Vụ Vedan vẫn chưa có hồi kết

Một trong những vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất, tiếp diễn dai dẳng nhất ảnh hưởng đến đông đảo cư dân ở nhiều địa phương, là vụ công ty Vedan xả nước thải độc hại làm “chết” dòng sông Thị Vải. Cho tới giờ, vấn đề đã được giải quyết tới đâu ?
Thanh Quang, pho1ng vie6n RFA
2010.02.11
trusovedan-dn-vn-net-305 Trụ sở công ty Vedan ở Đồng Nai
Photo courtesy of vietnam.net

Mòn mỏi trông đợi

Sau hơn 10 năm lãnh hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng vì một công ty vô trách nhiệm gây phương hại nặng về môi trường và kinh tế cho rất nhiều hộ nông dân tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng Cần Giờ, thì cho tới giờ, giới chân lấm tay bùn bị thua thiệt ấy vẫn tiếp tục mỏi mòn trông đợi Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Mặc dù kết luận giám định của Viện Môi trường và Tài nguyên cùng các cơ quan khoa học liên hệ cho thấy Vedan gây khoảng 89% ô nhiễm tại khu vực sông Thị Vải, nhưng Tổng Giám đốc Vedan VN, ông Yang Kun Hsiang biện minh rằng sông Thị Vải đã ô nhiễm từ trước khi có nhà máy Vedan tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai - nghĩa là nguồn nước thải từ các khu công nghiệp địa phương cũng góp phần biến nước sông Thị Vải thành dòng sông chết, chứ vấn đề không thể do một mình Vedan gây ra. Do đó, theo Vedan, tỷ lệ 89% như kết luận giám định vừa nói là chưa thuyết phục.

Nông dân rất bức xúc. Họ nói rằng thái độ như vậy của Vedan là không thiện chí, bởi sự thiệt hại đã xảy ra như vậy rồi, thì lẽ ra Vedan phải đi thực tiễn, phải đi khảo sát...
LS. Nguyễn Văn Hậu

Sau hơn 10 năm người nông dân ở các địa phương góp phần làm giàu cho Vedan, đồng thời phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường và thiệt hại về kinh tế từ hệ thống tuyến ống ngầm của Vedan xả chất thải độc hại thẳng ra sông Thị Vải, thì Tổng Giám đốc Yang Kun Hsiang mới đây lại phân trần rằng từ khi xảy ra rắc rối, Vedan “chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm bồi thường, nhưng phạm vi và mức độ như thế nào thì phải có căn cứ”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đại diện cho nông dân Cần Giờ bị ảnh hưởng, đề cập tới vấn đề này:

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) kết luận khoảng tám mươi mấy phần trăm ô nhiễm môi trường là do Vedan gây ra, thì Vedan nói với số liệu đó, họ phải xem lại. Nhưng vừa rồi Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên có làm việc với Vedan, khẳng định rằng những thiệt hại này, Vedan phải chịu trách nhiệm.”

250px-Nrborderborderentrythreecolorsmay05-1-250
Chất thải công nghiệp chảy vào lòng sông ở Cali. Photo courtesy of Wikipedia
Photo courtesy of Wikipedia
Và LS Hậu nhân tiện trình bày về phản ứng của nông dân:

“Nông dân rất bức xúc. Họ nói rằng thái độ như vậy của Vedan là không thiện chí, bởi sự thiệt hại đã xảy ra như vậy rồi, thì lẽ ra Vedan phải đi thực tiễn, phải đi khảo sát...Cho nên về phía nông dân, họ không hài lòng, họ rất bức xúc. Dù thiệt hại đã xảy ra, nhưng đến nay Vedan cũng chưa hỗ trợ được đồng nào hết”.

Trước vấn đề nghiêm trọng nhưng dai dẳng như vậy, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã lưu ý giới điều hành Vedan hồi cuối tháng rồi rằng Viện Môi trường-Tài Nguyên, là cơ quan khoa học, đã xác định mức độ trách nhiệm của Vedan trong việc gây ô nhiễm sông Thị Vải, thì Vedan phải có trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường cho người bị thiệt hại. Và ông nhấn mạnh rằng “Chừng nào chưa khắc phục thiệt hại cho người dân thì câu chuyện Vedan vẫn chưa đến hồi kết thúc”, và “Công ty Vedan VN còn hoạt động thì các cơ quan chức năng phải còn tiếp tục kiểm tra”.

Tẩy chay sản phẩm

Giữa lúc Vedan khẳng định là đã tiến hành công trình khắc phục ô nhiễm với tổng chi phí, cho tới giờ, trên 33 triệu đô-la, cũng như đang ra sức thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, thì ngày càng có nhiều người dân tố cáo các nhà máy sơ chế mì tươi của Vedan tại Hà Tĩnh, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Phước đang gây ô nhiễm môi trường đáng ngại, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Đó là lý do khiến đoàn công tác, do Bộ Tài Nguyên và Môi trường dẫn đầu, có kế hoạch kiểm tra các nhà máy Vedan ở các địa phương vừa nói.

