Trong quyết định giảm giá lần này, quan chức Chính Phủ thừa nhận, là nhà nước “tiếp tục điều hành cơ chế giá trong mấy tháng cuối năm để có nguồn bù lỗ cho các doanh nghiệp.” Một phát biểu có thể hiểu là người dân san sẻ các khoản lỗ lã trước đây của doanh nghiệp, mà đáng lẽ ra nhà nước phải bù lỗ.
Sáng ngày 14 tháng Tám, Chính Phủ bất ngờ ban hành quyết định giảm giá xăng dầu một ngàn đồng mỗi lít.
Đây là quyết định bất ngờ thứ nhì liên quan đến giá xăng dầu được đưa ra chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.
Ngày 21 tháng Bảy vừa qua, sau một buổi họp báo, Chính Phủ công bố xăng được tăng giá đến hơn 31%. Quyết định này được đưa ra sau nhiều lần Chính Phủ phát tín hiệu, trực tiếp hoặc gián tiếp, là giá xăng sẽ chưa tăng cho đến cuối năm.
Vào thời điểm ấy, khi nhận định về việc có nên duy trì trợ giá xăng dầu, tiến sĩ Nguyễn Quang A đã từng phát biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm lý.
“Trong tình hình lạm phát như hiện nay, vấn đề tâm lý là quan trọng. Những mặt hàng thiết yếu đụng vào cuộc sống nhiều triệu người thì nhà nước nên hỗ trợ giá cho giai đoạn lạm phát cao. Khi lạm phát xuống, đến mức nhất định, thì có thể tăng giá theo thị trường.”
Trong tình hình lạm phát như hiện nay, vấn đề tâm lý là quan trọng. Những mặt hàng thiết yếu đụng vào cuộc sống nhiều triệu người thì nhà nước nên hỗ trợ giá cho giai đoạn lạm phát cao.
TS Nguyễn Quang A
Giảm để khỏi bù lỗ
Trong một bài báo đăng trên VNEconomy, thì trong ngày công bố quyết định giảm giá xăng, thứ trưởng Bộ Công Thương là ông Nguyễn Cẩm Tú phát biểu rằng “quyết định giảm giá 1.000 đồng/lít cho hai loại xăng dầu trên nhằm mục đích một phần để Nhà nước không phải bù lỗ, đồng thời để doanh nghiệp có thể bù lại khoản lỗ trong 7 tháng qua.”
Phát biểu này có thể hiểu là nếu so sánh với giữa giá dầu nhập vào Việt Nam với giá bán đang được ấn định, thì các doanh nghiệp bắt đầu có lời, và mức giảm 1,000 đồng như vậy được xem là còn ít, có thể giảm thêm được nữa.
Một nhân viên bán xăng tại một cây xăng ở Quận 1, Sài Gòn, cho biết.
“Giảm nữa hay không thì chỉ có cấp trên và chính phủ biết. Còn ở cây xăng thì đưa giá bao nhiêu bán bấy nhiêu. Bà con mua cũng bình thường chứ không đông nghịt như hôm có cơn sốt giá ảo.”
Nhận định về mức giá giảm còn ít có thể được tái xác nhận bởi phát biểu của ông Trần Xuân Hà, thứ trưởng Bộ Tài Chính, đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị ngày 14 tháng Tám.
Ông Hà nói rằng việc giảm giá xăng lần này được thực hiện theo nguyên tắc “giảm giá một phần, phần còn lại để doanh nghiệp tự bù số lỗ kinh doanh xăng của 7 tháng đầu năm 2008.”
Tính đến nay, số lỗ lã trong 7 tháng đầu năm cộng thêm phần lỗ của cả năm 2007 với mặt hàng xăng và dầu ma dút, vẫn theo thông tin từ Sài Gòn Tiếp Thị, lên đến hơn 2 ngàn tỷ đồng. Vì lý do đó, “bộ Tài Chính và Công Thương tiếp tục điều hành cơ chế giá trong mấy tháng cuối năm để có nguồn bù lỗ cho các doanh nghiệp.”
