Hội thảo về sửa đổi Luật Lao động

Với mục đích bảo vệ quyền lợi công nhân tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, một buổi hội thảo thăm dò ý kiến doanh nghiệp trước những điều khoản sửa đổi trong Bộ Luật Lao động, do Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, diễn ra hôm thứ Hai vừa qua.

0:00 / 0:00

Thăm dò ý kiến

Sau buổi hội thảo, ông Albert Frances Kinj, luật sư Âu Châu, chuyên tư vấn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về việc thành lập công ty kinh doanh ở Việt Nam, hoặc cố vấn cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư ở ngoại quốc, trình bày về ý nghĩa và nội dung luật lao động sửa đổi mà chính phủ Việt Nam đang nhắm tới. Trước hết ông bổ túc lý do vì sao ông được mời tham dự và lên tiếng trong buổi hội thảo:

“Tôi là thành viên của các phòng thương mại và công nghiệp của Âu Châu, của Pháp, của Bỉ, và tôi cũng là thành viên của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Các Doanh Nhân Nước Ngoài ở thành phố Hồ Chí Minh. Với tư cách đó tôi cũng rất thường tham gia vào các buổi hội thảo các buổi làm việc với các cơ quan chức năng Việt Nam liên quan đến các vấn đề về luật pháp.

Theo tôi nghĩ, bộ luật sửa đổi này còn có rất nhiều điều phải được xem lại. Có thể trong năm 2010 thì bộ luật được thông qua. Nhưng tôi không chắc lắm vì các bên còn rất nhiều điều phải nói chuyện thêm với nhau.

Ông Albert

Hiện chính phủ Việt Nam đang muốn hỏi ý kiến các bộ phận kinh tế trong nước cũng như nước ngoài liên quan đến việc sửa đổi bộ luật lao động.

Tuy rằng có sự cố gắng để hài hòa giữa bên sử dụng lao động cũng như bên người lao động, tôi nhận thấy việc bảo vệ người lao động ưu tiên hơn là bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Tôi hiểu người lao động có vị thế kém hơn người sử dụng lao động, nên từ đó nhà nước Việt Nam quan tâm hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Bộ luật này sẽ áp dụng cho tất cả các công ty hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đồng đều cho tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp Việt Nam.”

Thanh Trúc :Thưa luật sư, trong trường hợp được quốc hội Việt Nam thông qua thì chừng nào luật mới sẽ được áp dụng?

Albert Frances Kinj: Theo tôi nghĩ, bộ luật sửa đổi này còn có rất nhiều điều phải được xem lại nên về thời gian thì cũng không nắm vững được. Có thể trong năm 2010 thì bộ luật được thông qua. Nhưng tôi không chắc lắm vì các bên còn rất nhiều điều phải nói chuyện thêm với nhau.

Thanh Trúc : Buổi hội thảo vào ngày thứ Hai, để thăm hỏi ý kiến của các doanh nghiệp về những điều khoản sửa đổi trong Bộ Luật Lao Động, được tổ chức như thế nào?

Albert Frances Kinj: Chính phủ Việt Nam giao phó cho Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức hỏi ý kiến các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã mời các tổ chức như Hiệp hội các Doanh nghiệp Âu Châu, Hiệp hội các Doanh nghiệp Mỹ, các tổ chức nước ngoài hoặc Việt Nam khác ví dụ Hiệp hội các ngành nghề của Việt Nam cũng được mời.

cong-nhan-2
Công nhân nhà máy lọc dầu Dung Quất. AFP Photo/Hoang Dinh Nam (AFP Photo/Hoang Dinh Nam)

Và bên trong các hiệp hội đó thì cũng có những cá nhân tự nguyện đứng ra tham gia và những nhóm nghiên cứu về từng đề tài cũng như góp ý kiến đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp, từ đó Phòng Thương mại và Công nghiệp ghi nhận rồi truyền đạt đến chính phủ Việt Nam.

Song song với việc hỏi ý kiến và có từng nhóm làm việc thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng có mời một số quan chức các bộ và ban ngành liên quan, thí dụ Bộ Lao Động, Thương Binh, Xã Hội, các bộ phận pháp chế của các cơ quan chức năng khác, để góp ý kiến và trao đổi với các doanh nghiệp, đưa đến một bản dự thảo càng gần với thực tế càng tốt.

Bảo vệ người lao động

Thanh Trúc : Thưa luật sư, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phản ứng thế nào đối với những điều khoản sửa đổi của Bộ Luật Lao Động?

