“Giờ trái đất”
Để chuẩn bị cho sự kiện này tại Việt Nam, hàng loạt các họat động chuẩn bị đang diễn ra với sự đóng góp phần lớn từ các tình nguyện viên.
Hàng triệu người dân Việt Nam từ 18 tỉnh thành sẽ đồng loạt tắt các thiết bị điện trong vòng một giờ đồng hồ, từ 8:30 – 9:30 tối ngày 27/3 sắp tới, để hưởng ứng phong trào “Giờ trái đất” do quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên Nhiên phát động trên toàn thế giới.
Em sẽ cố gắng huy động tình nguyện viên đi đến các khu công cộng và nơi dân cư để nói cho người dân hiểu về chiến dịch "Giờ trái đất" và kêu gọi người dân tham gia.
Bạn Đăng Khoa
“Giờ trái đất” lần đầu tiên được tổ chức ở Úc năm 2007 với mục đích kêu gọi tiết kiệm điện năng, làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bằng một động tác đơn giản là tắt điện trong vòng một giờ vào tối thứ bảy cuối cùng của tháng ba. Chỉ trong vòng hai năm, số người trên thế giới tham gia chiến dịch “Giờ trái đất” đã lên đến hơn một tỷ người.
Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên tham gia vào sự kiện này với chỉ 6 tỉnh thành nhưng đã tiết kiệm được 140.000 kwh điện, tương đương với 132 triệu đồng. Năm nay, số tỉnh thành tham gia chiến dịch tăng lên gấp ba với nhiều hoạt động chuẩn bị đang diễn ra ráo riết khi thời điểm “tắt đèn” đang đến gần.
Sôi nổi nhất vẫn là những hoạt động của giới trẻ. Nhóm các bạn Việt Nam Xanh đóng góp công sức bằng cách vận động, kêu gọi tình nguyện viên tham gia vào chiến dịch, đồng thời chú trọng về mảng truyền thông qua mạng. Đăng Khoa, trưởng ban điều hành, cũng là một trong những thành viên tích cực của sự kiện “Giờ trái đất” năm ngoái, cho biết:

Trong chiến dịch “Giờ trái đất” này, em sẽ cố gắng huy động tình nguyện viên đi đến các khu công cộng và nơi dân cư để nói cho người dân hiểu về chiến dịch “Giờ trái đất” và kêu gọi người dân tham gia, chỉ đơn giản là họ hãy tắt đèn vào 8:30 tối hôm đó và kêu gọi những người khác cùng tắt đèn. Hiện tại em đang trong giai đoạn kêu gọi tình nguyện viên tham gia. Cho đến thời điểm bây giờ thì đã có hơn 1.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia rồi. Em tin chắc là năm nay sẽ thành công hơn năm ngoái.
Trong khi đó, các thành viên của Câu lạc bộ tình nguyện đạp xe vì môi trường đã lên sẵn kế hoạch đạp xe liên tục 7 ngày trong tuần lễ “Giờ trái đất”. Ngoài ra, câu lạc bộ còn đóng góp chương trình ca nhạc ở 3 thành phố Hà Nội, Huế và Sài Gòn, trong đó sẽ có một “Giờ trái đất” riêng, để hưởng ứng phong trào. Ngô Minh Hương, chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết mục đích của các hoạt động trên:
Nghĩa là không phải cứ đợi đến ngày 27/3 mới có “Giờ trái đất” mà có thể có những “Giờ trái đất” nhiều hơn nữa ngoài 27/3.
Bảo vệ môi trường
Mục đích lớn nhất của phong trào “Giờ trái đất” là nâng cao nhận thức của từng người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong việc góp tay bảo vệ môi trường, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra. Ngoài ra, thành viên của câu lạc bộ cùng với một số thanh niên, sinh viên học sinh tự tổ chức các buổi hội thảo tìm hiểu về “Giờ trái đất” để tự bồi dưỡng kiến thức trước khi tiếp xúc và kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng. Bạn Ngô Minh Hương cho biết thêm:
Em vẫn kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho chương trình nhưng phải nói trước là không đặt logo, cũng không hề giới thiệu truyền thông về doanh nghiệp.
