Tăng hỗ trợ khi thu hồi đất

Vấn đề thu hồi đất đai, quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, đền bù giải tỏa, trước nay vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn nạn xã hội như gia tăng đói nghèo, phát sinh bất công, gây bất ổn xã hội, dẫn tới những cuộc biểu tình của nông dân. Không chỉ những nông dân phải điêu đứng, mà nhiều dự án cũng phải dậm chân tại chỗ do vướng mắc về mức bồi thường cho người bị thu hồi đất quá thấp.
Quỳnh Như, phóng viên đài RFA
2009.08.23
Tranhchapdat-truongyen-305.jpg Tranh chấp đất ở Trường Yên: nông dân bao vây xe công an.
Hình do DLT gửi ra từ trong nước.

Mới đây, chính phủ vừa ban hành Nghị Định 69 bổ sung về quy hoạch sử dụng đất. Liệu Nghị định mới này có giải quyết được hàng loạt các vướng mắc về đất đai từ trước tới nay và tránh được những khiếu kiện kéo dài trong công tác thu hồi đất nhiều năm qua.

Nghị định 69/CP

Nghị định 69/CP vừa được Chính phủ ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 sắp tới, quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

Chính sách hỗ trợ mất việc làm cho nông dân bị thu hồi ruộng đất không giải quyết được tình hình thực tế. Đa số lao động trong tuổi lao động từ 50 tuổi trở xuống đều không xin được việc vì rất khó đào tạo nghề mới!

Chủ tịch xã Thạch Hòa – Huyện Thạch Thất

Theo nghị định mới, nguyên tắc trong chính sách bồi thường lần này là Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng. Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm thu hồi. Trong trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc giao đất tái định cư, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh đó được thanh toán bằng tiền.

Giải quyết vướng mắc, tránh khiếu kiện

Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nhấn mạnh: “Chính sách bồi thường mới tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực bồi thường, thu hồi đất, đặc biệt là việc thu hồi đất nông nghiệp. Những quy định mới này sẽ giải quyết được hàng loạt vướng mắc cũng như tránh được những khiếu kiện kéo dài trong công tác thu hồi đất diễn ra suốt nhiều năm qua.”

Và không chỉ giải quyết ổn thỏa cho các hộ có đất bị thu hồi, những dự án treo cũng sẽ được giảm bớt. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND Quận 12, phân tích: “Trước nay, dự án bị chậm tiến độ thì nguyên nhân chủ yếu là do khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Tôi cho rằng Nghị định 69 đã đưa ra nhiều công cụ thông thoáng để gỡ rối, tạo thuận lợi cho người dân, chủ đầu tư lẫn quản lý nhà nước. Từ đó, giải tỏa tình trạng lãng phí đất đai do dự án cứ bị ngâm hoặc tình trạng “da beo” loang lổ.”

Hỗ trợ tái định cư, việc làm

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng khẳng định: “Khi soạn thảo nghị định này bộ đã chú trọng phần hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho những hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất khi bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.”

Nếu được như vậy, thì đây là điểm mới trong chính sách bồi thường thu hồi đất đai. Trước đây người nông dân có đất “bị quy hoạch” sống trong cảnh cùng cực vì mất nghề và không nhà ở, vì giá bồi thường đất thấp, và không được hỗ trợ để tái định cư.

Ông Nguyễn Xuân Ngữ, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam có đất bị cưỡng chế để xây dựng Khu Công nghệ cao Saigon, ông Ngữ nói với phóng viên Trân Văn của Đài Á Châu Tự do như sau:

“Bây giờ Việt Nam làm gì có luật. Họ thích là họ làm. Họ có quyền có chức là họ làm. Tôi đã nói rồi là đất nhà tôi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có bồi thường, chưa có đất tái định cư. Theo luật, thu hồi đất phải thông báo cho dân biết mục đích thu hồi để làm gì, sau đó mới đưa quyết định thu hồi đất. Các bước tiếp theo là đền bù, hỗ trợ, cấp đất tái định cư, mà tôi thì chưa có cái gì, anh ạ.”

Nói về chính sách hỗ trợ việc làm cho nông dân bị thu hồi ruộng đất trước đây, ông Chủ tịch xã Thạch Hòa – Huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội cũng thừa nhận: Chính sách hỗ trợ mất việc làm cho nông dân bị thu hồi ruộng đất không giải quyết được tình hình thực tế. Đa số lao động trong tuổi lao động từ 50 tuổi trở xuống đều không xin được việc vì rất khó đào tạo nghề mới!”

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm từ 2003 đến 2008 đã tác động đến đời sống của trên sáu trăm ngàn hộ gia đình với khoảng 3triệu rưỡi người, trong đó có gần một triệu lao động bị ảnh hưởng do không có đất canh tác.

Bây giờ Việt Nam làm gì có luật. Họ thích là họ làm. Họ có quyền có chức là họ làm. Tôi đã nói rồi là đất nhà tôi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có bồi thường, chưa có đất tái định cư.

Ông Nguyễn Xuân Ngữ

Hàng chục năm qua, nông dân đã kéo về Hà Nội biểu tình trước các cơ quan trung ương, phản đối việc chính quyền địa phương cướp đất gọi là “qui hoạch”; một số thì được đền bù với giá rất thấp không đủ để họ mua nhà mua đất để sống ở nơi khác, một số thì bị cướp trắng. Họ đã từng khiếu kiện ở các địa phương không có kết quả nên phải kéo về trung ương.

Vấn đề đất đai trước nay vẫn xảy ra nhiều tranh chấp do các văn bản pháp quy không có thông tư hướng dẫn rõ ràng nên các địa phương tùy nghi áp dụng. Nay với Nghị định mới này Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: “Các thông tư hướng dẫn của nghị định này đang được hoàn thiện và ngay trong tháng 8-2009 bộ sẽ ban hành.”

Tất cả vẫn còn ở phía trước, nhưng chính sách bồi thường cho việc thu hồi đất mới đưa ra này phản ánh được phần nào sự nhận thức ở những người làm chính sách; họ đã thấy được tầm quan trọng của vấn đề ổn định xã hội. Đất đai gắn liền với cuộc sống của người nông dân như núm ruột của họ, nên nếu không có một chính sách bồi thường thỏa đáng thì chẳng khác nào như cướp đi cuộc sống của họ, và lúc đó thì người nông dân như bị dồn vào bước đường cùng.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.