Albert Frances Kinj: Một số doanh nghiệp có ý kiến là bộ luật sửa đổi này có vẻ như quá bảo vệ cho người lao động và làm cho họ có thể mất đi cái lợi thế về việc sử dụng lao động tại Việt Nam mà từ đó có thể khó tính toán mức lãi khi họ đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Một số doanh nghiệp khác cũng hoàn toàn hiểu là khi mà bảo vệ người lao động Việt Nam, thì đó cũng là một cách mang đến một sự cân bằng nào đó trong việc trao đổi sức lao động đối với người lao động và kết quả sản xuất đối với người lao động.

Một số doanh nghiệp có ý kiến là bộ luật sửa đổi này có vẻ như quá bảo vệ cho người lao động và làm cho họ có thể mất đi cái lợi thế về việc sử dụng lao động tại Việt Nam.

Ông Albert

Tôi cũng xin nói thêm là người sử dụng lao động phản ứng như vậy vì lúc nào họ cũng có ý muốn góp ý kiến để làm sao cho luật sửa đổi nó được đi sát với thực tế kinh doanh của họ.

Thanh Trúc : Thí dụ cụ thể về những điều khoản dự định sửa đổi trong Bộ Luật Lao Động mà luật sư cho là thiên về bảo vệ quyền lợi của người lao động?

Albert Frances Kinj: Ví dụ về số giờ làm việc ngoài giờ, tại Việt Nam thì hiện đang giới hạn ở mức là hai trăm giờ trong một năm.Hiện giờ các doanh nghiệp đề nghị là không giới hạn nữa mà để cho các doanh nghiệp và các nhân viên tự điều chỉnh và điều đình với nhau khi doanh nghiệp có nhu cầu, để mà thực hiện các đơn đặt hàng.

Tuy nhiên nhà nước Việt Nam trong chiều hướng bảo vệ sức khỏe cho người lao động, chỉ chấp nhận nới rộng thời gian làm việc ngoài giờ lên ba trăm giờ thôi. Các doanh nghiệp đang có kiến nghị là làm thế nào số giờ làm việc ngoài giờ đó có thể đi hơn ba trăm giờ, đến bốn trăm, năm trăm hay sáu trăm giờ.

cong-nhan-3
Công nhân hãng Canon, Nhật bản, đầu tư tại VN. AFP Photo/Hoang Dinh Nam (AFP Photo/Hoang Dinh Nam)

Thanh Trúc : Phần luật sư, trong buổi hội thảo này ông có ý kiến đóng góp không?

Albert Frances Kinj: Tôi nhân danh Phòng Thương mại và Công nghiệp Âu Châu thì cũng có góp ý về một số điều. Ví dụ về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có nhân viên đến làm việc tại Việt Nam một cách dễ dãi hơn, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài một cách thoáng hơn, tạo điều kiện cho các thủ tục về hành chính không bị quá nặng nề.

Ngoài ra thì chúng tôi cũng kiến nghị làm thế nào để luật sửa đổi này không đi ngược lại với quyền lợi của doanh nghiệp để doanh nghiệp còn có thể tiếp tục có lãi và vững mạnh để tiếp tục đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Thanh Trúc : Thưa đây có phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam tổ chức một buổi hội thảo để thăm dò ý kiến các công ty có vốn 100% nước ngoài về vấn đề sử dụng lao động ở Việt Nam?

Albert Frances Kinj: Theo tôi nhớ thì chính phủ Việt Nam thường xuyên hỏi ý kiến doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài về sự sửa đổi các bộ luật, không phải chỉ Bộ Luật Lao Động không mà còn những ngành khác nữa. Tôi nghĩ cái sửa đổi thì lúc nào cũng cần thiết trong chiều hướng là sao cho đi sát với tình hình thực tế của nền kinh tế cũng như từng thời buổi.

Sau những xáo trộn kinh tế thế giới, sau và đang, trong những tháng vừa qua, sửa đổi Bộ Luật Lao Động có lẽ cũng là điều cần thiết. Nói tóm lại chúng tôi đang chờ đợi phản ứng từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam đối với những kiến nghị của các doanh nghiệp.

Thật ra thì chúng tôi sẽ còn phải gặp lại với các cơ quan chức năng đó nữa dưới sự chủ trì của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Chúng tôi trông chờ ý kiến cuối cùng của các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ như thế nào.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn luật sư Albert Frances Kinj.