
Đều giống nhau, thiếu kiểm chứng
Đại biểu Dương Trung Quốc thuộc đơn vị Đồng Nai tiếp tục đăng đàn như những phiên họp trước với câu nói thật ấn tượng. Ông cho rằng những con số mà chính phủ đưa ra toàn tô một màu hồng và tất cả đều rất giống nhau, hơn nữa tất cả những con số này đều không được kiểm chứng. Khi biên tập viên Mặc Lâm đặt câu hỏi liệu báo chí có trung thực trong khi dẫn lại câu phát biểu này của ông hay không, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết:
Tôi có nhận xét các bản báo cáo nếu đặt nằm kề bên nhau thì nó lặp lại rất nhiều.
ĐB Dương Trung Quốc
“Tôi không đi vào vấn đề hết sức cụ thể mà nhiều đại biểu đề cập tới. Tôi muốn nói chính những báo cáo của chính phủ. Bởi vì cứ 6 tháng một lần chính phủ trình các báo theo thông lệ. Khoảng thời gian đó tuy không phải là ngắn nhưng nó rất khó có thể tạo ra một chuyển biến căn bản liên quan đến vấn đề vĩ mô. Mà trong báo cáo chính phủ chủ yếu đề cập đến vấn đề vĩ mô. Tôi có nhận xét các bản báo cáo nếu đặt nằm kề bên nhau thì nó lặp lại rất nhiều. Chính vì thế tôi muốn nói rằng người dân cần nghe những gì thiết thực trong đời sống của họ để họ thấy bóng dáng của họ ở đấy. Hơn nữa chúng tôi cũng đòi hỏi là tất cả số liệu đưa lên phải được phân tích. Tôi lấy thí dụ, GDP là điều luôn luôn được sử dụng. Chỉ số này hết sức quan trọng và cần thiết nhưng đồng thời nó chứa đựng nhiều nội hàm khác nhau mà nếu chúng ta không phân tích thì rất dễ lẫn lộn, dẫn đến tình trạng mê tín GDP. Vì GDP chứa đựng rất nhiều yếu tố, cả tiêu cực cũng có. Hay là những chỉ số mà chính phủ đưa ra thì rất khó kiểm chứng. Phải nói là các báo cáo của chính phủ thường rất là nguội.”
Mặc Lâm: Thưa ông một trong những điều mà ông nghĩ rằng người dân cần những việc cụ thể có liên quan đến bát cơm manh áo là vấn đề mà chúng ta đang theo dõi rất kỹ đó là tình trạng ngư dân Việt nam. Hiện nay họ đang đối diện với nhiều rủi ro khiến công ăn việc làm trở ngại. Thứ nhất là thiên tai, kế đó là tình trạng ngư cụ thiếu thốn, nhưng quan trọng hơn hết là sự đe dọa của Trung quốc. Không biết ông có đem vấn đề này ra bàn thảo hay không?
Dương Trung Quốc: Thật ra nếu mà theo dõi tất cả những ý kiến phát biểu của quốc hội thì có rất nhiều người lên tiếng về vấn đề này, quan tâm đến lợi ích của công dân mình vì ngư dân chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Không những về bão tố, về hạ tầng cơ sở mà còn như ông nói là trong bối cảnh đang có sự tranh chấp tại biển Đông. Trong chừng mực nào đó thì người dân không được bảo vệ một cách đầy đủ. Trong khi đó chính phủ cũng có những chủ trương lớn về vấn đề biển đảo nhưng rõ ràng là nó chưa đáp ứng lại nhu cầu. Có đại biểu đã yêu cầu ít nhất phải có một thông tin chính thống của cơ quan chức năng báo cáo quốc hội về tình hình thật sự trên biển đông.
Hay là những chỉ số mà chính phủ đưa ra thì rất khó kiểm chứng. Phải nói là các báo cáo của chính phủ thường rất là nguội.
ĐB Dương Trung Quốc
Mặc Lâm: Cơn bão số 9 vừa qua xuất phát từ vấn đề biến đổi khí hậu. Theo ông nhận xét thì những biện pháp đối phó của chính phủ có đủ mạnh và hiệu quả hay không?
Dương Trung Quốc: Trước tôi thì cũng nhiều đại biểu quốc hội đã có đặt vấn đề nhưng có lẽ vào thời điểm đó thì vẫn chưa rõ ràng lắm. Năm ngoái tôi đã đề nghị đưa vào nghị quyết quốc hội đúng vào thời điểm mà ông thủ tướng đi họp tại các nước Đông Nam Á và sau đó chúng tôi nhận thấy có những động thái tương đối rõ rệt. Riêng lần này thì đã được đưa vào báo cáo chính thức nhưng vấn đề ở chỗ triển khai. Rồi cũng đã có một ngân khoản bắt đầu cho việc làm này. Đấy là dấu hiệu tôi cho rằng đáng phấn khởi. Tuy nhiên cá nhân tôi thấy rất còn nhỏ bé so với tầm vóc của tai họa.
Mặc Lâm: Vâng xin được hỏi ông một câu hỏi cuối. Xuất phát từ những con số mà ông cho là tô hồng vậy căn cứ vào đâu để đại biểu quốc hội quyết định xem có nên hay không nên cho phép nhà nước mở thêm một gói kích cầu thứ hai nữa thưa ông?
Dương Trung Quốc: Cho đến giờ thì cũng có hai quan điểm tại quốc hội. Một bên cho rằng trong những cái mà Việt Nam đạt được trong lúc thế giới suy giảm và người ta cho rằng kích cầu cũng có kích động vào đó. Hướng thứ hai cho rằng cần phải phân tích thật kỹ vì họ lo ngại rằng kích cầu chỉ tác động một bộ phận nhỏ thôi và người ta nhấn mạnh chính người dân cũng tham gia vào vai trò kích cầu, tức là sử dụng chính nguồn lực của mình đóng góp vào đó.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.