Vậy tình trạng đó đang được các trường đại học giải quyết ra sao? Mặc Lâm tìm hiểu thông tin từ những vị hiệu trưởng các trường đại học tư thục, dân lập lẫn công lập để tìm câu trả lời, mời quý vị theo dõi.
Trường mở ra nhiều, sinh viên ngày càng đông
Hiện trạng thiếu giáo sư giảng dạy tại các trường đại học trong nhiều năm qua không còn là vấn đề gì mới mẻ, hướng giải quyết tuy được nhiều người nhiều giới đưa ra nhưng thực tế cho thấy không một kế hoạch nào tỏ ra hữu hiệu.
Báo chí cho thấy nhiều trường tư thục hay dân lập có số lượng giảng viên đúng tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đưa ra thật hiếm hoi, nếu không muốn nói là không có trường nào đạt đủ tiêu chuẩn.
Một phần do số sinh viên mỗi ngày một đông, cấp số cộng của sinh viên khiến số lượng giảng viên đại học ngày một tụt dần về phía sau và tình trạng này ngày một hiện rõ hơn khi rất nhiều trường đại học tư nhân hay dân lập đua nhau ra đời để bù đắp cho sự quá tải của các đại học công lập.
Trường mở ra nhiều lại nảy sinh một vấn nạn khác đó là chất lượng giảng viên. Những bài viết gần đây trên báo chí cho thấy nhiều trường tư thục hay dân lập có số lượng giảng viên đúng tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đưa ra thật hiếm hoi, nếu không muốn nói là không có trường nào đạt đủ tiêu chuẩn. Số lượng giảng viên có bằng tiến sĩ chỉ đạt được từ 3 tới 5%. Giảng viên có bằng cao học khá hơn cũng chỉ đạt 80%, số còn lại phải sử dụng cử nhân để đứng lớp.
Hệ thống đại học công lập, cũng thiếu thầy
Để bù đắp vào con số thiếu hụt giảng viên này, nhiều trường đã áp dụng phương án mời giảng viên tiến sĩ thỉnh giảng từ trường khác. Trường đại học tư FPT có lẽ do học phí cao và có liên doanh với đối tác Ấn Độ nên phương án giải quyết xem ra tạm ổn thỏa cho lực lượng giảng dạy.
TS Nguyễn Khắc Thành, Hiệu Phó Đại Học FPT, cho biết :
"Sinh viên ở năm đầu sẽ học ngoại ngữ là nhiều mà, cho nên bắt đầu học chuyên môn thì cũng chưa nhiều lắm, mà đội ngũ giảng dạy về chuyên môn thì cũng chưa phải là cần và rất nhiều. Hiện tại giảng viên nước ngoài dạy về ngoại ngữ, dạy tiếng Anh và tiếng Nhật. Giảng dạy chuyên môn thì hiện tại có hai người nước ngoài. Lực lượng giảng dạy các môn chuyên ngành về sau này thì bên đội ngũ của FPT khá là nhiều cho nên không bị tình trạng đó lắm."
Trường thì nhiều mà thầy thì ít bởi vì đào tạo một ông thầy giáo mất ít nhất là 10 năm, mà trong vòng 10 năm nay có hàng vài trăm trường xuất hiện, vì thế nên thành ra thiếu dữ dội."
GSTS Nguyễn Thành Xương
Thế nhưng đối với Đại Học Dân Lập Văn Hiến thì không thuận tiện như Đại Học Tư Thục FPT. GSTS Nguyễn Thành Xương hiệu trưởng của trường cho biết thực trạng giảng viên của trường như sau :
"Trong hoàn cảnh hiện nay thì hệ thống đại học Việt Nam, chẳng kể gì dân lập mà kể cả công lập cũng thiếu. Thực ra mà nói thì số trường thành lập trong thời gian gần đây nó quá nhiều thì nó rút trường này qua trường kia, trường kia qua trường nọ, nó tạo ra một phong trào gọi là loanh quanh.
Các thầy giáo mới chạy loanh quanh trong hệ thống các trường đại học. Trường thì nhiều mà thầy thì ít bởi vì đào tạo một ông thầy giáo mất ít nhất là 10 năm, mà trong vòng 10 năm nay có hàng vài trăm trường xuất hiện, vì thế nên thành ra thiếu dữ dội."
Đại học công lập là nơi được rót kinh phí trực tiếp từ chính phủ để giải quyết vấn đề giảng viên cơ hữu, vậy lực lượng này có khả quan hơn không?
