Ngư dân Việt Nam và chiếc ‘thẻ vàng’ cảnh cáo của EC

Cát Linh, RFA
2017.10.25
eu Bài viết loan tải thông cáo báo chí của Uỷ Ban Châu Âu về 'thẻ vàng' đối với hải sản Việt Nam.
Ảnh chụp từ trang undercurrentnews.com

Ủy Ban Châu Âu (EC) hôm 23 tháng 10 quyết định rút ‘thẻ vàng’ cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam. Lý do vì Hà Nội không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EU trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Quyết định này ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt như thế nào và các hội nghề nghiệp trong nước sẽ làm gì để EC rút lại ‘thẻ vàng’ cảnh báo?

Đã lường trước ‘thẻ vàng’

Cùng với thông cáo báo chí của EC được truyền thông quốc tế đăng tải ngày 23 tháng 10, Uỷ Ban Châu Âu có nói rõ quyết định ‘rút thẻ vàng’ là kết quả của quá trình phân tích cặn kẽ và thấu đáo, xem xét trình độ phát triển của Việt Nam. Đặc biệt EC nhấn mạnh quyết định được đưa ra sau một thời gian dài bàn thảo không chính thức với các cơ quan chức năng Việt Nam từ năm 2012.

Khi sự việc xảy ra, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho đài RFA biết rằng trước đây, Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Thuỷ sản đã yêu cầu các ngư dân thực hiện theo những qui định đã tham gia ký kết với quốc tế, như đánh bắt cá phải có quản lý, chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Thế nhưng do số người thực hiện không đồng đều nên dẫn đến kết quả là EU đã gửi ‘thẻ vàng’ cảnh cáo.

“Chúng tôi hiểu được mức độ quan trọng của sự việc. Chúng tôi cũng tiến hành vận động bà con cố gắng mọi người phải thực hiện, chứ trước kia chưa phải là mọi người. Phải nói là như thế. Trước đây cũng thực hiện chứ không phải không, nhưng không được là tất cả mọi người nên mới xảy ra tình trạng này”.

Đây là một việc mà Hiệp hội nghề cá Việt Nam và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã biết kể từ khi EU có qui định về khai thác có kiểm soát và có khai báo. - Ông Nguyễn Tử Cương

Nói rõ thêm về phản ứng của Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cũng như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam trước quyết định vừa nêu, ông Nguyễn Tử Cương, Uỷ viên Hiệp hội nghề cá Việt Nam cho đài RFA biết.

“Đây là một việc mà Hiệp hội nghề cá Việt Nam và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã biết kể từ khi EU có qui định về khai thác có kiểm soát và có khai báo.”

Khó khăn

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Tử Cương, không thể phủ nhận những khó khăn của Hiệp hội nghề cá Việt Nam trong quá trình thực thi những qui định của EU về hoạt động đánh bắt cá. Chia sẻ về những khó khăn Hội nghề cá đang đối diện, ông cho biết.

“Biển Việt Nam thì tới 3.260 cây số chiều dài và vùng biển ở bên ngoài theo chúng tôi là vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam còn 1 triệu cây số vuông. Việc kiểm soát ngư dân khai thác ở ngoài khơi là đang gặp nhiều khó khăn, vì lực lượng ít và hệt thống thông tin liên lạc giữa tàu và đất liền chưa thực hiện được đầy đủ.”

Ngư dân Việt Nam bị giam tại một đồn cảnh sát ở Thái sau khi bị Cảnh sát biển Hoàng gia,tỉnh Narathiwat phía nam Thái Lan bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước này. Ảnh chụp ngày 1 tháng 8 năm 2016.
Ngư dân Việt Nam bị giam tại một đồn cảnh sát ở Thái sau khi bị Cảnh sát biển Hoàng gia,tỉnh Narathiwat phía nam Thái Lan bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước này. Ảnh chụp ngày 1 tháng 8 năm 2016.
AFP

Khó khăn trong kiểm soát cũng chính là những trở ngại mà ông Hoàng, Chủ tịch hội nghề cá Quảng Ngãi chia sẻ với đài RFA.

“Nghề cá là nghề cá nhỏ, mà ngư dân thì đông. 1 tỉnh hàng ngàn tàu, mà bến cảng, bến tàu đâu phải như nước ngoài. Gọi là tàu đi đánh cá thật ra chỉ là ghe, chứ đâu phải là tàu lớn mà có rada, có thông tin, định vị, kiểm soát. Giống như đi lên rừng khai thác, bất chấp. Bây giờ họ ra biển đánh bắt rồi về.

Khi trở về, ở Việt Nam đâu có những cái cảng để họ vào đó để có người xác nhận, mà họ vào bờ chỗ nào, bến kia để bán cá. Họ bưng rổ, bưng thúng xuống rồi những bà mua cá, bán lên. 90% là tình trạng mua bán cá diễn ra ở dọc bờ biển như vậy chứ không có những cảng lớn như các nước trên thế giới.”

