Tình trạng ngập nước sau mưa tại thành phố Hồ Chí Minh

Hễ mưa là ngập, ngập là kẹt xe đã trở thành một điệp khúc. Mới đây, một trận mưa to hôm sáng thứ hai đã làm hầu hết các con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh ngập trong nước bẩn. Liệu đến bao giờ điệp khúc trời mưa – đường ngập - kẹt xe mới chấm dứt.
Quỳnh Như, phóng viên đài RFA
2009.05.30

flood-in-saigon-150.jpg
Điệp khúc trời mưa – đường ngập - kẹt xe tại Saigon. File photo.
Quỳnh Như mời quý thính giả nghe tiếp câu chuyện mùa mưa ở thành phố Hồ Chí Minh…

Trận mưa đầu mùa vừa kể đã làm thành phố Hồ Chí Minh ngập trên diện rộng, nhiều tuyến đường bị ngập từ 30cm tới 40cm, khiến giao thông trở thành hỗn loạn.

Theo báo chí địa phương, ngập lụt không chỉ xảy ra ở ngoại thành như khu vực đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 13, Thủ Đức, mà ngay trung tâm TP.HCM cũng trắng xóa nước.

Điệp khúc trời mưa – đường ngập - kẹt xe

Do mưa xảy ra vào buổi sáng, đúng thời điểm đi học, đi làm của nhiều người nên giao thông trong toàn thành phố bị ùn tắc nhiều giờ.

Bà Mỹ Dung, một cư dân ở quận 10 là một trong số những người phải qua một đoạn đường nước ngập do trận mưa hôm đầu tuần này. Bà Dung cho biết:

“6 giờ sáng trời bắt đầu mưa, trong khi 7 giờ thì mọi người bắt đầu đi làm. Đường ngập nước thì xe chết máy, người ta phải dắt xe và đương nhiên là xe cộ nằm ngổn ngang trên đường. Tôi cũng phải dắt xe một đoạn.”

Bây giờ thường xuyên cứ mưa to một trận là ngập nước và tắt đường. Chuyện đó bây giờ là thường xuyên vì đang sửa đường, đến cả năm nay rồi. Cứ mưa xuống là nước ngập, nước ngập lại ùn tắc giao thông.

Ông Hoàng Thành, quận Bình Thạnh

Theo bà Dung thì: “Cảnh trời mưa nước ngập cũng lâu rồi chứ không phải mới đây. Nhưng cũng tùy đoạn chứ không phải nhiều nơi bị ngập. Có những nơi trũng quá thì bị ngập, và những nơi đang làm đường thì nước không có chổ thoát cũng sẽ bị ngập lên. Người ta cũng đang đào đường để làm cống thoát nước nhưng không biết sau này khi làm xong rồi thì có hết cảnh ngập lụt không.”

Dù nạn kẹt xe xảy ra hầu như mỗi ngày trên nhiều tuyến đường chính ở Thành phố Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm, thế nhưng, khi trời có mưa lớn, kẹt xe còn trầm trọng hơn.

Khi nghe thấy sấm chớp bắt đầu nổi lên, gió giật liên hồi, bầu trời tối đen người dân đã phải vội vã khoác áo mưa đưa con tới trường hoặc đến công sở sớm hơn thường lệ, vì chẳng mấy chốc sau đó là những đợt mưa như trút nước. Và quả nhiên không ngoài dự đoán người Saigon phải đương đầu với cảnh “ngập nước - kẹt xe”, có khi phải mất cả mấy giờ đồng hồ mới đến nơi đã dự định.

Vì sao nước mưa không thoát được?

