Yếu tố nông dân và doanh nghiệp
TS Lê Đăng Doanh: Năm 2009 đã đi qua đối với Việt Nam với những thành tựu về mặt kinh tế nhẹ nhàng hơn, tốt đẹp hơn những dự báo ban đầu về tác động của cuộc khủng hoảng, đó là nền kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng, đến các quí cuối năm lao động đã có việc làm thêm và chỉ số giá cả chỉ dừng lại ở mức khoảng 7%. Đấy là những tín hiệu đáng mừng, có được những thành tựu đó là nhờ các nỗ lực chịu khó chịu khổ và năng động của người nông dân đã bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp vào xuất khẩu đến 6 triệu tấn gạo, cũng như là thủy sản và các sản phẩm khác.
Ngoài ra thì khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân tỏ ra rất năng động và biết cách đối phó. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lãnh vực xuất khẩu như dệt may và da giày cũng có những biện pháp năng động, không chịu đóng cửa và tiếp tục được họat động của mình. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, từ trước đến nay đóng nhiều cho tăng trưởng kinh tế thì năm nay đã bị gặp nhiều khó khăn, vì họ không năng động như các doanh nghiệp Việt Nam và sự đóng góp của họ cũng giảm sút.
có được những thành tựu đó là nhờ các nỗ lực chịu khó chịu khổ và năng động của người nông dân đã bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp vào xuất khẩu đến 6 triệu tấn gạo, cũng như là thủy sản và các sản phẩm khác.
TS Lê Đăng Doanh
Nam Nguyên: Thưa TS, mức sống của người dân nói chung là thước đo về những thành quả kinh tế mà ông vừa đề cập. Vậy TS nhận định gì?
TS Lê Đăng Doanh: Đời sống của người dân nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là vật giá, tuy chỉ số giá cả chỉ tăng 7% nhưng giá hàng tiêu dùng và lương thực thực phẩm cũng vẫn tăng. Đối với người nông dân thì tùy sản xuất gạo, xuất khẩu gạo nhưng lợi nhuận thực của họ không được nhiều, mà lợi nhuận chủ yếu đi vào vào các công ty trung gian giữa người nông dân và công ty xuất khẩu.
Đặc biệt ở thành phố cũng như một số vùng nông thôn, tình trạng ô nhiễm môi trường rác thải không được thu gom, rồi ô nhiễm nước ngầm ô nhiễm khói bụi, nhất là những làng nghề, làng thủ công thì tình trạng đó khá là nghiêm trọng. Ở hai thành phố Hà Nội và TP.HCM ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, thì nạn kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn làm cho đời sống người dân chịu nhiều phiền toái, đi lại ngoài đường mất nhiều thì giờ hơn, về đến nhà chậm hơn và cũng có nhiều bực bội.
Chuẩn bị cho những thách thức tương lai
Nam Nguyên: Thưa TS, như ông vừa nói suy thoái làm lộ rõ những mắt xích đã rạn nứt của nền kinh tế, theo TS phải ưu tiên cải tổ ở lãnh vực nào?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn và một thách thức lớn. Cơ hội lớn là nếu cải tổ nền kinh tế Việt Nam có thể tiến lên vượt bực là, nếu cải tổ và phát triển được lãnh vực giáo dục đào tạo thì người lao động Việt Nam sẽ có tay nghề cao hơn. Nền kinh tế Việt Nam có thể dịch chuyển vào những nấc thang phát triển cao hơn như là chế biến chế tác được sâu hơn và với công nghệ cao hơn có thể có giá trị gia tăng cao hơn.
thứ tự ưu tiên hàng đầu của năm 2010 phải là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được các cân đối kinh tế lớn, duy trì được mức lạm phát thấp để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển trong những năm sau này.
TS Lê Đăng Doanh
Các lãnh vực khác như y tế thì chính phủ đã họp và thừa nhận rằng tình trạng quá tải về y tế chứng tỏ mức đầu tư về y tế của Việt Nam không theo kịp mức gia tăng dân số và mức đô thị hóa. Các yếu tố khác cũng đòi hỏi nỗ lực vượt bực như kết cấu hạ tầng, đường xá, điện năng, và còn đòi hỏi nhiều nỗ lực khác nữa để cho kinh tế và đời sống của người dân được tốt hơn.
Nam Nguyên: Thưa TS, sau những bước đi đầy cam go của 2009, sang 2010 nền kinh tế Việt Nam theo ông còn đối diện những trở ngại nào lộ rõ nhất?
TS Lê Đăng Doanh: sang năm 2010, chính phủ đã trình Quốc hội phương án tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%. Tuy vậy bên cạnh sự hồi phục kinh tế, tăng trưởng cao hơn, cũng phải hết sức chú ý đến những mất cân đối kinh tế vĩ mô đã bộc lộ ra trong suốt hai năm 2008-2009 và làm cho chính phủ phải đối phó hết sức vất vả. Đó là nhập siêu, là mất cân đối trong cán cân thanh toán quốc tế, đó là bội chi ngân sách lớn và hiệu quả của nền kinh tế chưa cao. Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề mà chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát rồi mới đặt ưu tiên đạt tăng trưởng cao. Nếu muốn tăng trưởng cao thì phải nhập nhiều trang thiết bị, vật tư và như vậy nhập siêu lại có thể tăng lên.
Tôi nghĩ rằng thứ tự ưu tiên hàng đầu của năm 2010 phải là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được các cân đối kinh tế lớn, duy trì được mức lạm phát thấp để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển trong những năm sau này. Bên cạnh đó Việt Nam cần phải tiến hành những cải cách có hiệu quả vì từ năm 2006 đến nay, theo xếp hạng của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới vị thế xếp hạng của Việt Nam đã từ 64 bậc giảm xuống 75 bậc nghĩa là tụt 11 bậc trong thời gian qua, Việt Nam phải có nỗ lực để bắt đầu lại vượt lên trên. Cũng trong thời gian đó Trung Quốc đã có bước bứt phá hết sức quan trọng, hiện nay họ xếp thứ 29, nghĩa là hơn rất nhiều so với xếp hạng của Việt Nam. Mặc dù trước đây Trung Quốc và Việt Nam cùng xếp chung một nhóm tức là hiệu quả chưa phải là cao lắm, nhưng gần đây Trung Quốc đã lên được nhóm các nước trung bình khá.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này