Bạn Đăng Khoa
Tụi em sinh hoạt vào sáng chủ nhật hàng tuần. Ngoài việc tụi em đạp xe vì môi trường, dọn vệ sinh môi trường thì tụi em có tiếp xúc cộng đồng. Đó sẽ là những chủ đề để trao đổi. Có một chủ đề về “Giờ trái đất” xuyên suốt trong suốt tháng 3 này để các bạn trao đổi với cộng đồng để cộng đồng hiểu biết hơn, hưởng ứng nhiều hơn. Và có lẽ là “Giờ trái đất” tụi em sẽ làm nhiều hơn, chứ không phải chỉ trong tháng 3, mà sẽ có các chương trình sau này. Sau khi kết thúc ngày 27/3, tụi em sẽ xây dựng chương trình để làm sao đưa kiến thức bảo vệ môi trường, không chỉ tiết kiệm điện mà còn một số vấn đề khác nữa xung quanh vấn đề tiết kiệm năng lượng đến với người dân.
Học được nhiều, trưởng thành hơn nhiều từ phong trào nhưng nhiều tình nguyện viên đã từng tham gia vận động, kêu gọi người dân hưởng ứng phong trào trong năm ngoái chia sẻ họ gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục người dân tham gia vào chương trình, bởi ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường còn thấp. Bạn Thúy An, sinh viên khoa Môi trường, chia sẻ:
Mình đi mình học được cách nói chuyện với nhiều người. Mình thuyết phục được nhiều người. Có nhiều người rất khó chịu. Họ nói là những hoạt động này họ không có liên quan cho nên mình phải thuyết phục họ thế nào để họ tham gia tắt đèn cùng với tụi mình.

Đối với những bạn ở cương vị “thủ lĩnh”, nắm vai trò tổ chức, họ còn cần sáng suốt và cân nhắc lựa chọn giữa lợi ích của tổ chức và lợi ích cho phong trào. Đăng Khoa cho biết nhiều doanh nghiệp ngỏ ý muốn tài trợ cho nhóm của bạn nhưng đổi lại, họ phải được một số lợi ích về mặt quảng cáo, truyền thông nhưng Khoa đã từ chối và cố gắng giữ chương trình theo hướng phi lợi nhuận. Khoa chia sẻ thêm:
Em vẫn đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chiến dịch này nhưng tham gia thực sự với cái tâm ủng hộ cho chiến dịch này chứ không phải do những lợi ích mà chương trình mang lại. Em vẫn kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho chương trình nhưng phải nói trước là không đặt logo, cũng không hề giới thiệu truyền thông về doanh nghiệp.
Để có được quyết định trên là một điều không dễ đối với các bạn trẻ tình nguyện viên, đặc biệt trong điều kiện khó khăn hiện nay của không ít thanh niên, sinh viên học sinh. Những nỗ lực này được các bạn xem như thử thách phải vượt qua trong tinh thần hòa nhập vào dòng chảy của bạn bè thế giới. Đây cũng là hành trang được các bạn mang theo vào đời như một nhắc nhở về màu xanh trái đất, màu của môi trường mà người trẻ hôm nay đang chung tay gìn giữ.
Theo dòng thời sự:
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và Doanh nghiệp xã hội (phần 1)
- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và Doanh nghiệp xã hội (phần 2)
- Nỗi lo ô nhiễm rác "linh kiện điện tử"
- Vụ Vedan vẫn chưa có hồi kết
- Sông Sài Gòn sẽ ô nhiễm trầm trọng hơn
- Kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng
- Kênh Ba Bò tái ô nhiễm như trước tết