Ông Hoàng Thành, ngụ tại Quận Bình Thạnh cho biết:

“Bây giờ thường xuyên cứ mưa to một trận là ngập nước và tắt đường. Chuyện đó bây giờ là thường xuyên vì đang sửa đường, đến cả năm nay rồi. Cứ mưa xuống là nước ngập, nước ngập lại ùn tắc giao thông. Mặc dù đang cải tạo một số con đường, nhưng cải tạo được nơi này thì lúc bấy giờ lại tắc sang đường khác, vì xây dựng nhiều mà lo đường thoát nước thì ít. Khi bắt đầu mùa mưa xuống thì những chổ chứa nước trước đây thì bây giờ đã trở thành nhà, hoặc thành đường rồi. Chúng tôi cũng đang hy vọng sau khi sửa xong con đường này rồi thì sẽ không còn cảnh bị ngập nước, mà đợi đến khi việc sửa đường hoàn thành thì không biết phải còn mất một hay hai năm nữa.”

Hầu hết ở mỗi quận đều có những con đường ngập nước khi mưa to, xe cộ dồn cục bởi trước mặt phố đã biến thành một dòng sông nhỏ, và đôi khi cả ngày nước mới rút hết nếu trận mưa to kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Cảnh nước mưa ngập cả vào nhà, người dân lo tát nước. Trên mặt đường thì nước dâng lên quá nữa bánh xe. Hai bên đường phố đầy rẩy xe chết máy, người lội nước đẩy xe, người gọi điện thoại cầu cứu, mọi sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Tất cả đập vào mắt của người nước ngoài như một quang cảnh hỗn loạn, chỉ sau một trận mưa.

Trời mưa ngập nước cũng có lý do của nó vì bây giờ người ta nâng cấp đường lộ lên, người ta lại cất nhà chung quanh quốc lộ nên nước không có chổ thoát được làm hư lộ. Còn hệ thống kênh thoát nước thì quá tệ, …

Ông Cẩn, huyện Bình Chánh

Giải thích lý do vì sao nước mưa không thoát được, ông Cẩn ở Huyện Bình Chánh cho biết như sau:

“Trời mưa ngập nước cũng có lý do của nó vì bây giờ người ta nâng cấp đường lộ lên, người ta lại cất nhà chung quanh quốc lộ nên nước không có chổ thoát được làm hư lộ. Còn hệ thống kênh thoát nước thì quá tệ, người ta san lấp nên kinh không đủ để thoát nước, nên lúc nào cũng bị ngập, mưa xuống thì dù lớn nhỏ gì cũng bị ngập hết. Việc nạo vét kinh cũng không được chu đáo cho lắm. Ngay cả rác cũng làm nước kênh không chảy thông thoáng được nữa mà nói chi. Bây giờ tất cả các con đường thành phố bị ngập vì hệ thống kênh thoát nước quá nhỏ nên không đủ sức thoát nước.”

Bức xúc trước việc này ông Cẩn cũng đưa ra ý kiến giải quyết. Ông nói: “Bây giờ người ta xây dựng nhiều quá nên nước bị ứ đọng. Cho nên phải nạo vét kinh rạch thường xuyên để cho nước thông thoáng chảy ra sông; và nước chảy thông thoáng thì không gây ô nhiễm; nếu không thì sinh hoạt của người dân rất khó khăn.”

Chuyện ngập nước – kẹt xe mỗi khi có mưa to đã trở thành bình thường tới mức được xem như đương nhiên, không có sẽ là rất lạ với người dân thành phố.

Sài gòn có hai mùa mưa nắng, hết năm này sang năm khác cứ vào mùa mưa, quang cảnh hỗn loạn với dòng người và xe cộ lội bì bỏm trong dòng nước đen ngòm, chen chúc tìm lối thoát, gắng sức đẩy chiếc xe chết máy dưới trời mưa. Có khi trên xe là một em bé ngồi cho cha mẹ đẩy, mặc áo đi mưa nhưng ướt đẩm bên trong vì dầm mưa lâu.

Thực trạng này đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, kéo dài. Trong dòng người thường xuyên, tìm đủ cách thoát ra khỏi những con sông giữa một đô thị lớn, hiện đại như TP.HCM, chắc rằng ngày càng nhiều người tự hỏi, tiền thuế họ đóng đã được sử dụng ra sao để sinh hoạt của TP.HCM càng ngày càng trở thành bất tiện, bế tắc như vậy?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.