Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ
2011.03.05
Mặc dù đã có nhiều cam kết, nhưng trên thực tế, chính quyền Việt Nam vẫn kiểm soát gắt gao những tiếng nói ôn hòa đòi hỏi những quyền căn bản của con người.
Ngày thứ sáu, 3 tháng 1 năm 2011 vừa qua, trong buổi họp định kỳ lần thứ 16 của Hội Đông Nhân Quyền (HĐNQ) tại Genève (Thụy Sĩ), Thứ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thông báo Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2013-2016. Để thực hiện được mục đích này, Việt Nam sẽ phải có những thay đổi gì? Xin mời quý thính giả theo dõi phần trao đổi của Thông tín viên Tường An với ông Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế:
Xứng đáng?
Trong khi làn sóng của các cuộc cách mạng đang hừng hục lan tràn từ Trung Đông đến Á Châu, trong khi lớp lớp người đang đứng lên đòi lại quyền làm chủ đất nước của mình thì ở Việt Nam hầu như im ắng. Không những thế, các cuộc bắt bớ, quấy nhiễu những tiếng nói đấu tranh bất bạo động vẫn tiếp tục xảy ra. Ông Vũ Quốc Dụng Tổng thư ký của Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế đưa ra nhận định về bức tranh nhân quyền của Việt Nam trong thời điểm hiện nay như sau:
"Việt Nam, nhất là trong các lãnh vực về quyền dân sự và chính trị thì rất là tồi tệ. Chính quyền Việt Nam không chấp nhận xã hội dân sự và các tiếng nói khác với quan điểm của đảng Cộng sản và vi phạm thô bạo các Nhân quyền này.
Chính quyền Việt Nam không chấp nhận xã hội dân sự và các tiếng nói khác với quan điểm của đảng Cộng sản và vi phạm thô bạo các Nhân quyền này.
Ông Vũ Quốc Dụng
Mặc dù là Việt Nam đã ký vào một số công ước Nhân quyền cũng như là có ban hành các luật về sự tôn trọng các điều ước Quốc tế. Pháp luật Việt Nam cũng không có nội luật hóa các điều ước Quốc tế, cho nên người dân Việt Nam không thể nhờ tòa án để mà phân xử những vi phạm đối với luật quốc tế của chính quyền. Rất nhiều bộ luật Việt Nam hiện được soạn ra nhưng nó không tuân thủ các tiêu chuẩn Nhân Quyền Quốc Tế.
Thí dụ như hiện nay có bộ luật chống buôn người. Các tòa án thì cũng không giữ công tâm trong các việc xử án mà hoàn toàn làm theo sự chỉ đạo từ trên xuống. Về mặt hợp tác quốc tế thì Việt Nam chỉ nhượng bộ trong 1 vài các trường hợp đơn lẻ chứ không chịu để cho các quan sát viên của LHQ đến Việt Nam điều tra về những cáo buộc vi phạm Nhân quyền.
Việc đánh đập dã man người tùy viên ngoại giao của Hoa Kỳ cho thấy chính quyền Việt Nam phản ứng rất là nóng nảy trong các vấn đề Nhân quyền mà họ cho là nhạy cảm.
Ngày 25/09/2009 tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch - HRW) cho biết Hà Nội đã bác bỏ 45 đề nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó có quyền xử dụng internet, hủy bỏ án tử hình, trả tự do cho tù nhân lương tâm, cho phép quảng bá về nhân quyền…
Thế nhưng ngày 3 tháng 1 năm 2011 vừa qua, trong buổi họp lần thứ 16 tại Genève (Thụy Sĩ) Việt Nam cho biết dự định sẽ ứng cử vào Hội Đông Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, nhiệm kỳ 2013-2016. Về thể thức bầu cử của Hội Đông Nhân Quyền, ông Vũ Quốc Dụng cho biết:
Ai cũng nhìn thấy là Việt Nam chưa xứng đáng để vào HĐNQ vì trong kỳ xét duyệt báo cáo định kỳ của Việt Nam vào năm 2009 Việt Nam đã bác bỏ hầu hết các đề nghị bảo vệ Nhân quyền chính trị và quyền dân sự. Lúc đó chúng tôi cũng có mặt và chúng tôi thấy các phái đoàn của ngoại quốc rất là thất vọng trước sự chối từ của Việt Nam.
