Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần thực hiện cam kết với giới tài trợ nước ngoài về hiệu quả của khu vực quốc doanh. Các ý kiến khác thì ghi nhận sự cương quyết của phía lập pháp để thực hiện quyền hiến định.
Quyết định nhiều thay đổi
Liên tiếp trong 2 ngày mùng 8 và 10 tháng 11 vừa qua, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua 2 nghị quyết liên quan đến ngân sách Nhà Nước. Điều đặc biệt, cả 2 nghị quyết này đều có xu hướng giảm đầu tư cho khu vực tập đoàn, doanh nghiệp và tổng công ty nhà nước.
Cụ thể, trong năm 2009, Chính Phủ sẽ cắt giảm 4 ngàn 100 tỷ đồng đầu tư dành cho Tập Đoàn Dầu Khí, so với dự kiến ban đầu là 9 ngàn tỷ. Một số tập đoàn khác cũng bị cắt giảm, nhưng không đáng kể so với mức cắt của Tập đoàn Dầu khí.
Quốc Hội, với tinh thần trách nhiệm, đã thực hiện quyền hiến định, xem xét ngân sách một cách nghiêm túc, xem xét dự thảo chính phủ, và quyết định nhiều thay đổi.
TS Lê Đăng Doanh
Điều cần phải nhấn mạnh ở đây, là các dự thảo tài chính từ phía chính phủ đưa ra thảo luận tại Quốc Hội đã thay đổi đáng kể so với dự định ban đầu.
Hay nói cách khác, theo lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội, là Quốc Hội Việt Nam đã “quyết định nhiều thay đổi”:
“Quốc Hội, với tinh thần trách nhiệm, đã thực hiện quyền hiến định, xem xét ngân sách một cách nghiêm túc, xem xét dự thảo chính phủ, và quyết định nhiều thay đổi. Một trong các thay đổi là cắt giảm đầu tư vào khu vực tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước.”
Có tổng cộng 6 ngàn tỷ đồng đầu tư phát triển cho năm 2009 đã bị Quốc hội cắt giảm trong nghị quyết liên quan đến ngân sách năm 2009, với tỷ lệ rất lớn dành cho doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, rằng "con số cắt giảm này là đáng kể. Đặc biệt tác động đến Tập Đoàn Dầu Khí. Tuy nhiên, đến 265 tỷ đồng khác cũng tác động đến các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn khác."

Trong khi đó thì tin của báo điện tử VietnamNet cho biết, là một số dự án liên quan đến xây dựng và trường đào tạo nghề, trung tâm y tế trực thuộc khu vực tập đoàn và tổng công ty bị cắt giảm hơn 250 tỷ đồng.
Tập Đoàn Điện Lực bị cắt giảm khoảng 30%, tức là khoảng gần 60 tỷ đồng vốn đầu tư vào các dự án cung cấp điện tại Tây Nguyên.
Như vậy, trong tổng số vốn bị cắt giảm, Tập Đoàn Dầu Khí chịu ảnh hưởng nặng nhất. Nếu so riêng với dự kiến đầu tư ban đầu cho tập đoàn này, thì phía dầu khí bị cắt giảm đến gần một nửa cho riêng năm 2009.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, tập đoàn này sẽ phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư:
“Tập Đoàn Dầu Khí chắc chắn sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư của mình. Tập Đoàn này sẽ vẫn có lực để đầu tư, nhưng cắt giảm gần 50% như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến dự kiến của họ.”
Dấu hiệu đáng ghi nhận
Một số người cho rằng, sự kiên quyết của phía Quốc Hội đối với việc cắt giảm vốn đầu tư cho khu vực tập đoàn nhà nước là một dấu hiệu đáng ghi nhận.
Các cơ quan dân cử có tiến bộ trong 10 năm qua, thể hiện thông qua các phiên chất vấn truyền hình trực tiếp, thông qua các hoạt động Quốc Hội cởi mở hơn.
TS Phạm Duy Nghĩa
Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, giảng dạy bộ môn Luật Kinh Tế tại Hà Nội, đã từng nhận xét, rằng những thay đổi tích cực đã bắt đầu từ khoảng 10 năm trở lại đây, cho dầu “có vẻ còn chờ đợi những cải cách lớn hơn.”
Ông nói trong một lần trả lời phỏng vấn cách đây ít lâu liên quan đến vai trò Quốc Hội Việt Nam:
“Các cơ quan dân cử có tiến bộ trong 10 năm qua, thể hiện thông qua các phiên chất vấn truyền hình trực tiếp, thông qua các hoạt động Quốc Hội cởi mở hơn.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng lưu ý điều này. Ông nói, “sự cương quyết trong quyết định được người dân hoan nghênh.”
“Con số cắt giảm là con số có ý nghĩa, nhưng cao hơn con số ấy là tinh thần cương quyết, chủ động trong quyết định. Cá nhân tôi và đa số dân chúng đều hoan nghênh quyết định này.”
Cũng có dư luận cho rằng, việc cắt giảm ngân sách dành cho các tập đoàn quốc doanh lần này là một xu hướng không thể thay đổi vì “những cam kết của chính phủ với giới tài trợ nước ngoài về hiệu quả của khu vực quốc doanh.”
Về điều này, tiến sĩ Doanh cho rằng “Quốc Hội lắng nghe ý kiến nhưng không thể bị chi phối.”
Lượng vốn đầu tư bị cắt giảm vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng đầu tư cho khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, tình trạng bội chi ngân sách, cộng thêm với sự sụt giảm giá dầu thô khiến ngân sách dự thu của chính phủ Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh.
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 chấp nhận mức bội chi lên đến gần 5%.