Kỳ vọng năm mới của “Việt kiều yêu nước”

Việt Kiều về nước ngày càng nhiều, mỗi người về nước với một mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều chung một nỗi niềm là làm sao cho cuộc sống của người dân tại Việt Nam tốt đẹp hơn.

0:00 / 0:00

Số người Việt ở hải ngoại về quê ăn Tết mỗi năm một tăng lên. Có người về chỉ với mục đích giản dị là thăm thân nhân, chạp mộ rồi ăn Tết, người khác về để mục kích đất nước phát triển đến mức độ nào, rồi cũng không ít người quyết định ở lại để làm việc. Bài hôm nay, do Thanh Trúc thực hiện, nói về kỳ vọng năm mới của những Việt kiều đang sinh sống đang kinh doanh hay đang tham gia vào những lãnh vực khác ở Việt Nam.

Mong muốn phát triển

Đầu tiên là tiếng nói từ Hà Nội, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế và tài chính thường phát biểu góp ý trên làn sóng của đài Á Châu Tự Do:

Tôi là người Việt Nam hoạt động ở nước ngoài và ở trong nước, hy vọng đem tất cả những gì học được ở nước ngoài về phục vụ cho quê hương đất nước của mình. Tôi rất hạnh phúc có cơ hội trở về Việt Nam. Phục vụ cho dân tộc Việt Nam, mong rằng sẽ giúp ích một phần nào đưa đất nước vươn lên và vươn lên.

Tôi sẽ cố gắng xây dựng những quĩ đầu tư lớn để đầu tư vào Việt Nam, đưa kinh tế Việt Nam lên cao hơn nữa.

Ô. Bùi Kiến Thành.

Năm Canh Dần này tôi cố gắng xây dựng một quĩ đầu tư ở nước ngoài lớn, có thể là năm trăm triệu đô la, có thể là hơn nữa, để đưa về đầu tư ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có số vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài về, để lần lần thay thế những cái đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Vì vậy tôi sẽ cố gắng xây dựng những quĩ đầu tư lớn để đầu tư vào Việt Nam, đưa kinh tế Việt Nam lên cao hơn nữa.

Đó là ước mơ mà ông Bùi Kiến Thành ấp ủ và đang chuẩn bị từng bước từ cuối năm Kỷ Sửu bước sang năm Canh Dần này.

Từ Canada về nước xây dựng lại cơ ngơi bao năm nay, ông Phan Thành, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nhân Việt Kiều thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ:

Tết Canh Dần xin chúc tất cả bà con, dù sinh sống ở đâu ở nơi nào, một năm mới an khang thịnh vượng, nhiều sức khỏe, thành đạt trên mọi lãnh vực.

Tôi xin nói rất là thật, cái kỳ vọng lớn nhất của tôi là làm sao để cho đất nước mình càng ngày càng phát triển, mỗi một năm một phát triển. Cái hay nhất là trong cuộc suy thoái vừa rồi Việt Nam vẫn đứng vững, vẫn tiếp tục kiên trì và có những phương án cho doanh nghiệp phát triển, thí dụ những gói kích cầu để giữ vững kinh tế. Năm Canh Dần là năm của sức mạnh và Việt Nam đang phát triển theo hướng đó.

Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Photo courtesy of maivoo.com
Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Photo courtesy of maivoo.com

Trong quá trình phát triển, mong là nhà nước Việt Nam thay đổi cái cách tổ chức về hành chánh, phát triển đường xá, tránh bớt tình trạng kẹt xe và đi rất chậm. Kỳ rồi tôi đi về tỉnh vì tôi ở miền Tây, kỳ rồi là nhà nước cho khánh thành tạm thời một đường cao tốc để cho bà con đi. Rất là tuyệt vời! Hồi xưa tôi đi từ thành phố Hồ Chí Minh xuống Mỹ Tho mất hai tiếng, bây giờ chỉ còn một tiếng đồng hồ thôi. Tôi đã chạy thử, đường cao tốc này như đường ở nước ngoài, chạy 100 cây số 120 cây số/giờ bình thường. Tuyệt vời! Mong Việt Nam phát triển các tuyến đường cao tốc cho cả nước, phát triển đường xá, cầu, và cái hành chánh cần phải thay đổi để cho bà con có sự dễ dàng hơn .

Ông Nguyễn Vinh, Việt kiều từ Pháp về gần chục năm, hoạt động trong lãnh vực du lịch và địa ốc, nói rằng nếu ở Việt Nam khó sống thì chẳng ai dại gì mà về. Hy vọng năm mới thì nhiều lắm, ông nói tiếp, nhưng riêng đối với đất nước thì điều mà người trở về muốn thấy và ao ước là:

Năm mới thì hy vọng là Việt Nam mình có một tiếng nói, có vị trí về kinh tế cũng như chính trị trên chính trường cũng như là thị trường thế giới, một chổ đứng đáng trân trọng đáng nể nhờ những cố gắng của tất cả mọi người nói chung chứ không riêng gì nhà nước mà tất cả đều cố gắng chung lưng góp sức để xây dựng một nền kinh tế càng ngày càng vững mạnh, một môi trường sống càng ngày càng sạch sẽ, làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Chỉ có cái là vầy nè, đầu tiên là phải dẹp nạn tham những, tại vì tham nhũng đánh tan tất cả mọi cố gắng của nhà nước cũng như của tất cả mọi người. Cái đó là cái đứng đầu. Nếu như ta dẹp tới mức độ, tới được mức độ quan trọng cái nạn tham nhũng, thì đương nhiên trong tương lai đất nước mình có thể hy vọng một sự phát triển bền vững trong một môi trường xã hội lành sạch hơn.