Tôi nhận thấy hiện nay người tiêu dùng đã quay lưng đối với sản phẩm của Vedan, thí dụ như bột ngọt. Những sản phẩm từ Vedan phần đông là do người nông dân góp phần làm ra, cho nên họ rất bức xúc với việc bồi thường. 

LS. Nguyễn Văn Hậu

Từ văn phòng tại Sài Gòn, LS Nguyễn Văn Hậu ngỏ ý tin rằng trước sau gì Vedan cũng phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của họ theo những quy định bảo vệ môi trường, nhất là khi vấn đề Vedan ngày càng trở thành trọng tâm của công luận trong và ngoài nước.

LS Nguyễn Văn Hậu giải thích: “Bởi vì bài học Vedan vừa rồi không chỉ riêng cho công ty Vedan, mà còn chung cho các nhà sản xuất nào gây ô nhiễm. Họ phải tính đến, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ. Vừa rồi việc Bộ trưởng Bộ TN-MT xuống Vedan kiểm tra xem công ty thực hiện kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường như thế nào, với sự tham gia đông đảo của báo giới. Đó là việc làm công khai liên quan việc thực hiện luật bảo vệ môi trường của VN. Chuyện nầy ảnh hưởng đến công ty Vedan không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài trong lãnh vực môi trường”.

Theo LS Nguyễn Văn Hậu thì trong khi chờ đợi Vedan bày tỏ thiện chí bồi thường cho nông dân bị thiệt hại cũng như thực sự khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, giới tiêu dùng hiện đã quay lưng với sản phẩm của Vedan. LS Hậu nhận xét rằng đối với người nông dân, những sản phẩm từ Vedan phần lớn là do họ làm ra.

songthivai-250-nongnghiep-vn
Sông Thị Vải bị ô nhiễm. Photo courtesy of nongnghiep.vn
Photo courtesy of nongnghiep.vn
Cho nên, việc Vedan có thái độ “câu giờ” khiến nông dân không còn thiết tha với sản phẩm của Vedan, ông nói: “Tôi nhận thấy hiện nay người tiêu dùng đã quay lưng đối với sản phẩm của Vedan, thí dụ như bột ngọt. Nhưng đối với người nông dân ở đây, những sản phẩm từ Vedan phần đông là do người nông dân góp phần làm ra, cho nên họ rất bức xúc với việc bồi thường. Và một số người tiêu dùng VN, trước tình trạng như vậy, họ không sử dụng sản phẩm Vedan, như bột ngọt. Khi vào siêu thị, họ mua sản phẩm khác”.

Hứa sẽ bồi thường

Bên Vedan thấy đây là trách nhiệm của họ nên cũng hứa sẽ bồi thường. Hiện các hội nông dân đang thống kê lại mức thiệt hại, đang khoanh vùng thiệt hại để có được số liệu chính xác rồi chuyển những thông tin đó cho Vedan.

LS Hậu, đại diện cho nông dân TPHCM, nói thêm:

“Chúng tôi đang thống kê thiệt hại và sẽ có con số chính thức. Vedan cho rằng với mức thiệt hại như vậy, họ chưa đồng ý. Nên trong khi phái đoàn của Bộ TN-MT tới Vedan làm việc, Bộ TN-MT xác định đây là những thiệt hại do công ty Vedan gây ra nên Vedan phải có trách nhiệm. Công ty Vedan cũng ghi nhận điều nầy. Có lẽ qua Tết, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với họ một lần cuối cùng nữa.”

Bộ TN-MT xác định đây là những thiệt hại do công ty Vedan gây ra nên Vedan phải có trách nhiệm. Công ty Vedan cũng ghi nhận điều nầy. Có lẽ qua Tết, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với họ một lần cuối cùng nữa.

LS. Nguyễn Văn Hậu

Về phía chính quyền, LS Hậu nhận xét:

Việc Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên trước hết đi kiểm tra để biết hiện nay Vedan đã khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như thế nào, và nhân dịp đó, Bộ trưởng đã yêu cầu Vedan phải bồi thường thiệt hại cho nông dân. Chính việc bồi thường thiệt hại nầy, mà làm xong, Vedan mới nói được các chuyện khác. Câu trả lời như vậy, tôi nghĩ là sẽ thúc giục công ty Vedan là phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đền bù người nông dân”.

Nếu mọi việc sẽ diễn ra theo đúng chiều hướng khả quan như hứa hẹn, thì cũng chưa biết bao lâu tiền bồi thường mới tới tay người dân. Nhưng ít ra cũng có chuyển biến xem ra thuận lợi, tuy chưa biết rõ thiện chí của công ty Vedan có thực sự như lời hứa hay không, và cơ quan chức năng có đặt quyền lợi nhân dân lên trên lợi lộc riêng tư hay không.   

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.