90% là tình trạng mua bán cá diễn ra ở dọc bờ biển như vậy chứ không có những cảng lớn như các nước trên thế giới. - Ông Hoàng, CT Hội Nghề cá Quảng Ngãi

Riêng ở tỉnh Quảng Ngãi, ông Hoàng cho biết có 3 cảng cá. Mỗi cảng cá được 1 hoặc 2 trăm tàu nhưng thực tế Quảng Ngãi có 5.500 tàu đánh cá. Do đó, tàu của ngư dân sau chuyến đi biển không thể cập đủ vào cảng để bán cá. Họ phải tấp vào bến này hoặc lạch khác, hoặc bán dọc các con sông.

Ông cũng cho biết sản lượng cá đánh bắt không phải đều có xác nhận nguồn gốc mặc dù đánh bắt ở vùng biển Việt Nam, vì Hội nghề cá không thể đáp ứng đủ số người để thực hiện việc kiểm soát.

“EU thì muốn tất cả nguồn cá đưa vào chế biến xuất khẩu phải có xác nhận nguồn gốc, nhưng không thể làm hết được đâu.

Chỉ có vài tàu lớn của công ty lớn về đến cảng đó, có người thu mua, có cơ quan giám sát mới xác định được khối lượng, đánh bắt ở đâu. Ngư dân chúng tôi thì chỉ phát cho cuốn sổ nhật ký, đánh bắt vùng nào, toạ độ nào, giờ nào…có hết”.

Nhưng theo ông Hoàng, để xác minh hết con số hơn 5 ngàn tàu cá cập bến mỗi đêm bằng phương pháp thủ công như thế là chuyện rất khó khăn.

Biện pháp

Truyền thông quốc tế, khi loan tin EC cảnh cáo thẻ vàng đối với Việt Nam trong hoạt động đánh bắt cá, dẫn lời ông Karmenu Vella, Ủy viên về Môi trường, Các vấn đề Biển và Thủy sản của EU, cho rằng phía Việt Nam cần gia tăng nỗ lực để EC nhanh chóng đảo ngược quyết định này. Sáu tháng là khoảng thời gian thử thách cho Việt Nam nếu như muốn EC rút lại quyết định này.

Ông Nguyễn Tử Cương cho biết hiện nay Việt Nam đang sử dụng Luật Thuỷ sản Việt Nam 2003. Hiệp hội đã đề nghị Quốc hội thông qua lần này có bổ sung sửa đổi một số nội dung liên quan đến vấn đề quản lý đánh bắt cá., đó là hình thành lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương.

“Lực lượng địa phương kiểm soát khai thác ven bờ và lực lượng Trung ương sẽ kiểm soát khai thác ngoài khơi xa.

Việc thứ hai là tăng cường tuyên truyền cho người dân biết thật rõ thế nào là khai thác hợp pháp, thế nào là bất hợp pháp, những nghề cấm, những công cụ cấm, những vùng, bãi đẻ của cá không được phép khai thác, những vùng cá con đang sinh sống, giúp cho ngư dân biết cách xác định toạ độ là vùng nào thuộc biển Việt Nam, vùng nào thuộc nước láng giềng chúng ta không được phép xâm phạm.”

Ghi nhận từ ông Nguyễn Việt Thắng, ông cho biết Hiệp hội Nghề cá Việt Nam đã tuyên truyền rất kỹ về hệ luỵ của ‘thẻ vàng’ cho bà con ngư dân hiểu rõ những ảnh hưởng về thiệt hại đối với ngành thuỷ sản, mà chính họ là người bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất.

Còn những gì đang diễn ra với ngư dân Việt Nam, cụ thể là ở Quảng Ngãi được ông Hoàng chia sẻ những ứng phó thực tế

“Bây giờ mình cũng mong muốn ngư dân vào cảnh đã xây dựng. Thật ra gọi là bến thôi chứ cũng không hiện đại gì. Họ vào đó, khi cân cá để thu mua, mình xem rồi xác nhận cho người ta để họ mang đi đến nhà máy, nơi tiêu thụ, xưởng chế biến.

Nhưng tôi nghĩ làm không hết được.”

Ông Hoàng cho biết thêm khi không làm hết được thì hậu quả kế tiếp xảy ra là xuất khẩu bị hạn chế như EU đã nói. Khi đó, sản phẩm bị trả lại do không có nguồn gốc.

Đây cũng chính là vấn đề được giới chuyên gia từ VASEP nhận định, hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại và phát sinh thêm nhiều chi phí.

Khó khăn này được ông Nguyễn Việt Thắng cho biết nên có sự “gắn kết hữu cơ chặt chẽ giữa ngư dân và Tổng cục Thuỷ sản và Bộ Nông nghiệp và phát triển. Theo ông, nếu người dân thực hiện tốt thì sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu theo yêu cầu của Châu Âu, dẫn đến xuất khẩu thuận lợi và mức tiêu thụ hải sản của ngư dân không bị hạn chế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.