Cần đơn giản thủ tục

Bác sĩ Quỳnh Kiều, thành viên Viện Hàn Lâm Y Khoa Mỹ, chủ tịch hội thiện nguyện y khoa Project Vietnam, tạm dịch là Dự Án Việt Nam, đã mười lăm năm nay. Đối tượng của Dự Án Việt Nam là trẻ em tại những vùng sâu vùng xa trong nước. Từ California, bác sĩ Quỳnh Kiều trình bày điều bà cho là hãy còn lấn cấn với hy vọng sớm giải quyết được trong năm nay:

Sau nhiều năm làm việc thì chúng tôi thấy có chiều hướng rất tốt. Hiện giờ trẻ sơ sinh được đặt trọng tâm, trẻ em được an toàn hơn, những thay đổi này rất là hứa hẹn. Những năm gần đây đã có nhiều cải thiện về vấn đề kinh tế , chăm sóc y tế tốt hơn, với những bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới sáu tuổi. Nhưng mà những vấn đề trẻ bị bệnh nan y ví dụ tim, thận, não bộ khiến sinh ra chậm phát triển, thì còn tất nhiều khó khăn, trong nước chưa có đủ chuyên gia.

Hội thiện nguyện y khoa Project Vietnam. Photo courtesy of projectvietnam.org
Hội thiện nguyện y khoa Project Vietnam. Photo courtesy of projectvietnam.org

Ở nước ngoài chúng tôi thấy mình có thể tác động với nhiều chuyên viên trong ngành nhi, thì khi mà có những nhận xét về phương diện y tế, một nhu cầu rất quan trọng cho trẻ em, thì chúng tôi, ví dụ Hàn Lâm Viện Y Khoa Hoa Kỳ là cơ quan chúng tôi đại diện cho, thì chúng tôi có thể đề nghị chính phủ để cái đó trở thành đạo luật quốc gia trong thời gian ngắn. Nhưng mà bên này thì có lẽ vì những phương tiện chưa đầy đủ thành ra những gì mà tôi coi là ưu tiên cho trẻ thì vẫn không được chấp thuận ngay. Mỗi một lần chậm như vậy thì cả ngàn cả triệu trẻ em có thể bị ảnh hưởng. Đó là những vấn đề lấn cấn.

Giáo dục được coi là lãnh vực hàng đầu của phát triển bền vững, mà khi liên quan đến Việt kiều thì cũng cần được chính phủ quan tâm nhiều hơn. Đó là ước vọng của ông Lê Hiệp Tuyển từ Đức về nước đã năm năm, hiện là phó hiệu trưởng Saigon Technology University kiêm khoa trưởng Khoa Quốc Tế trong đại học này:

Nhân dịp Tết Canh Dần, đất nước chuẩn bị đón một ngàn năm Thăng Long, hy vọng sắp tới Việt Nam mở ra một trang sử mới đặc biết trong lãnh vực giáo dục. Tôi thấy nếu những người nước ngoài về mà có điều kiện đóng góp cho giáo dục thì sẽ đào tạo được thêm nhiều người trẻ, kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, để mà chung tay xây dựng đất nước Việt Nam.

Hy vọng là chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho Việt kiều thành công mà muốn về đóng góp trong lãnh vực giáo dục, rất cần nhiều người có kinh nghiệm và nhiệt huyết. Đặc biệt thù lao cho giáo sư ở nước ngoài về đây thì cũng có cái tối thiểu để người ta có thể tập trung vào việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, như vậy mới bảo đảm chất lượng giảng dạy. Lương của người giảng dạy đại học mà thấp hơn thương nhân ở ngoài, ví dụ trưởng khoa một trường đại học mà lương tháng chỉ được có bốn trăm thôi thì làm sao có thể sống được. Đó là vấn đề khó nhất mà vì sao nhiều người Việt chưa muốn về Việt Nam để tham gia giảng dạy hoặc là những hoạt động khác trong nước.

Báo chí trong và ngoài nước ước lượng tổng số tiền người Việt bên ngoài gởi về nhà năm 2009 là năm tỷ đô la hay trên năm tỷ đô.

Nhưng mà bên này thì có lẽ vì những phương tiện chưa đầy đủ thành ra những gì mà tôi coi là ưu tiên cho trẻ thì vẫn không được chấp thuận ngay.

BS Quỳnh Kiều.

Theo chuyên gia kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành, với trên ba trăm nghìn hoặc có thể gần năm trăm nghìn người hải ngoại về quê ăn Tết năm nay, rõ ràng hiện kim bằng đô la, euro, hay Bảng Anh mà họ mang về đã góp thêm sức mạnh cho ngoại hối trong nước.