Tết Hà Nội

Không giống những nơi khác, Hà Nội vào Xuân thường mang các sắc thái rất riêng cả về thời tiết, phong tục cổ truyền lẫn những sinh hoạt vui Xuân. Những nét riêng ấy bây giờ vẫn còn hay đã phôi pha?
Khánh An, phóng viên RFA
2010.02.12
Người dân Hà Nội lựa chọn những cây Đào đẹp nhất trong những ngày cận Tết Canh Dần. Người dân Hà Nội lựa chọn những cây Đào đẹp nhất trong những ngày cận Tết Canh Dần.
AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Khánh An trò chuyện cùng hai nhà nghiên cứu về Hà Nội để tìm đôi nét phác họa của mùa Xuân Hà Nội bây giờ.

Sắc Xuân

Nói đến Tết, người Hà Nội sẽ nghĩ ngay đến cái không khí se lạnh rất riêng của miền Bắc, những ông đồ ngồi cho chữ, những cành đào mà người miền Nam thường bảo “cành nhiều hơn bông”…

Cái đẹp của mùa Xuân Hà Nội là sự kết hợp của cả đất trời, cảnh vật và con người. Nói riêng về sắc Xuân, nhà “Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc cho rằng đó là một trong những cái còn lại, chưa thay đổi của Hà Nội bây giờ:

Cái còn lại là sắc trời, sắc Xuân, hoa lá, cây cỏ… Nó vẫn có những lăn tăn mưa phùn, heo heo lành lạnh, vẫn là cái sắc Xuân muôn thuở, thành ra vẫn rất gợi cảm.

Ô. Nguyễn Vinh Phúc.

Cái còn lại là sắc trời, sắc Xuân, hoa lá, cây cỏ… Nó vẫn có những lăn tăn mưa phùn, heo heo lành lạnh, vẫn là cái sắc Xuân muôn thuở, thành ra vẫn rất gợi cảm. “Chỉ thấy mưa Xuân phơi phới bay, hoa Xuân lớp lớp rụng rơi đầy”… kiểu như thế đấy.

Bên cạnh sắc Xuân, Hà Nội vẫn còn sót lại những dấu ấn khác của mùa Xuân cũ nhưng theo PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ, đó giống như những kỷ niệm của quá khứ đang bị lấn chiếm dần bởi những nếp sinh hoạt mới, không còn mang nguyên vẹn ý nghĩa ban đầu. PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ nhận xét:

Tết Hà Nội bây giờ, những nét cổ kính còn sót lại như một hồi quan của quá khứ. Ví dụ như ra Văn Miếu, vẫn có những cụ đồ ngồi viết thư pháp. Đấy chỉ là những kỷ niệm thôi, còn hiện tại xô bồ đang lấn chiếm đi, ví dụ như những cuộc vui chơi của thanh niên, ca nhạc mới, những mốt mới…

Đó là hai mặt của Hà Nội. Tôi cũng không biết đó là tốt hay xấu. Có những cái mất đi, có những cái nảy sinh và tốt xấu lẫn lộn, rất khó để đánh giá vì nó tùy thuộc vào tâm thức, góc nhìn của từng người.

Phố Ông Đồ ở Hà Nội trong những ngày cận Tết Canh Dần. AFP Photo.
Phố Ông Đồ ở Hà Nội trong những ngày cận Tết Canh Dần. AFP Photo.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng có cùng cảm nhận trên khi ông nhận xét về cái còn và cái mất của mùa Xuân Hà Nội xưa.

Đối với ông, có những điều nho nhỏ nhưng rất thiêng liêng, đã đi vào trong ký ức tuổi thơ của nhiều người Hà Nội. Bây giờ, những điều đẹp đẽ đó không còn nữa hoặc chỉ còn như một hình thức do nhịp sống mới và những điều kiện của một xã hội hiện đại không cho phép hoặc đã biến đổi chúng:

"Trời Xuân thì vẫn thế. Cái biến đổi đó là xã hội và con người. Hà Nội đổi mới nhiều, người ta giàu lên nhiêu cho nên phố phường chật chội, đi lại đâm ra lộn xộn. Nó làm mất phần thơ mộng của cái Tết ngày xưa. Trong khi đó, những phong tục tập quán cũ không còn nữa.

