Vì sao chính phủ đột ngột tăng giá xăng?
2008.07.22

Quyết định bất ngờ
Ngày 21 tháng Bảy vừa qua là thời điểm bất ngờ đối với nhiều người Việt Nam. Vào 10 giờ sáng, các Bộ Thông Tin Truyền Thông, Tài Chính và Công Thương, phối hợp tổ chức họp báo, công bố quyết định của chính phủ tăng giá xăng lên đến hơn 30%.
Một lít xăng loại A92 sẽ ngay lập tức lên đến 19 ngàn đồng, tăng 4 ngàn 500 đồng so với thời điểm trước khi tăng giá.
Người tiêu dùng bất ngờ vì hồi cuối tháng Sáu, chính phủ gián tiếp cho biết giá xăng dầu sẽ không tăng cho đến thời điểm tối thiểu là đầu sang năm. Trước đó, khoảng tháng Năm, chính phủ cũng cam kết kềm giá 10 mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng.
Trong tình hình lạm phát như hiện nay, vấn đề tâm lý là quan trọng. Những mặt hàng thiết yếu đụng vào cuộc sống nhiều triệu người thì nhà nước nên hỗ trợ giá cho giai đoạn lạm phát cao. Khi lạm phát xuống, đến mức nhất định, thì có thể tăng giá theo thị trường.
TS Nguyễn Quang A
Giá xăng tăng đến 30% trong bối cảnh nền kinh tế chìm sâu trong lạm phát, và giữa lúc nhà nước tuyên bố “lộ trình điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng, dầu theo hướng ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát,” khiến nhiều người bất ngờ.
Nhận định về việc nên hay không nên trợ giá xăng dầu, tiến sĩ Nguyễn Quang A đã từng phát biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm lý:
“Trong
tình hình lạm phát như hiện nay, vấn đề tâm lý là quan trọng. Những mặt hàng
thiết yếu đụng vào cuộc sống nhiều triệu người thì nhà nước nên hỗ trợ giá cho
giai đoạn lạm phát cao. Khi lạm phát xuống, đến mức nhất định, thì có thể tăng
giá theo thị trường.”
Khó khăn ngân sách
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 21 tháng Bảy, cả hai ông Hoàng Trung Hải, phó Thủ Tướng Chính Phủ, và Vũ Văn Ninh, Bộ Trưởng Tài Chánh, đều thừa nhận quyết định tăng giá xăng dầu lần này là vì “ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ hơn được nữa.”
Cụ thể nếu nhà nước cứ giữ giá như vừa qua thì tính đến cuối năm con số bù lỗ lên đến chừng 70 ngàn tỷ đồng; bên cạnh đó chính phủ phải thất thu khỏang 25 ngàn tỷ đồng tiền thúế do giữ mức thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0%.
Quyết định tăng giá xăng dầu được giới quan sát cho là một cú “shock” đối với người tiêu dùng, khiến ảnh hưởng mạnh đến tâm lý xã hội.
Nhiều người đã từng lên tiếng, cho rằng cần chuẩn bị dư luận và tâm lý xã hội trước khi tăng giá. Chính những công bố từ phía chính phủ cũng ngụ ý, rằng giá xăng không thể tăng nhanh trong một sớm một chiều!
Một người sống ở Sài Gòn nói là “người dân hiểu rằng đến một lúc nào đó, giá xăng sẽ tăng", nhưng "việc tăng giá đột ngột sau rất nhiều lần nhà nước khẳng định chưa tăng giá là điều khiến dư luận bất bình.”
Hồi giữa tháng Sáu, thứ trưởng Bộ Công Thương là ông Nguyễn Cẩm Tú, cho biết là “Chính phủ sẽ điều hành giá xăng dầu trên cơ sở giá giai đoạn chứ không phải giá thời điểm.” Ông cho biết thêm, nếu giá dầu thế giới là 130 đô la một thùng, thì chính phủ chưa điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Thế
nhưng, quyết định tăng giá xăng vào ngày 21 tháng Bảy vừa qua được đưa ra khi
giá dầu thế giới đang xuống, còn 128 đô la một thùng!
Liệu sẽ còn tiếp tục tăng?
Trong một nhận định được đưa ra hồi giữa tháng Sáu, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, với điều kiện hiện nay, bàn tay điều tiết của chính phủ vẫn còn cần thiết, nhưng điều quan trọng là chính phủ phát tín hiệu để người tiêu dùng dần thích nghi với áp lực thị trường:
Tôi nghĩ rằng nhà nước nên tiếp tục có bàn tay điều tiết. Song cách tốt hơn là nên điều chỉnh từng bước nhỏ, để người tiêu dùng và người sản xuất chịu được tín hiệu thị trường, chấp nhận tín hiệu và chịu được áp lực để thích nghi.
TS Lê Đăng Doanh
“Tôi nghĩ rằng nhà nước nên tiếp tục có bàn tay điều tiết. Song cách tốt hơn là nên điều chỉnh từng bước nhỏ, để người tiêu dùng và người sản xuất chịu được tín hiệu thị trường, chấp nhận tín hiệu và chịu được áp lực để thích nghi.”
Nhận định về thị trường xăng dầu Việt Nam, hãng tin Reuters viết rằng, hồi giữa năm 2007, Việt Nam đề xuất ý kiến tự do hoá một phần thị trường xăng dầu, trong đó những nhà nhập khẩu vẫn phải xin ý kiến chính phủ về việc định giá bán lẻ, đồng thời không để cho giá thay đổi liên tục. Đến giữa tháng Ba, dường như chính phủ đã tạm ngưng chính sách thả lỏng thị trường.
Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, thậm chí quan ngại, là quyết định đột ngột tăng giá lần này được đưa ra khi lạm phát chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Ông Bộ Trưởng Tài Chánh nói rằng việc điều chỉnh này “sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI từ 0.5 đến 0.7%” và có thể cao hơn do “những tác động gián tiếp.”
Theo cơ chế giá cũ, trong nửa đầu năm 2008, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ hơn 14 ngàn tỷ đồng. Đại diện chính phủ tính toán, rằng nếu không tăng giá, và nếu giá dầu thô thế giới nằm ở mức 140 Mỹ kim một thùng, thì chỉ trong 6 tháng tới, cả xăng và dầu sẽ lỗ tổng cộng gần 45 ngàn tỷ đồng.
Giới quan sát tin rằng, đây chưa phải là lần tăng giá sau cùng. Tất cả còn tuỳ thuộc vào ngân sách chính phủ. Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải cho biết, với cơ chế giá mới, “nhà nước vẫn phải bù lỗ 70%, còn người dân ‘chia sẻ’ 30%.”
Trong một thời gian dài, chính phủ nhiều lần “phát tín hiệu” về lộ trình giá xăng dầu. Trong các tín hiệu ấy, có thể thấy là trước sau gì cơ chế trợ giá cũng sẽ được bãi bỏ.
Nhưng để tiến tới qui luật thị trường, nhiều thông điệp của chính phủ tạo niềm tin là giá sẽ được điều chỉnh dần dần, từng bước một theo “giai đoạn” chứ không phải “thời điểm.”
Người tiêu dùng đã và đang sống trong tâm lý ấy. Thế nhưng, chuyện bất ngờ nhất đã xảy ra, chỉ trong một buổi sáng, ngược với tất cả những gì họ đang tin tưởng.