Hủy hoại môi trường sống, Vedan không bị truy tố

Thủ phạm huỷ hoại nguồn nước sông Thị Vải ở Đồng Nai, nhưng Công ty bột ngọt Vedan sẽ chỉ bị phạt và truy thu phí xả thải, tạm ngừng hoạt động có điều kiện mà không bị truy tố hình sự.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2008.10.08
song-thi-vai-305.jpg Dòng sông Thị Vải hấp hối vì chất thải của những nhà máy này.
Photo courtesy of VietNamNet

2.400m khối chất thải/ngày

Dư luận trông chờ những biện pháp mạnh mẽ của chính phủ đối với Công ty bột ngọt Vedan ở Long Thành Đồng Nai, tuy nhiên quyết định xử phạt hành chính do Bộ trưởng Tài nguyên môi trường ban hành ngày 7/10 cho thấy sẽ không khởi tố vụ án hình sự, dù Bộ Tài nguyên môi trường xác định rằng  Vedan  vi phạm pháp luật có tổ chức và kéo dài. Công ty Vedan Đồng Nai sẽ phải tạm ngừng hoạt động cho tới khi hoàn thành biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

Thời gian Vedan tạm đóng cửa sẽ không biết là bao lâu,  nhưng số phận của 3 ngàn công nhân ở các nhà máy của Vedan Đồng Nai và  vùng nguyên liệu hàng triệu tấn khoai mì ở địa phương sẽ  do Tỉnh Đồng Nai giải quyết.

Vedan bị bắt quả tang đặt hệ thống ngầm để xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, tình trạng này kéo dài từ 12 năm qua.

Từ 12 năm qua, mỗi ngày Vedan xả khoảng 2.400 mét khối nước thải chưa qua xử lý ra sông, khối lượng  dịch thải sau lên men được xả trực tiếp ra sông khoảng 105.000 mét khối mỗi tháng. 

Bộ Tài nguyên Môi trường

Theo kết luận của Bộ TNMT,  mỗi ngày Vedan xả khoảng 2.400 mét khối nước thải chưa qua xử lý ra sông, khối lượng  dịch thải sau lên men được xả trực tiếp ra sông khoảng 105.000 mét khối mỗi tháng.      

Theo quyết định của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Cty Vedan trong vòng 1 tháng phải  truy nộp 127 tỷ đồng phí  bảo vệ môi trường  đối với nước thải công nghiệp, do công ty này đã xả . Vedan  cũng phải nộp phạt hành chính  gần 268 triệu đồng.

Trong vòng 6 tháng kể từ khi nhận thông báo  của cơ quan quản lý nhà nước, Vedan phải thực hiện đền bù thiệt hại  về kinh tế môi trường  do hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải và môi trường  xung quanh. Không những vậy vedan phải trả  chi phí thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải.

Nước thải không xử lý được công ty Vedan thải ra sông
Nước thải hôi thúi không xử lý được công ty Vedan thải ra sông
Photo courtesy Vietnamnet
GSTS Lâm Minh Triết Nhà khoa học môi trường Viện Đại Học Quốc Gia TP.HCM  có những nhận xét đáng chú ý:

Ô nhiễm môi trường mình khắc phục nó thì tốn kém rất nhiều lần so với cái mình đầu tư hiện tại. Cụ thể nhất làm sao mà xử lý áp dụng công nghệ tiên tiến để cho các dòng sông có khả năng tự làm sạch. Nhưng mà con sông Thị Vải thì có lẽ sẽ rất khó.”            

Coi thường pháp luật

Trở lại vấn đề Vedan trả chi phí để làm sạch sông Thị Vải trở lại, câu chuyện này không đơn giản và có thể sẽ có tranh tụng dài lâu, vì  sông Thị Vải dài khoảng 80km  và  sự ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra ở  một khúc sông dài 10km,  hai bên bờ sông hiện diện hàng chục nhà máy công nghiệp không chỉ riêng  một mình Vedan.

Cả một diện tích rộng lớn của sông Thị Vải được tình Đồng Nai qui hoạch để phát triển thuỷ sản, thì từ khi có Vedan nó đã mất sạch không còn miếng nào, cả cái ấy chả làm gì được nữa.

TS Nguyễn Trung Việt

TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường ở TP.HCM nhận định:

Nếu muốn con sông có thể phục hồi thì phải chặn tất cả nguồn thải vào trong con sông, thì Vedan một phần thôi còn lại nhiều nhà máy. Nhiều khu công nghiệp chưa có trạm hoặc nhà máy xử lý nước thải. Việc này phải chấm dứt, nhưng phải đến một thời kinh phát triển kinh tế nào đấy, thì người ta mới dám động đến chuyện ấy.

Lúc trước mười mấy km sông Thị Vải trước khi có Vedan, đã  được  qui hoạch thành khu để phát triển thuỷ sản của tỉnh Đồng Nai, từ mép nước lên bờ có nơi rộng đến khoảng từ 1 đến 2  km, cả một diện tích rộng lớn để phát triển thuỷ sản thì khi mà có Vedan thì nó đã mất sạch không còn miếng nào, cả cái ấy chả làm gì được nữa.”        

Một trong những điểm đáng chú ý của quyết định xử phạt Cty Vedan, có thể đã tạo điều kiện cho một lối thoát khả dĩ cho Vedan.   Đó là  Vedan  phải tạm đình chỉ  hoạt động sản xuất  cho đến khi có  biện pháp  xử lý chất thải lỏng  đạt qui chuẩn  VN  về chất thải.

Việc  Vedan  hoạt động trở lại nằm trong tay Tổng Cục Môi Trường VN, khi nào cơ quan này ra văn bản kết luận  là Vedan đã hoàn thành  các biện pháp xử lý môi trường.

Một trong những điểm được dư luận báo chí chú ý  đó  là việc Vedan xem thường luật pháp VN, cố ý phạm pháp  có tổ chức kéo dài 12 năm, nhưng lãnh đạo Bộ TNMT cho rằng các hành vi vi phạm  của Vedan chưa đủ yếu tố  cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự  về môi trường.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.