Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, Tiến sĩ Phạm Ngọc Liễu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, cho biết:
Đặc điểm
TS Phạm Ngọc Liễu: Về chất lượng thì tùy chủng loại, ví dụ như xoài của vùng ĐBSCL không thua gì những giống xoài phổ biến của Thái, đó là điều khẳng định. Giống sầu riêng bản địa hay giống bưởi da xanh hiện nay đang phát triển rất tốt, chất lượng không thua gì giống sầu riêng Thái hay bưởi Thái. Tôi cũng đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia Mã Lai và chuyên gia Thái thì thấy mình có một số nhược điểm như diện tích sản xuất theo từng giống không tập trung, xé lẻ. Diện tích nông hồ nhỏ, ví dụ ở ĐBSCL thì diện tích khoảng 5000 hay 6000 mét vuông cho một nông hồ. Bản thân người nông dân cũng lo xa, không dám trồng một thứ trong vườn mà trồng hai ba thứ nên sản lượng cần một lúc nhiều và đồng nhất thì khó. Thành ra vấn đề chúng tôi quan tâm là làm sao để kêu gọi bà con tạo được những vùng chuyên canh, dĩ nhiên phải có vai trò quản lý nhà nước trong này tức là hỗ trợ cho nông dân trong giai đoạn chuyển đổi. Thứ hai là làm sao để bà con nông dân ngồi lại hợp tác với nhau tổ chức thành vùng chuyên canh mới có thể làm theo một quy trình hoặc một quá trình kỹ thuật chung để bảo đảm thứ nhất là an toàn, thứ hai là đạt được tiêu chuẩn như Globo GAP hoặc là Viet GAP. Có chứng nhận đó thì mới có tính cạnh tranh cao hoặc khách hàng mới chấp nhận mua sản phẩm. Có những điểm yếu mà chúng tôi cũng kêu gọi chính quyền địa phương cũng như của bà con làm vườn phải cố gắng liên kết lại để thực hiện được những điều tôi vừa trình bày.
Nếu nói về cây ăn trái thì cho tới giờ này Thái lan đi trước VN khoảng 20 năm.
TS Phạm Ngọc Liễu
Hỗ trợ của chính phủ
Thanh Quang: Như vậy về phía chính quyền họ đã trợ giúp cho các nhà vườn, cho các nông dân trồng trọt như thế nào ạ?
TS Phạm Ngọc Liễu: Về chính quyền địa phương thì họ cũng đã xác định được những vùng nào nên trồng cây gì, thứ hai họ cũng đang tìm cách làm sao cho nông dân có thủ tục vay vốn dễ dàng hơn, thứ ba họ cũng nỗ lực giúp hình thành HTX để sản xuất đồng thời huấn luyện cho nông dân biết cách làm thế nào để sản xuất trên một loại trái cây đồng nhất và an toàn.
Thanh Quang: Về phần các nhà khoa học thì những đề tài nghiên cứu khoa học về cây ăn trái có đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trái cây VN không ?
TS Phạm Ngọc Liễu: Cho tới giờ này thì tôi tin chắc rằng hầu hết những lãnh vực chuyên môn để làm ra được trái cây an toàn, được giống tốt thì chúng tôi đã làm khá nhiều và đáp ứng được hầu hết các nhu cầu của dân. Chỉ có vấn đề tổ chức sản xuất của địa phương, ví dụ như vai trò nghiên cứu của viện chúng tôi thì trong 15 năm qua đã cố gắng làm rất nhiều những tiến bộ kỹ thuật tương đối hoàn thiện. Vấn đề ứng dụng và mở rộng thì thuộc phạm vi nhà nước của từng tỉnh, vai trò lớn hơn thì của Bộ Nông nghiệp hoặc hơn nữa thì của chính phủ.
Thanh Quang: Các loại cây giống mà VN, nhất là vùng ĐBSCL, có được chủ yếu là những giống bản địa hay ngoại nhập, hay lai tạo như thế nào?
TS Phạm Ngọc Liễu: Nếu nói về cây ăn trái thì cho tới giờ này Thái lan đi trước VN khoảng 20 năm. Nó có thuận lợi là gần 200 năm không có chiến tranh lớn nên rất thuận lợi trong phát triển cây ăn trái. Hiện nay các giống cây Thái lan đang có trên thị trường nội địa cũng như xuất đi các nước hầu hết là những giống cây bản địa qua lai tạo tự nhiên, chọn lọc trong tự nhiên. Việt Nam cũng thế, hầu hết các giống cây ngon hiện nay đang được chọn lọc là có từ trong tự nhiên ngoại trừ một số giống mà chính viện chúng tôi lai tạo ra như giống thanh long ruột đỏ đang phát triển ở các tỉnh ĐBSCL hoặc miền nam nói chung.
Tôi cũng đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia Mã Lai và chuyên gia Thái thì thấy mình có một số nhược điểm như diện tích sản xuất theo từng giống không tập trung, xé lẻ.
TS Phạm Ngọc Liễu
Thành tựu khoa học trong chọn tạo giống cây ăn trái đòi hỏi nhiều thời gian, trung bình từ 10 đến 15 năm mới có khả năng ra được một giống.
Thương hiệu
Thanh Quang: Vấn đề thương hiệu trái cây của Việt Nam thì sao ạ?
TS Phạm Ngọc Liễu: Hầu hết các tỉnh đều có những giống cây đặc sản. Ví dụ ở Vĩnh Long thì có Năm Roi, Cam sành Tam Bình và một số giống như xoài xiêm của Vĩnh Long và mỗi tỉnh đều có những chỉ dẫn để bảo hộ, có chỉ dẫn địa lý cho cây đó. Phần đó thì chính quyền địa phương phải làm chứ nông dân không thể làm được và không đủ lực để làm. Thứ hai là người ta cố gắng xây dựng HTX rồi tạo dựng thương hiệu cho HTX trên chủng loại trái cây, hầu hết các tỉnh đã khởi động làm và một số tỉnh đã đạt được kết quả tốt. Ví dụ như chỉ dẫn địa lý của bưởi Năm roi, bưởi Da xanh ở Bến Tre, vú sữa Lò rèn ở Vĩnh Kim của Tiền Giang, khóm Tân Lộc. Mỗi tỉnh có loại trái cây ưu thế, hầu hết các tỉnh đều đã làm được chỉ dẫn địa lý và xây dựng được thương hiệu cho HTX và địa phương có loại trái cây đó có thế mạnh hơn.
Thanh Quang: Xin cám ơn ông Phạm Ngọc Liễu rất nhiều.