Chúng ta thấy hiện nay cơ cấu của LHQ thì họ lấy thành viên theo nguyên tắc chia ghế dựa theo khu vực địa lý. Hội Đông Nhân Quyền cũng không thoát khỏi thể thức này, cho nên trong số 47 thành viên của HĐNQ thì có 13 ghế dành cho khu vực Á Châu. Có nghĩa là các quốc gia Á Châu họ sẽ dàn xếp với nhau để họ đưa ứng cử viên cho Đại hội đồng LHQ biểu quyết. Nếu các quốc gia Á Châu đưa ra đúng 13 ứng cử viên cho 13 ghế thành viên của HĐNQ thì đại hội đồng LHQ cũng không còn chọn lựa nào khác là bầu cho 13 thành viên này.
Bên cạnh những uy tín quốc tế, trên thực tế, cơ quan này vẫn có những bất lực không thể tránh khỏi đã gây khá nhiều bất mãn cho các thành viên:
Chỉ khi nào 1 thành viên có thành tích vi phạm Nhân quyền khá lộ liễu thì nó mới bị loại. Đây là 1 cái lỗi về cơ cấu của HĐNQ, nó khiến cho các quốc gia vi phạm nhân quyền kéo bè, kéo đảng tham gia vào HĐNQ và vô hiệu hóa cơ cấu này.
Tôi đã nói chuyện với 1 vài người làm ngoại giao tại Việt Nam thì họ nói thẳng: Chính quyền Việt Nam chỉ miễn cưỡng ký vào các công ước Nhân quyền chứ không thực lòng muốn thực hiện chúng.
Ông Vũ Quốc Dụng
Cho dù nội quy của HĐNQ đòi hỏi là quốc gia ứng cử phải có thành tích bảo vệ Nhân quyền, cũng như là phải có lời hứa là bảo vệ Nhân quyền, cũng như là khi trở thành thành viên thì càng phải tuân thủ những tiêu chuẩn bảo vệ Nhân quyền. nhưng mà thực tế cho thấy là HĐNQ vẫn bất lực trong việc loại bỏ những kẻ vi phạm Nhân quyền. Cái thực tế diễn ra khác với lý thuyết mà HĐNQ không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nào. Điều này ai cũng thấy và bất mãn, nên chắc chắn trong thời gian sắp tới LHQ sẽ phải sửa đổi tình trạng này.
Mặc dù là thành viên của Liên Hiệp Quốc nhưng Việt Nam vẫn đi ngược lại những hiệp ước, những tôn chỉ chung của các tổ chức quốc tế này - nhất là những vấn đề liên quan đến tự do báo chí, tự do tôn giáo..v..v…- và cho rằng đó là chuyện nội bộ, quốc tế không có quyền can thiệp. Về sự mâu thuẫn này, ông Vũ Quốc Dụng đưa ra nhận xét:
Việt Nam là thành viên không thường trực và từng đảm nhiệm chiếc ghế chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ. Nhưng Việt Nam đã không tuân thủ hiến chương của LHQ. Hiến chương của LHQ quy định là các thành viên của LHQ phải bảo vệ Nhân quyền thì Việt Nam đã làm ngược lại. Hội nghị Nhân quyền quốc tế tại Vienne năm 1993 quy định toàn thế giới có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ nhân quyền thì Việt Nam cho rằng mọi chỉ trích từ phía bên ngoài là can thiệp vào nội bộ của Việt Nam.
Tôi đã nói chuyện với 1 vài người làm ngoại giao tại Việt Nam thì họ nói thẳng: Chính quyền Việt Nam chỉ miễn cưỡng ký vào các công ước Nhân quyền chứ không thực lòng muốn thực hiện chúng.
