Lãi suất đồng bạc VN sẽ còn giảm thêm nữa?

Trong vòng 15 ngày, Ngân Hàng Nhà Nước VN đã hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản tiền đồng, cũng như nới lỏng thêm về tiền tệ tín dụng.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2008.11.05

Nam Nguyên phỏng vấn TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển một tổ chức độc lập ở Hà Nội về  vấn đề này. Trước hết TS Nguyễn Quang A đánh giá ý nghĩa của các biện pháp tiền tệ vừa nói:

TS Nguyễn Quang A:  Lãi suất cơ bản giảm từ 14% xuống 13% và cho đến hôm qua giảm thêm 1% nữa (12%), lãi suất tái chiết khấu cũng giảm xuống 1%, dự trữ bắt buộc của các ngân hàng cũng giảm.

NguyenQuangA-200.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS ở Hà Nội. RFA file photo
RFA file photo
Tôi nghĩ đây là những biện pháp hợp với thời cuộc trong cuộc khủng hoảng tài chính này, khi mà thanh khoản của tất cả hệ thống ngân hàng ở khắp nơi trên thế giới đều bị cạn kiệt, thì thanh khoản của hệ thống ngân hàng VN do tác động của Ngân Hàng Nhà Nước đã được cải thiện rất đáng kể.

Nhưng lãi suất  vẫn còn ở mức khá cao  và như thế làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn. Cho nên đợt giảm lãi suất ngày hôm qua (3/11 áp dụng 5/11) của Ngân Hàng Nhà Nước cũng có mục đích tạo thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, giúp cho hệ thống ngân hàng có thể cung cấp vốn cho nền kinh tế tốt hơn.

Đã đủ liều lượng?

Nam Nguyên:  Phản ứng từ các ngân hàng đối với các biện pháp gần đây nhất đưa lãi suất cơ bản xuống 12%, theo ông là có thích hợp hay chưa. Có ngân hàng đã  cho vay với lãi suất 15% thôi?

TS Nguyễn Quang A:  Ngay lập tức các ngân hàng đã thay đổi lãi suất cho vay của mình. Nhiều ngân hàng đã cắt giảm từ 1% tới 1,5%  lãi suất cho vay, tương ứng thì lãi suất tiền gởi cũng phải cắt giảm.

Ở mức như thế này là đã có một sự cải thiện đáng kể  rất nhiều so với cách đây vài tháng, nhưng bản thân tôi nghĩ rằng lãi suất vẫn còn cao khó khăn của doanh nghiệp cũng vẫn còn nhiều. Cho nên xu hướng sẽ còn cắt giảm nữa, đây là dự đoán riêng của tôi, sẽ còn cắt giảm nữa trong thời gian tới.

Ở mức như thế này là đã có một sự cải thiện đáng kể  rất nhiều so với cách đây vài tháng, nhưng bản thân tôi nghĩ rằng lãi suất vẫn còn cao khó khăn của doanh nghiệp cũng vẫn còn nhiều. Cho nên xu hướng sẽ còn cắt giảm nữa.

TS Nguyễn Quang A

Nam Nguyên: Thưa TS, vậy thì nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay có  thể tiếp cận nguồn tín dụng tương đối dễ dàng hơn hay chưa?

TS Nguyễn Quang A:  Nói chung các doanh nghiệp VN tiếp cận đến tín dụng trong thời gian vừa qua đều khó cả, không phải là dễ. Trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, để sàng lọc những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thì việc thắt chặt tín dụng như thời gian vừa qua theo tôi là chuyện rất tốt.

BankEconomy200.jpg
Đối phó với tình trạng thiếu vốn tăng cao, các ngân hàng thương mại Việt Nam đua nhau tăng lãi suất để thu hút nguồn tiền trong dân chúng.
Photo AFP
Sau khi các ngân hàng đã sàng lọc để cho doanh nghiệp tiếp cận thêm đến tín dụng, tôi nghĩ đấy là chiều hướng tốt. Nhưng mà vẫn còn có cái khó khăn và tôi nghĩ trong thời gian tới vẫn phải giải quyết vấn đề này nhiều hơn nữa.

Nguy cơ giảm phát

Nam Nguyên:  Thưa TS, ông đánh giá thế nào về nguy cơ  thiểu phát giảm phát cho VN, mà gần đây được nhiều chuyên gia đề cập tới?

TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ  hiện nay lạm phát ở VN vẫn ở mức cao. Chỉ số CPI của tháng 10 có giảm một chút và trong vài ba tháng tới,  chỉ số lạm phát sẽ khó mà tăng.

Bởi vì khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng làm cho giá dầu, giá phân bón, giá xăng, sắt thép đều giảm trên  thế giới. Cho nên cái đó cũng làm dịu bớt tình hình lạm phát đi.

Tôi nghĩ là lo về thiểu phát là rất nên lo, tìm cách ngăn chặn nó càng sớm càng tốt. Nhưng đã thiểu phát hay chưa thì phải để một ít thời gian nữa thì mới rõ được.

Dự liệu trước bằng cách nới lỏng tín dụng như Ngân Hàng Nhà Nước vừa làm,  hoặc là tìm cách  ở VN ngừơi ta gọi là kích cầu tức là đẩy mạnh kích thích sản xuất, kích thích nền kinh tế.

Chỉ có một điều là kích thích nhưng Nhà nước lại tăng cường chi tiêu công, rồi chi cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước thì tôi nghĩ sẽ là một sự sai lầm rất trầm trọng.

Vấn đề người nghèo, vấn đề nông thôn ở VN là những vấn đề hết sức nan giải. Chuyện giúp cho nông thôn cho nông dân họ vươn lên là chuyện hết sức quan trọng.

TS Nguyễn Quang A

Nếu kích thích bằng  tạo cách tiếp cận của các doanh nghiệp tư nhân đến nguồn vốn, tức là  khu vực hoạt động hiệu quả đang  cần đến vốn thì sẽ là một điều hay hơn nhiều.

Nam Nguyên:  Thưa ông, có ý kiến là chống lạm phát phải chú trọng tới nông thôn, quan tâm tới ngừơi nghèo. Đặc biệt là phát triển kinh tế phải chú trọng tới nông thôn. Ông nhận định gì về vấn đề này?

TS Nguyễn Quang A:  Đúng là vấn đề người nghèo, vấn đề nông thôn ở VN là những vấn đề hết sức nan giải. Chuyện giúp cho nông thôn cho nông dân họ vươn lên là chuyện hết sức quan trọng.

Cái xu thế VN muốn trở thành một nước công nghiệp thì sẽ không thể còn 60%  người sống ở nông thôn.

Việc đô thị hoá  sẽ tiếp tục tiến triển và sẽ được gia tăng là chuyện hiển nhiên. Người từ nông thôn ra thành thị  sống và làm ăn ở thành thị, hoặc là bản thân  vùng thị trấn ở nông thôn được đô thị hoá, đấy là chuyện không gì có thể cưỡng lại.  

Phải tìm cách hỗ trợ cho những quá trình ấy nó tiến triển một cách suông sẻ, bớt căng thẳng. Đấy là những vấn đề lớn chứ không phải là đi trợ giúp khoản tiền này khoản tiền nọ.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A đã trả lời đài RFA.       

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.