GSTS Hoàng Xuân Quảng, hiệu phó đại học An Giang cho biết :
"Đại Học An Giang đang tích cực để tạo ra nguồn giảng viên cơ hữu, còn về mời thì mình chủ trương cũng có mời nhưng mời những thầy có chuyên môn tốt để sinh viên có điều kiện tiếp cận. Còn về cơ bản trong các môn học, chương trình đào tạo, thì cố gắng mình đảm nhận gần hết rồi.
Thiếu thì mình có Đại Học Cần Thơ với lại mấy đại học ở Sài Gòn mình mời thỉnh giảng đó mà. Hiện nay thiếu nhiều về kinh tế, nhiều lắm. Sinh ngữ thì bây giờ cũng không thiếu lắm, cũng tạm ổn rồi, nhưng mà các ngành về công nghệ và nông nghiệp thì cũng có một số chuyên ngành về chuyên môn cũng đang còn thiếu."
"Thông thường chỉ mời thông qua dịp mà các thầy - giáo sư ở các nước người ta sang đây người ta làm các chương trình khác thì mình có mời thôi chớ thật ra mình không có mời trực tiếp được từ bên đó."
GS Hoàng Xuân Quảng
Giáo sư ngoại quốc đi công tác cũng mời thỉnh giảng
Phương án mời giảng viên thỉnh giảng ban đầu đáp ứng được phần nào sự thiếu hụt nhưng dần dà cũng đi vào bế tắc vì số lượng không thể theo kịp sự gia tăng hàng năm của sinh viên cũng như cũng như các vấn đề khác nảy sinh.
Sinh viên luôn coi trọng giảng viên nước ngoài vì cho rằng kiến thức của họ luôn cập nhật so với giảng viên trong nước. Trường Đại Học An Giang thường mời số giảng viên này khi họ vào Việt Nam để công tác ngắn hạn và vì vậy thời gian rất giới hạn cho công tác giảng dạy của họ, GS Hoàng Xuân Quảng cho biết:
"Thông thường chỉ mời thông qua dịp mà các thầy - giáo sư ở các nước người ta sang đây người ta làm các chương trình khác thì mình có mời thôi chớ thật ra mình không có mời trực tiếp được từ bên đó."
Còn giảng viên ở những đại học trong nước thì sao? Câu trả lời vấn đề thù lao là vật cản lớn nhất đối với họ.
Giáo sư Quảng chia sẻ vấn đề này khi trường ông mời các giảng viên từ thành phố HCM về An Giang để giảng dạy :
"Nhận xét đó đúng đó anh, bởi vì mình mời thì cùng không có điều kiện, bởi vì theo quy định tài chính của nhà nước Việt Nam nên cũng khó mà trang trải. Các thầy ngay ở Sài Gòn mời xuống hiện nay thì cũng có nhiều thầy yêu cầu mức thù lao khá cao thì mình không đáp ứng được."
Cho nên cái chuyện chất lượng của đại học Việt Nam hiện nay là vấn đề đang rất đau đầu. Và nếu có điều kiện để mà nâng cao chất lượng hay là đạt đến chất lượng mong muốn thì tôi cho là phải vài chục năm."
GSTS Nguyễn Thành Xương
Phải vài chục năm nữa đại học Việt Nam mới đạt chất lượng
Từ những câu hỏi chưa có đáp số này nền giáo dục Việt Nam đã và đang đối diện thêm với khó khăn lớn nhất đó là chất lượng đào tạo đại học.
Vấn đề này dư luận cho rằng phải cải tổ từ chính hệ thống đang vận hành nó.
GSTS Nguyễn Thành Xương lo ngại :
"Đó là một cái thực trạng của giáo dục Việt Nam hiện nay, bởi vì tính cái số cử nhân trên một vạn dân thì mình hiện nay là thấp nhứt so với Đông Nam Á. So với Thái Lan, Singapore và các nước thì mình thấp đó, mà chạy theo cái đó trong khi mình chưa chuẩn bị kỹ thì nó phải thế thôi chứ không còn cách nào khác.
Cho nên cái chuyện chất lượng của đại học Việt Nam hiện nay là vấn đề đang rất đau đầu. Và nếu có điều kiện để mà nâng cao chất lượng hay là đạt đến chất lượng mong muốn thì tôi cho là phải vài chục năm."
Thống kê cho thấy sinh viên ra trường kiếm được việc làm đúng ngành học của mình chỉ được 15%. Có phải đây là đáp số chính xác cho tình trạng thiếu giảng viên trầm trọng này hay không? Hiện câu hỏi này vẫn đang được những người có quan tâm đến giáo dục Việt Nam chuyên chú theo dõi.