Ví dụ trước kia nhà nào cũng đều gói bánh chưng cả và việc ngồi canh nồi bánh chưng ban đêm rất thú vị. Buổi sáng, khi còn ở tuổi thiếu niên, được bóc cái bánh chưng nhỏ đầu tiên ăn thì rất sung sướng.

Những nét cổ kính nhưng không cổ lỗ thì mình nên giữ lại, trong đó tinh thần hòa giải, quan tâm đến người khác, chúc những điều tốt lành cho người khác và chính mình… thì những cái đó nên giữ.

TS Nguyễn Thừa Hỷ.

Bây giờ thì không ai nấu bánh chưng nữa. Bánh chưng được mua ở các cửa hàng rồi. Trước đây có tục đi sắm Tết, bây giờ không còn tục ấy nữa bởi bây giờ quanh năm ăn uống đầy đủ, quanh năm ăn mặc đẹp đẽ, lộng lẫy rồi.

Thành ra, chuyện mua sắm ngày Tết không còn rôm rả như ngày xưa, không có không khí Tết ngày xưa. Ngược lại, ở Hà Nội bây giờ giàu lên cho nên lại có phong tục mới là đi du lịch.

Người Hà Nội bây giờ Tết đi du lịch các tỉnh, các nước trong khu vực châu Á. Đó cũng là một nét mới trong phong tục Tết của người Hà Nội."

Xuân xưa và nay

PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ gọi Tết giống như một cái “gene văn hóa”, dù thời thế có thay đổi thế nào thì nó cũng sẽ không phai mờ.

Tuy nhiên, sở dĩ có sự tồn tại song song hai mặt đối lập của mùa Xuân Hà Nội là do Hà Nội đang trong giai đoạn đứng trước các chọn lựa, chưa được định hình nên nó sẽ là một tổng thể của các những nét cổ kính lẫn cách tân và nhố nhăng (theo cách nói của một số người).

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Thừa Hỷ, Tết cũng là dịp mà để nhìn thấy rõ nhất khoảng cách giàu và nghèo trong xã hội. Ông nói:

"Bây giờ, có những người sắm Tết, vào siêu thị, một lúc tiêu mấy chục triệu như không. Cũng có những người gần Tết còn phải chạy vạy để kiếm ăn từng bữa. Cho nên, những vấn đề của đời sống nó bộc lộ, thể hiện qua dịp Tết. Có những người khoe của, có những người tủi phận…

Đó là bức tranh đa sắc và đầy nghịch lý của Hà Nội bây giờ. Nó phản ánh tinh thần của thời đại, thực tế của cuộc sống."

Một gian hàng bán đồ trang trí Tết và bao lì xì tại Hà Nội hôm 9-2-2010. AFP Photo.
Một gian hàng bán đồ trang trí Tết và bao lì xì tại Hà Nội hôm 9-2-2010. AFP Photo.

Ngày Tết, cũng là dịp “tống cựu, nghinh tân”. Người Hà Nội cũng không ngoại lệ. Xã hội thay đổi kéo theo những hệ quả tất yếu.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thừa Hỷ, dù với quan niệm nào, giữ lại truyền thống hay cách tân, đổi mới thì vẫn nên hướng về chân, thiện, mỹ. Ông nói:

"Những nét cổ kính nhưng không cổ lỗ thì mình nên giữ lại, trong đó tinh thần hòa giải, quan tâm đến người khác, chúc những điều tốt lành cho người khác và chính mình… thì những cái đó nên giữ. Còn tất cả những cái bị biến thái đi như thói hình thức, phô trương, giả dối… thì nhân dịp Tết này, ta nên bỏ.

Tôi nói chung thôi, chứ còn mỗi người ở mỗi thế hệ, góc cạnh sẽ có những cái nhìn, sở thích khác nhau nhưng có một cái chung mà ngàn đời vẫn thế thôi, đó là cái chân thiện mỹ, mà cái chân lại là ngọn nguồn của cái thiện và mỹ."

Chính những yếu tố trên sẽ giữ cho Hà Nội và đặc biệt là ngày Xuân Hà Nội vẫn đẹp và ngày càng đẹp hơn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.