Mô hình trường thực nghiệm tại Việt Nam: những ngăn trở và thành tựu

Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo luật giáo dục sửa đổi với mong muốn cải cách giáo dục, đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế.
Việt Hà phóng viên RFA
2009.08.18
Đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo luật giáo dục sửa đổi với mong muốn cải cách giáo dục, đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế
AFP photo

Đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế 

Việc cải cách giáo dục của Việt Nam không phải mới diễn ra gần đây, mà thực ra đã được thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước. Có một loại hình trường đặc biệt trong giai đoạn này gọi là trường thực nghiệm ở Hà Nội, với mục đích dựa vào thực tiễn để tìm ra một mô hình giáo dục thích hợp với Việt Nam.

Nhưng đã hơn 30 năm qua kể từ khi trường thực nghiệm được ra đời và đi vào hoạt động, đến bây giờ mô hình này vẫn chưa phải là phổ biến ở Việt Nam. Vậy trường thực nghiệm có gì khác với các trường học bình thường và vì sao mô hình này không được nhân rộng?  Việt Hà phỏng vấn giáo sư Hồ Ngọc Đại, viện trưởng viện nghiên cứu giáo dục, người khai sinh ra trường thực nghiệm về vấn đề này.

Trường thực nghiệm khác hẳn vì nó thay đổi cả phương pháp, nội dung, thể chế tổ chức, cả quan hệ thầy trò, tất cả đều thay đổi hết. thay đổi theo hướng nào? Thay đổi theo hướng hiện đại hoá và công nghệ hoá giáo dục.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Việt Hà: Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết, mô hình trường thực nghiệm của giáo sư ra đời năm nào và nguyên nhân tại sao hình thành trường thực nghiệm?

Hồ Ngọc Đại: năm 1978. Đó là cần tìm một giải pháp giáo dục mới cho một thời đại mới nhưng mà giải pháp đó không có định hướng về lý thuyết mà phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn, một mãu một mô hình có thật đó. Rồi trên mẫu đó mới biến đổi đại trà được, thì mới đưa rộng ra được chứ lúc đầu làm có tính chất là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thôi.

Việt Hà: Thưa giáo sư, trường thực nghiệm khác gì so với các trường bình thường khác?

Hồ Ngọc Đại: khác hẳn vì nó thay đổi cả phương pháp, nội dung, thể chế tổ chức, cả quan hệ thầy trò, tất cả đều thay đổi hết. thay đổi theo hướng nào? Thay đổi theo hướng hiện đại hoá và công nghệ hoá giáo dục.

Việt Hà: Tôi nghe nói là ở trường của giáo sư không chấm điểm học sinh có đúng không ạ? Và nguyên nhân tại sao làm vậy?

Hồ Ngọc Đại: không xếp loại, không cho điểm, nhưng có đánh giá, phải đánh giá, không có em nào không. Xưa nay người ta xếp loại theo điểm học, điểm chữ, còn chúng tôi coi trọng tất cả mọi vấn đề của đời sống chứ không chỉ có chữ. Chữ chỉ là một vấn đề thôi. chữ không phải là tất cả.

không xếp loại, không cho điểm, nhưng có đánh giá, phải đánh giá, không có em nào không. Xưa nay người ta xếp loại theo điểm học, điểm chữ, còn chúng tôi coi trọng tất cả mọi vấn đề của đời sống chứ không chỉ có chữ. Chữ chỉ là một vấn đề thôi. chữ không phải là tất cả.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Nhà trường hiện hành thì nó lấy chữ là tiêu chí duy nhất để xếp loại học sinh. Như vậy có thể có những đưa nó học chữ không bằng đứa khác nhưng đạo đức nó tốt hơn, quan hệ với xã hội nó tốt hơn, quan hệ với tập thể tốt hơn, công việc tốt hơn, thì những em đó bị thiệt. Mà trong xã hội những người như thế là rất cần.

Việt Hà: Mỗi năm nhà trường nhận vào bao nhiêu học sinh?

Hồ Ngọc Đại: mỗi năm chỉ nhận 100 em vào lớp 1, không nhận lớp ngang. hết cấp 3, có em đi ra ngoài, nhưng có bổ xung, đầu lớp 6 có bổ xung, đầu lớp 10 có bổ xung.

Việt Hà: Nhà trường dựa vào tiêu chí nào để nhận học sinh vào trường?

Hồ Ngọc Đại: có kiểm tra, phải có, bởi vì ở ngoài vào thì cũng phải những em rất giỏi mới vào được. còn học sinh học ở trường này bao giờ ra ngoài cũng khá cả. Kiểm tra theo mức độ, cũng phải dựa vào chữ nghĩa, kiểm tra chữ nghĩa, tức là khi kiểm tra thì chủ yếu dựa vào chữ, dựa vào bài học, những sách giáo khoa của người ta.