Ý kiến công luận
Quyết định giảm giá xăng 1 ngàn đồng một lít trong ngày 14 vừa qua để lại nhiều ý kiến khác nhau.
Giảm nữa hay không thì chỉ có cấp trên và chính phủ biết. Còn ở cây xăng thì đưa giá bao nhiêu bán bấy nhiêu. Bà con mua cũng bình thường chứ không đông nghịt như hôm có cơn sốt giá ảo.
Một nhân viên bán xăng
Có quan điểm cho rằng, giảm 1 ngàn đồng, cho dầu không bằng mức tăng thêm 31% hồi cách đây 1 tháng, vẫn là tín hiệu tích cực trong việc điều tiết giá xăng dầu theo giá quốc tế, nhất là trong tình hình lạm phát hiện nay.
Tuy nhiên, có ý kiến nhận định là Chính Phủ duy trì mức giảm thấp như vậy là để người dân gánh những khoản lỗ lã trong quá khứ của các doanh nghiệp mà đáng ra Chính Phủ phải bù vào.
Chính việc “chia đều, san sẻ” sự thiệt hại đã qua như vậy có thể bao hàm một số bất công giữa các thành phần tiêu thụ, tuỳ theo thời điểm và khu vực kinh doanh.
Một số ý kiến khác thì nhận định là Chính Phủ không có một “lộ trình” rõ ràng trong chính sách giá xăng dầu, mà hoàn toàn bị động tuỳ theo tình hình ngân sách.
Tưởng cũng nên nhắc lại, là vào thời điểm giá xăng tăng 31% ngày 21 tháng Bảy vừa qua, cả hai ông Hoàng Trung Hải, phó Thủ Tướng Chính Phủ, và Vũ Văn Ninh, Bộ Trưởng Tài Chánh, đều thừa nhận quyết định tăng giá xăng dầu là vì “ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ hơn được nữa.”
Cụ thể nếu nhà nước cứ giữ giá như vừa qua thì tính đến cuối năm con số bù lỗ lên đến chừng 70 ngàn tỷ đồng; bên cạnh đó chính phủ phải thất thu khỏang 25 ngàn tỷ đồng tiền thuế do giữ mức thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0%.
Tại sao phải “bất ngờ”?
Hồi giữa tháng Sáu, thứ trưởng Bộ Công Thương là ông Nguyễn Cẩm Tú, cho biết là “Chính phủ sẽ điều hành giá xăng dầu trên cơ sở giá giai đoạn chứ không phải giá thời điểm.”
Ông cho biết thêm, nếu giá dầu thế giới là 130 đô la một thùng, thì chính phủ chưa điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Thế nhưng, quyết định tăng giá xăng vào ngày 21 tháng Bảy được đưa ra khi giá dầu thế giới đang xuống, còn 128 đô la một thùng!
Theo bản tin của tờ Lao Động, thì ông Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Xăng Dầu Việt Nam có đưa ra nhận định, là “nếu giá xăng dầu trong nước biến động hàng ngày như tỉ giá ngoại tệ thì sẽ thấy mức tăng [như ngày 21 tháng Bảy vừa qua] không phải là lớn,” đồng thời “việc điều chỉnh giá xăng dầu đáng ra phải được thực hiện từ 5 năm trước nhằm giảm áp lực ngân sách.”
Hồi giữa năm 2007, Việt Nam đã từng đề xuất ý kiến tự do hoá một phần thị trường xăng dầu, trong đó những nhà nhập khẩu vẫn phải xin ý kiến chính phủ về việc định giá bán lẻ, đồng thời không để cho giá thay đổi liên tục.
Đến giữa tháng Ba, dường như chính phủ đã tạm ngưng chính sách thả lỏng thị trường. Và nay thì chính phủ điều hành giá nhiên liệu theo một đường lối gây bất ngờ hoàn toàn, khi việc làm khác hẳn những lời khẳng định, không ai đoán trứơc được.