này được nối kết với tất cả những website mà liên quan tới vấn đề công đoàn ở khắp nơi trên thế giới.

Nhưng mặt khác thì chúng tôi giúp được những anh chị em công nhân ở tại Mã Lai, một phần nào thôi, một số nào thôi, trong vấn đề bênh vực quyền lợi của họ, giúp cho họ hiểu được những quyền lợi đáng lẽ họ phải có mà họ không biết, mà trong khi đó thì họ không biết và đồng thời không được bênh vực bởi Toà Đại Sứ Việt Nam cộng sản tại Mã Lai. (Chúng tôi) cố gắng vận động thành lập một phong trào lao động độc lập ở trong nước để bênh vực quyền lợi cho chính họ, bởi vì họ không thể dựa vào Tổng Công Đoàn Lao Động Việt Nam hiện nay thuộc quyền chỉ huy của Đảng CSVN.

Nhưng mà những khó khăn của chúng tôi cũng rất là nhiều. Thứ nhứt là về mặt nhân sự, bởi vì với những mục tiêu mà chúng tôi nghĩ rằng nó quá lớn như vậy thì nhân sự tới giờ phút này vẫn không có đủ để làm việc.

Thứ nhì là về phương diện tài chánh, và một cái nữa thì chúng tôi cũng cảm thấy rằng nó cũng không phải là cái gì làm chúng tôi lo sợ, đó là sự công kích và đánh phá của Đảng CSVN và thông qua một số người làm việc của họ tại hải ngoại cản trở việc làm của chúng tôi và thậm chí xuyên tạc mục tiêu để đánh lạc dư luận ở hải ngoại về chúng tôi.

Tôi muốn gửi gắm những tâm tư cũng như những nguyện vọng của người dân trong nước trước sự bóc lột, bạo hành lao động, cũng như sự bất công trong môi trường lao động tại Việt Nam. Họ khao khát có được những quyền lợi mà những người lao động trong các nước khác trên thế giới có được.
Nữ công nhân từ Việt Nam

Tiếng nói người công nhân 

Kế đó một nữ công nhân từ Việt Nam đến, nói lên cảm tưởng của mình qua câu chuyện với phóng viên Ban Việt Ngữ RFA:

- Trước hết tôi thực sự vui và lấy làm vinh dự khi được đại diện cho phong trào trong nước đến đây dự Đại Hội tại Mã Lai. Thì thông qua việc này tôi muốn gửi gắm những tâm tư cũng như những nguyện vọng của người dân trong nước trước sự bóc lột, bạo hành lao động, cũng như sự bất công trong môi trường lao động tại Việt Nam. Họ khao khát có được những quyền lợi mà những người lao động trong các nước khác trên thế giới có được.

Và cũng nhân đây tôi xin chúc cho tất cả các anh chị em lao động trên thế giới cùng quý vị đồng hương trong và ngoài nước một Năm Mới an khang hạnh phúc, mong muốn cho tất cả các anh chị em công nhân Việt Nam đang lao động trong và ngoài nước thoát ly khỏi sự đàn áp, bóc lột. Và nhân đây tôi mong chính quyền Việt Nam lưu tâm đến quyền lợi và hạnh phúc của người lao động Việt Nam, đảm bảo một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho họ, cũng như dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam.

Trong ngày thứ hai hội họp, Đại Hội sẽ bàn bạc để bầu nhiệm kỳ mới hầu cụ thể hoá chương trình hoạt động của Uỷ Ban trong tương lai. Sau hai ngày làm việc và bàn bạc, các tham dự viên sẽ đến thăm anh chị em công nhân tại một số địa phương để ghi nhận tại chỗ về sinh hoạt và nguyện vọng của những đồng hương tha phương cầu thực, nhưng việc kiếm sống hàng ngày của họ không được mấy suông sẻ, êm thắm, mà thường phải đối mặt với bao nỗi khó khăn, bất công, nhục nhằn và hạn chế.

Đỗ Hiếu, RFA Kuala Lumpur, Malaysia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.