Những sự kiện đáng chú ý trong 10 năm qua
2009.12.28
Niềm vui và nỗi buồn
Thập kỷ đầu tiên đến với Thế giới bằng nỗi vui mừng: không một trở ngại nào xảy ra trong ngày mừng Tết Dương Lịch 2000, dù trước đó mọi người đều lo âu về sự cố Y2K.
Nhưng nỗi vui đó không lấp được những lo sợ liên tục xảy ra trong 10 năm vừa qua, khởi đầu với vụ khủng bố tấn công nước Mỹ hôm 11 tháng Chín năm 2001, sau đó là cuộc chiến Iraq và Afghanistan kéo dài hơn cả hai trận thế giới đại chiến thứ nhất và thứ nhì, chưa kể đến thảm họa sóng thần ở Châu Á hay trận bão kinh hoàng tên Katrina tàn phá một vài bang miền Nam của nước Mỹ, đi kèm với báo động về hiện tượng mặt đất ấm dần và chiếc phi thuyền con thoi Columbia vỡ tung thành hàng triệu mảnh vụn khi trên đường trở về mặt đất.
Thập kỷ vừa qua cũng đánh dấu những
biến chuyển không ai ngờ, từ vụ khủng hoảng tài chánh khiến thị trường chứng
khoán toàn cầu có lúc tưởng như đã sụp đổ, cho đến cuộc suy thoái kinh tế và
tình trạng thất nghiệp tăng cao.
Trước khi những sự kiện vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho mức phát triển của nhiều quốc gia, thế giới cũng đón nhận tin không mấy vui: các công ty “.com” theo nhau phá sản hồi năm đầu thập kỷ và thị trường bất động sản toàn cầu vẫn chưa vượt được những khó khăn ở năm cuối cùng.
Chuyện cũng không chấm dứt ở đó.
Từ khoảng giữa thập kỷ, các công ty xe hơi Nhật Bản và Nam Hàn thật sự chiếm ngự
thị trường xe hơi toàn cầu, đặc biệt là ngay tại Hoa Kỳ, xứ sở của kỹ nghệ xe
hơi thế giới.
Tình trạng còn tệ hơn nữa, khi hai đại công ty GM và Chrysler phải
khai phá sản, phải thu nhỏ hoạt động và sống tạm bằng tiền trợ giúp của chính
phủ.
Đó cũng là thời điểm giá dầu thô tăng từ 25 dollars/thùng lên tới 150 dollars/thùng, trước khi giảm xuống phân nửa giá lúc cao nhất, và cũng là thời điểm cả thế giới bảo nhau phải tiết kiệm nhiên liệu, các nhà khoa học bắt đầu nhận được các khoản trợ giúp khổng lổ để đi tìm những loại nhiên liệu mới, có thể thay thế cho xăng dầu và than đá.
Những
mất mát, thành công
Thập kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ
21 cũng đánh dấu những mất mát khác, lớn nhất là tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phao
Lồ Đệ Nhị từ trần hồi năm 2005, và ông vua nhạc “pop” ra đi hồi giữa năm 2009.
Nhưng bên cạnh những mất mát đó, phải kể đến sự xuất hiện của Wikipedia,
Twitter, YouTube, MySpace, Facebook, Skype, đi kèm với iPod và iPhone. Truyền
hình kỹ thuật số cũng bắt đầu được áp dụng ở nhiều quốc gia thay thế cho kỹ thuật
analog, và chiếc T.V. dầy cộm nằm ở một góc nhà đã được thay thế bằng những chiếc
T.V. mỏng dính treo trên tường.
Cũng với bước tiến của khoa học, thế giới khám phá thấy nước trên mặt trăng, chính phủ Hoa Kỳ sửa soạn chia tay với phi thuyền con thoi để dồn sức cho chương trình thám hiểm lại mặt trăng và không bỏ quên giấc mơ sẽ có ngày đến tận sao Hỏa.
Đã đủ chưa? Mười năm vừa qua cũng
là mười năm của những dịch bệnh giết người, khởi đầu là SARS, kế đến là cúm gia
cầm và hiện giờ cúm heo H1N1 vẫn đang là nỗi lo của nhân loại.
Bên cạnh lo âu đó, thế giới cũng không quên thành công lớn của Olympic Bắc Kinh 2008, không quên kình ngư Michael Phelps vơi gần chục chiếc huy chương vàng đeo trước ngực, và những va chạm xảy ra trên sân cỏ giữa hai đội tuyển quốc gia Ý và Pháp trong trận tranh chung kết Giải Vô Địch World Cup 2006.
Có còn sự kiện nào phải nhắc lại
cho thập kỷ sắp qua đi hay không? Có lẽ sự xuất hiện của ông Barack Obama cũng
là điều cần phải nói tới.
Ông Obama đắc cử hồi cuối năm 2008 sau cuộc đua chính trị sôi nổi nhất của chính trường Hoa Kỳ, giơ tay tuyên thệ hồi đầu năm 2009 để trở thành vị Tổng Thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, điều khiển một quốc gia mà cách đây chỉ mới 60 năm, thân phụ của ông không được phép ngồi ăn chung bàn với người da trắng.