Việt Nam chưa hoàn thành cam kết tại Đối thoại nhân quyền Việt Mỹ
2017.05.15
Tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 23 hôm 11/5 tại Washington DC, ông Scott Busby, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho biết nhân quyền Việt Nam năm 2016 có nhiều bước lùi và tình trạng bắt bớ, hành hung và giam cầm các nhà hoạt động vẫn thường xuyên xảy ra.
Ông Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây áp lực với Việt Nam về vấn đề nhân quyền tại Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 21 dự kiến diễn ra cuối tháng 5.
Đài Á Châu Tự Do RFA có cuộc trao đổi riêng với ông Scott Busby sau buổi lễ để tìm hiểu chi tiết.
Có tiến bộ nhưng không đáng kể
Lan Hương: Xin chào ông Phụ tá Thứ trưởng Scott Busby. Hưa ông, tại buổi lễ kỷ niệm ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 23 ông có nói rằng Việt Nam trong năm qua đã đạt được một số bước tiến về vấn đề nhân quyền nhưng vẫn còn rất hạn chế. Vậy thì theo ông vì sao Việt Nam lại có những chuyển biến dù nhỏ nhoi như vậy?
Ông Scott Busby: Tôi không thể nói chính xác được là tại sao chính phủ Việt Nam lại có một số bước tiến về nhân quyền. Nhưng tôi muốn tin rằng Chính phủ Việt Nam cũng muốn được thực sự là một thành viên của cộng đồng thế giới, họ muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ và với Liên minh châu Âu.
Tôi nghĩ rằng họ cũng muốn được tham gia vào cộng đồng các quốc gia và thực hiện những cam kết liên quan đến Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc và những luật lệ do chính họ lập ra, bao gồm những điều khoản khắt khe về nhân quyền.
Lan Hương: Có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có những hệ quả trực tiếp tới tình hình dân chủ, nhân quyền và cải cách thể chế hiện nay và trong tương lai của Việt Nam. Ông suy nghĩ như thế nào về điều đó?
Ông Scott Busby: Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép cho Việt Nam để đạt được những tiến bộ về nhân quyền. Đó là lý do mà chúng tôi tổ chức buổi đối thoại Nhân quyền với Việt Nam hàng năm.
Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi nhắc đến vấn đề nhân quyền trong mọi buổi gặp mặt cấp cao với Việt Nam. Cải thiện nhân quyền Việt Nam luôn là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ.
Lan Hương: Trong bài phát biểu tại ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 23, ông cũng nhắc đến tình trạng các nhà hoạt động bị sách nhiễu, hành hung và giam cầm vẫn tiếp tục diễn ra và cho đó là bước lùi về nhân quyền của Việt Nam. Vậy trong buổi Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 21 diễn ra vào cuối tháng này, Hoa Kỳ sẽ nhắc đến vấn đề này như thế nào?
Ông Scott Busby: Chúng tôi sẽ tiếp tục bày tỏ lo ngại về nhiều vụ việc chính phủ Việt Nam hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và giam cầm những người thực hiện những quyền tự do đó.
Chúng tôi sẽ gửi Việt Nam danh sách những tù nhân chính trị mà chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam cần thả tự do ngay lập tức.
Việt Nam không thực hiện lời hứa
Lan Hương: Tại buổi Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 20 năm ngoái, Việt Nam có hứa hẹn điều gì với Hoa Kỳ về việc thay đổi tình hình nhân quyền hay không? Và nếu có, họ đã thực hiện được những điều gì và còn điều gì chưa đạt được?
Ông Scott Busby: Họ hứa hẹn rằng sẽ cải thiện các điều luật nhưng đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa hoàn thiện. Chúng tôi cũng đề nghị họ phải thả ngay một số tù nhân lương tâm ví dụ như luật sư Nguyễn Văn Đài, nhưng đến hiện tại họ vẫn chưa làm.
Vì vậy còn rất nhiều điều chính phủ Việt Nam cần làm để cải thiện tình hình nhân quyền tại quốc gia này.
Lan Hương: Hoa Kỳ mong đợi điều gì từ Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 diễn ra vào cuối tháng này?
Ông Scott Busby: Chúng tôi không thể nói trước được là họ sẽ làm những gì nhưng hi vọng và mục tiêu của chúng tôi là họ sẽ thả các tù nhân lương tâm, dừng ngay việc bắt người tùy tiện chỉ vì họ thực hiện quyền con người cơ bản.
Và chúng tôi cũng mong muốn họ sẽ cải tổ những điều luật mà chúng tôi cho là cần thiết chẳng hạn như luật lao động, bộ luật hình sự, luật tự do hội họp
Lan Hương: Xin cám ơn những chia sẻ của ông!