Việt Hà: Thành công lớn nhất của mô hình trường thực nghiệm là gì?

Hồ Ngọc Đại: là con người, trong đó ý thức dân chủ là rộng rãi nhất, tức là đầu óc dân chủ, đầu óc tự do đầu óc cởi mở, đầu óc không bè phái, đó là cái lớn nhất. Cho nên những học sinh của chúng tôi sang Mỹ học, châu Âu học nên thích nghi với địa phương nhanh lắm, vì đầu óc tự chủ của nó lớn lắm.

(Thành công của TTNghiệm)là con người, trong đó ý thức dân chủ là rộng rãi nhất, tức là đầu óc dân chủ, đầu óc tự do đầu óc cởi mở, đầu óc không bè phái, đó là cái lớn nhất. Cho nên những học sinh của chúng tôi sang Mỹ học, châu Âu học nên thích nghi với địa phương nhanh lắm, vì đầu óc tự chủ của nó lớn lắm.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Cần một cái nhìn cởi mở tự do hơn

Việt Hà: Vậy giáo sư có thất bại không và đó  là gì?

Hồ Ngọc Đại: có thất bại chứ. Thất bại là vì bị bọn bảo thủ chống lại, bị cô lập. Tức là nó không sử dụng, không tuyên truyền, hạn chế, xuyên tạc. Nó xuyên tạc là chúng tôi dạy ra những con người mà kiêu ngạo chẳng hạn hay tự do chủ nghĩa chẳng hạn, đại khái kiểu như thế. Bởi vì nó theo một đường lối hoàn toàn khác với cái hiện hành mà cái số muốn theo một cái khác hiện hành thì đầu óc phải khác, phải cởi mở. còn số hiện hành đông thì bao giờ số đó cũng quay lại để chống lại cái mới.

Việt Hà: 30 năm sau khi trường thực nghiệm ra đời, chính phủ Việt Nam vẫn kêu gọi cải cách giáo dục, dường như không có sự nhìn nhận một cách rộng rãi của chính phủ về thành công của mô hình trường thực nghiệm. Xin giáo sư cho biết, nguyên nhân tại sao?

Thất bại là vì bị bọn bảo thủ chống lại, bị cô lập. Tức là nó không sử dụng, không tuyên truyền, hạn chế, xuyên tạc. Nó xuyên tạc là chúng tôi dạy ra những con người mà kiêu ngạo chẳng hạn hay tự do chủ nghĩa chẳng hạn, đại khái kiểu như thế.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Hồ Ngọc Đại: vì nó đông quá, vì cái lớp bảo thủ nó đông quá và cái lớp đó vụ lợi quá nên chịu thôi không làm thế nào được. Cho nên khi nước ngoài đổ tiền vào, ngân hàng nước ngoài cho vay tiền, thì bọn vụ lợi đó cướp quyền làm và lũng đoạn nền giáo dục này.

Việt Hà: Vậy xin giáo sư cho biết là thực trạng trường thực nghiệm hiện nay thế nào?

Hồ Ngọc Đại: nó đã từng nhân ra ở 43 tỉnh rồi, thế nhưng cách đây 5 năm quốc hội thông qua một nghị quyết rất bậy bạ là cả nước chỉ có một bộ sách thôi. cả nước có bộ sách thì bọn tôi là thiểu số, bọn họ là đa số, chứ bọn tôi đã đến 43 tỉnh rồi.

Có sách riêng của chúng tôi, hiện chúng tôi đang trở lại rồi đấy, ở những vùng khó khăn nhất mà người ta chịu thua, tức là những vùng miền núi, vùng sâu xa họ chịu thua thì chúng tôi vào, vào được 2 năm, 3 năm rồi. Không còn thực nghiệm nữa, chúng tôi thành công đưa về tỉnh khác rồi còn gì, thực nghiệm là thành công rồi. bây giờ chuyển giao công nghệ thôi. Mới có khoảng 15,000 học sinh. Cũng rải rác phải đến hàng trăm trường.

Học kiểu của chúng tôi thì đương nhiên đạt tối thiểu của bộ giáo dục, thậm chí là tối đa. Nhưng chương trình của chúng tôi mà có tệ hại nhất thì rơi xuống mức tối thiểu của bộ giáo dục nhưng bình thường nó cao hơn nhiều, hơn hẳn.

Việt Hà: Giáo sư có tin là mô hình trường thực nghiệm sẽ được chấp nhận là mô hình cải cách giáo dục ở Việt Nam không?

Hồ Ngọc Đại: chắc chắn phải thế, tin vững chắc như thế, chỉ có là sớm hay muộn thôi, nhưng cái đó là tất yếu, không thể khác được

Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.