Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo
2009.04.20
Trúng mùa
Vụ lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ kết thúc vào cuối tháng Tư, sản lượng toàn vụ có khả năng vượt qua con số 10 triệu tấn lúa. Chỉ riêng một vụ này thôi, vựa lúa xuất khẩu miền tây đã bảo đảm cung cấp 5 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.
Theo các nhà khoa học lúa đông xuân có phẩm chất tốt hơn các vụ lúa khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, do thu hoạch trong mùa khô. Trong khi đó vụ hè thu, thu đông thường đạt năng suất thấp và hạt lúa dễ bị ẩm mốc.
Vụ hè thu, thu đông và lúa mùa ba vụ gộp lại mới có được sản lượng 10 triệu tấn tương đương vụ đông xuân.
Mạng tin lúa gạo quốc tế, trích các nguồn tin đáng tin cậy đưa ra dự báo điều chỉnh rằng, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 5 triệu 200 ngàn tấn gạo trọn năm 2009.
Hồi đầu năm Bộ Công Thương cho biết chính phủ dự kiến xuất khẩu từ 4 triệu 500 ngàn tấn tới 5 triệu tấn gạo tuỳ theo tình hình thực tế.
Xuất khẩu năm nay trên 5 triệu tấn, chắc chắn rồi bởi vì sản lượng lúa của cả nước năm nay trúng mùa.
TS Lê Văn Bảnh
Trước thông tin là Việt Nam có thể xuất khẩu gạo nhiều hơn kế hoạch, TS lê Văn Bảnh Viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định:
“Xuất khẩu năm nay trên 5 triệu tấn, chắc chắn rồi bởi vì sản lượng lúa của cả nước năm nay trúng mùa. Bà con nông dân hiện nay bức xúc là mới dừng lại là bà con có phản ứng rồi. Giá thấp xuống là bà con không hài lòng bên Bộ Công Thương và Hiệp Hội Lương Thực Lúa Gạo.”
Trên thực tế, chính phủ dành đặc quyền ký kết các hợp đồng chính phủ với khối lượng lớn cho các Tổng Công Ty Lương Thực Nhà Nước. Vinafood 2, tức Tổng Công Ty Lương Thực miền Nam dự thầu bán gạo cho các nước có nhu cầu mua nhiều gạo như Philippines, Indonesia và Malaysia.
Còn Vinafood 1, tức Tổng Công Ty Miền Bắc phụ trách các hợp đồng bán gạo cho Cuba, Iraq.
Khi Vinafood 1 và 2 dự thầu quốc tế để ký hợp đồng chính phủ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VN được khuyến cáo không tham gia, để tránh vấn đề cạnh tranh giá.
Nhà nông được gì?
Các Tổng Công Ty Lương Thực Nhà nước chi phối hơn 60% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Phần còn lại dành cho các doanh nghiệp khác, ở phần này các doanh nghiệp bán gạo theo dạng hợp đồng thương mại ký kết với người mua là doanh nghiệp nước ngoài.
Năm nay đa số làm ra là bán, bây giờ có công ty xay xát trực tiếp đi mua bán trực tiếp cho họ thì được giá cao.
Nông dân ĐBSCL
Đối với nông dân đồng bằng sông Cửu Long họ mong sao đầu ra xuất khẩu gạo được suôn sẻ, có nhu cầu thì thương lái mới không ép giá nông dân:
“Nông dân làm thì không dám để lúa nữa, phải chi mình nắm được thông tin giá cả chính xác ổn định thì người dân còn lưỡng lự, mình phải chờ thời điểm nào mình bán thời điểm nào vựa lại được. Còn năm nay đa số làm ra là bán, bây giờ có công ty xay xát trực tiếp đi mua bán trực tiếp cho họ thì được giá cao.”
Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam cầm trịch vấn đề xuất khẩu gạo, nhưng thực chất do các Tổng Công Ty Lương Thực Nhà nước chi phối. Các thành viên của Hiệp Hội phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước hoặc cổ phần hoá nhưng có vốn Nhà nước.
Theo tin Reuters, ngày 17/4/2009 Hiệp Hội Lương Thực phong toả lô hàng 120 ngàn tấn gạo của công ty Thương Mại và Du Lịch Kiên Giang dự kiến xuất khẩu đi Châu Phi.
Lý do nêu ra là các hợp đồng ký sau ngày 21/2/2009 chỉ được giao hàng từ tháng 7 tới tháng 9 mà thôi. Công Ty Kiên Giang nói với báo chí là sẽ kiện lên Thủ Tướng vì hợp đồng của họ ký trước thời hạn đó.
Theo các chuyên gia thị trường, Hiệp Hội Lương Thực không muốn đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, vì sợ 6 tháng cuối năm hết gạo dự trữ, sẽ xảy ra tranh mua tranh bán giữa các công ty đẩy giá lúa lên cao.
Giá lúa lên cao là điều nông dân trông đợi nhưng lại không phải là điều Hiệp Hội Lương Thực mong muốn.