Du lịch Việt Nam “bùng nổ”: Thách thức nào cho ngành hàng không Việt Nam?
2018.12.20
Việt Nam đón vị khách du lịch quốc tế thứ 15 triệu vào ngày 19 tháng 12 vừa qua. Thực tế được đánh giá là ‘bùng nổ’ về mặt du lịch như vậy lại đặt ra thách thức cho ngành hàng không Việt Nam.
Hàng không Việt khởi sắc
Song hành cùng với phát triển của ngành du lịch thì ngành hàng không của Việt Nam cũng được ghi nhận là phát triển vượt bậc, dẫn đầu Châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không trong 5 năm qua, chiếm 28,9%, gấp hơn 2 lần so với nước đứng thứ nhì là Trung Quốc. Theo dự báo căn cứ vào xu thế từ đầu năm của Trung tâm Hàng không Châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) thì Việt Nam có thể đạt được con số 38 triệu hành khách và 16 triệu du khách quốc tế trong năm 2018. Tuy vậy đến ngày 19 tháng 12 số này thấp hơn 1 triệu so với dự kiến.
Trong khi đó Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mốc 150 triệu khách hàng không mỗi năm tính từ năm 2035, tăng gấp 4 lần so với năm 2015.
Hiện Việt Nam có 5 công ty hàng không đang hoạt động, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, Vietjet Aviation, Vietnam Air Service Co. và Bamboo Airways của Tập đoàn FLC, vừa mới thành lập hồi tháng 11 năm 2018. Hãng hàng không Bamboo Airways vào tháng 3 năm 2018 ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Airbus Châu Âu cho hợp đồng mua 24 chiếc Airbus A320 và vào tháng 7 năm 2018 đã ký hợp đồng mua 20 chiếc Boeing 787 với Tập đoàn Boeing của Mỹ. Tin mới nhất cho biết dự kiến vào ngày 27 tháng 12 tới đây Bamboo Airways sẽ cho cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên.
Nhu cầu sử dụng chuyến bay của khách quốc tế và của khách trong nước thì năm 2017 tăng hơn 5% so với năm 2016. Các tuyến đường bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Hà Nội thì cũng có tăng nhiều hơn so với năm 2016 và tuyến đường bay đến Seoul, Hàn Quốc cũng tăng. Khách từ các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, nhưng đa phần là khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam để đi du lịch
-Nhân viên Vietnam Airlines
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào tháng 11 năm 2017 được CAPA trao giải thưởng "Hãng hàng không của năm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Một nhân viên của Vietnam Airlines nói với RFA về sự phát triển của công ty trong 2 năm vừa qua:
“Nhu cầu sử dụng chuyến bay của khách quốc tế và của khách trong nước thì năm 2017 tăng hơn 5% so với năm 2016. Các tuyến đường bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Hà Nội thì cũng có tăng nhiều hơn so với năm 2016 và tuyến đường bay đến Seoul, Hàn Quốc cũng tăng. Khách từ các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, nhưng đa phần là khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam để đi du lịch.”
Riêng Hãng hàng không Vietjet Aviation công bố kết quả kinh doanh Quý III năm 2018 tăng trưởng 105% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ gần 13 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ trọng doanh thu quốc tế chiếm trên 50%. Hiện Vietjet Aviation vận hành 60 chiếc Airbus và đã ký hợp đồng mua 50 chiếc máy bay mới, trị giá 6,5 tỷ đô la Mỹ.
Reuters, vào ngày 17 tháng 12 dẫn lời của Phó Tổng giám đốc Vietjet Aviation, ông Trần Hoài Nam nói rằng ngành hàng không của Việt Nam đang bùng nổ và nhu cầu nhiên liệu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay và tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
Thách thức
Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) cho Reuters biết ngành hàng không của Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 18 triệu thùng xăng dầu. Và, một nhân viên làm việc trong một công ty cung cấp nhiên liệu cho ngành hàng không của Việt Nam, không muốn nêu tên nói với Reuters rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành hàng không trong năm 2018 tăng từ 20 đến 25% so với năm 2017, do phục vụ cho các chuyến bay quốc tế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng xăng dầu nhập về Việt Nam trong 11 tháng năm 2018 là hơn 10,7 triệu tấn, chỉ trong vòng tháng 11 nhập về 752 ngàn tấn xăng dầu, tăng 13% về số lượng và tăng 5% về kim ngạch so với tháng trước đó.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về tăng biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ đầu năm 2019. Truyền thông quốc nội trích lời của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định vận tải là một trong những nhóm ngành chịu thiệt hại lớn nhất với mức thuế xăng dầu mới. Vị đại diện cho biết thêm chi phí nhiên liệu đối với ngành vận tải hàng không chiếm đến 39,5% cơ cấu giá thành.
Nếu tăng ở mức quá cao thì sẽ làm mất năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam so với các nước phát triển mạnh về du lịch trên thế giới, mà ngay gần Việt Nam ví dụ như Thái Lan. Ngay cả Philippine và Indonesia cũng coi du lịch là chiến lược phát triển của họ. Vì vậy, làm suy giảm năng lực cạnh tranh thì cũng là một yếu tố cần phải xem xét rất kỹ lưỡng
-GS. Đặng Hùng Võ
Vietnam Airlines, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, cho biết chi phí xăng dầu bình quân của hãng này chiếm khỏang 30% tổng chi phí hoạt động và giá xăng dầu tăng thêm thì chi phí của Tổng công ty tăng theo. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu của Hãng Vietjet Aviation chiếm khoảng 40% chi phí hoạt động.
Đài RFA ghi nhận nhận định của giới chuyên gia khẳng định giá xăng dầu tăng có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng hàng không của Việt Nam. Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường còn nhấn mạnh:
“Trong trường hợp cụ thể của việc đảm bảo giao thông với mức giá hợp lý thì cũng có liên quan tới ngay chủ trương của Nhà nước Việt Nam là ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu sự thực ngành du lịch muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cũng phải giảm chi phí trong nhiều công đoạn để tạo ra giá dịch vụ du lịch cho hợp lý. Do đó, nếu tăng ở mức quá cao thì sẽ làm mất năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam so với các nước phát triển mạnh về du lịch trên thế giới, mà ngay gần Việt Nam ví dụ như Thái Lan. Ngay cả Philippine và Indonesia cũng coi du lịch là chiến lược phát triển của họ. Vì vậy, làm suy giảm năng lực cạnh tranh thì cũng là một yếu tố cần phải xem xét rất kỹ lưỡng.”
Việt Nam hiện chỉ có hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn hoạt động. Hai nhà máy này sản xuất tầm 6,9 triệu thùng xăng dầu mỗi năm, chỉ đáp ứng khoảng 5% nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không. Chuyên gia Peter Lee thuộc Fich Solutions Macro Research đưa ra nhận định với Reuters rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu xăng dầu để đáp ứng hầu hết nhu cầu nhiên liệu cho ngành hàng không của nước này. Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ ghi nhận mặc dù Việt Nam tăng cường công nghiệp chế biến từ dầu thô và cũng xem đó là điểm nhấn về mặt kinh tế của quốc gia, tuy nhiên Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh “Khả năng vẫn phải nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam thì tôi cho rằng vẫn chiếm một tỉ trọng cao.”
Ngoài thách thức về nhiên liệu, một khó khăn khác đối với ngành hàng không Việt Nam là hạ tầng các sân bay tại Việt Nam. Đơn cử Sân bay lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tân Sơn Nhất ở miền nam mỗi năm phải nhận 10 triệu khách cao hơn so với năng lực của sân bay này.