Ở Việt Nam đưa ra 1 quan niệm rất là khác thường về Nhân quyền để tự cho mình cái quyền ban bố Nhân quyền một cách nhỏ giọt. Cái quan niệm này khác với quan niệm của quốc tế xem Nhân quyền là quyền tự thân của con người và không ai có thể cướp đi hoặc là ban phát cho người dân.
Thế giới hiện nay đã dần dần hiểu ra vấn đề cốt lõi này cho nên mọi cố gắng bây giờ là phải tập trung vào việc đả thông cái quan niệm sai trái này và dùng mọi phương tiện trong quan hệ song phương cũng như đa phương để yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ đúng đắn các điều ước Quốc tế.
Ngày 1/3 vừa qua, Libya đã bị loại ra khỏi Hội Đông Nhân Quyền với sự đồng thuận 100% (192/192 phiếu) cho thấy hành động cứng rắn của LHQ đối với những nhà độc tài. Theo ông Vũ Quốc Dụng, đây có thể là một sự mở đầu cho những cứu xét về vai trò của Hội Đông Nhân Quyền:
Libya không phải là quốc gia độc tài duy nhất có mặt ở HĐNQ. Chúng ta còn thấy có Cuba nữa và Cuba hiện nay còn giữ chức phó chủ tịch của HĐNQ nữa. Điều này đã làm mất uy tín của HĐNQ. Vừa rồi HĐNQ đã ra quyết định ngưng quy chế thành viên của Libya vì Libya đã đàn áp dân chúng và như thế bị xem như là phạm tội chống nhân loại và có thể sẽ bị tố trước tòa án hình sự quốc tế. Thì đây là 1 quyết định mạnh mẽ dựa trên nội quy của HĐNQ và quyết định này sẽ mở đầu cho việc cứu xét toàn bộ công việc và tác dụng của HĐNQ vào năm 2011 sắp tới."
Bước tiến lớn cho việc cải thiện Nhân quyền ở Việt Nam?
Và sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội Đông Nhân Quyền trong năm 2013 như thế nào, ông Vũ Quốc Dụng tiếp:
"Trong năm nay thì chắc chắn là sẽ có 1 số những thay đổi về cách thức làm việc của HĐNQ. Nếu những điều khoản mà như lúc nãy chúng tôi đưa ra, cũng như những điều khoản khác do các tổ chức Nhân quyền quốc tế đề nghị. Nếu được thông qua, mà nếu Việt Nam vẫn tiếp tục ra ứng cử vào HĐNQ năm 2013 thì lúc đó LHQ sẽ có nhiều thủ tục cụ thể để kiểm soát sự hợp tác cũng như lời hứa của Việt Nam mà tôi không biết là đến lúc đó, với những điều khoản mới như vậy thì Việt Nam có còn có ý muốn tham gia vào HĐNQ nữa hay không? Và nếu Việt Nam vẫn giữ quyết định tham gia vào HĐNQ thì đó là một bước tiến lớn cho việc cải thiện Nhân quyền ở VIỆT NAM."
Việt Nam mong muốn tăng cường hội nhập toàn cầu và đạt được tiêu chuẩn thế giới trong mọi lãnh vực, Nhưng sự công nhận quốc tế, sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có những thay đổi ở Việt Nam. Đó là những thách thức mà Việt Nam, trong tiến trình hội nhập toàn cầu cần phải nghiêm túc thực hiện.
Theo dòng thời sự:
- Nhân quyền Việt Nam qua phúc trình của HRW
- Bức thư chung kêu gọi đưa VN vào danh sách CPC
- Viên chức Tòa đại sứ Mỹ bị công an hành hung khi đến thăm LM Nguyễn Văn Lý
- Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phản đối công an VN hành hung viên chức Tòa đại sứ Mỹ
- Ông Christian Marchant bị hành hung gây quan ngại cho giới ngoại giao
- Dân biểu Úc Luke Simpkins không được phép thăm LM Nguyễn Văn Lý
- Kêu gọi xuống đường, BS Nguyễn Đan Quế bị công an khám nhà, mời đi "làm việc"
- Việt Nam siết chặt kiểm soát báo chí
- Một xã hội ứng xử theo luật rừng!
- Bức tranh nhân quyền tại VN