Sông Mekong và biển Đông - hai vấn đề nan giải
2010.03.25
Việt Hà phỏng vấn Tiến sĩ Richard Cronin, chuyên gia Đông Nam Á thuộc viện chiến lược Stimson của Mỹ về các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Những tác hại VN gánh chịu
Các nhà phân tích cho rằng, với việc là nước cuối nguồn, Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất nếu không có những can thiệp tích cực vào quá trình xây đập tràn lan tại thượng nguồn của Trung Quốc.
Việt Hà: Thưa tiến sĩ, với những gì đang diễn ra trên dòng sông Mekong, theo ông chính phủ Việt Nam có hiểu được những tác hại mà Việt Nam phải gánh chịu hay không và ông đánh giá thế nào về những biện pháp mà họ thực hiện nhằm đối phó với vấn đề này?
Chính phủ Việt Nam thực sự lo lắng về tương lai của đồng bằng sông Cửu long, về sản lượng cá, canh tác lúa và mất đất ra biển, tất cả đều là do tác động của việc xây đập nước tràn lan ở Trung Quốc.
TS. Richard Cronin
Richard Cronin: Theo tôi thì chính phủ Việt Nam thực sự lo lắng về tương lai của đồng bằng sông Cửu long, về sản lượng cá, canh tác lúa và mất đất ra biển, tất cả đều là do tác động của việc xây đập nước tràn lan ở Trung Quốc. Ngoài ra Lào, Thái lan và Campuchia cũng đang có kế hoạch để xây dựng thêm 11 đập khác nữa, trong đó 2 đập là ở Campuchia, 9 đập ở Lào, 2 đập ở bắc Lào sẽ là sự phối hợp giữa Thái lan và Lào.
Nhưng đập nước này sẽ làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá, giảm sản lượng cá. Bản thân các con đập sẽ làm thay đổi môi trường thủy văn của dòng sông theo cách mà không ai có thể biết trước được những ảnh hưởng gì sẽ xảy ra với đồng bằng của dòng sông này. Theo tôi thì chính phủ Việt Nam biết chuyện này.
Những con đập ở thượng nguồn sẽ giữ lại phù sa trên thượng nguồn, thay đổi thủy văn dòng sông, và chắc chắn sông cũng bị ô nhiễm một khi các con đập là một phần của công nghiệp hóa hay kế hoạch thủy nông dẫn nước.
Là một nhà phân tích, tôi nghĩ Việt Nam đã có những động thái ngoại giao tích cực với các nước láng giềng, đặc biệt là Thái lan trong thời gian gần đây. Về mặt công khai thì họ không ồn ào, nhưng Việt Nam cũng không muốn thách thức Trung Quốc bởi vì theo tôi họ nghĩ không thể thay đổi chính sách của Trung Quốc, vì thế họ tìm cách để có thể gây ảnh hưởng đến Trung Quốc mà không làm hỏng mối quan hệ hai nước.
Nên dựa vào ASEAN
Việt Hà: Những biện pháp gì mà Việt Nam đang làm để có thể bảo vệ môi trường sông Mekong, và theo ông họ còn có thể làm gì?
Richard
Cronin: Có nhiều việc
họ có thể làm, và họ đã thực hiện một số. Họ đang xích lại gần hơn với Thái lan
trong vấn đề này. Việt Nam cũng có thể mang vấn đề này ra ASEAN, họ nên đưa vấn
đề này ra với Ủy hội sông Mê kông bởi vì Trung Quốc là vấn đề lớn nhất. Nhưng
Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối việc ra quyết định của Lào và Campuchia.
Việt Nam nên tận dụng cơ hội là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Đây là cơ hội tốt để họ đưa vấn đề này lên bàn nghị sự của ASEAN.
TS. Richard Cronin
Đây là những
khu vực mà Việt Nam phải tận dụng vào các mối quan hệ tốt trong quá khứ với
các nước láng giềng. Trung Quốc là khó khăn lớn nhất, nên cách tốt nhất để giải
quyết vấn đề là các nước phải đoàn kết cùng nhau. Cách của Trung Quốc là không
muốn có ngoại giao đa phương, chỉ có song phương mà thôi. Bây giờ Trung Quốc
đang có ảnh hưởng lớn tại Campuchia vì là nước cung cấp trợ giúp phát triển lớn
nhất.
Điều này cũng tương tự với Lào. Vùng bắc Lào được các công ty Trung Quốc đầu tư phát triển rất mạnh vì lợi ích của chính Trung Quốc. Cả hai nước này đều đang phụ thuộc vào Trung Quốc một cách không thực sự có lợi cho họ. Vì thế theo tôi Việt Nam nên coi đây là ưu tiên quan trọng để khiến các nước này chú ý đến quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.
Việt Hà: Ông nghĩ thế nào về những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện đối với vấn đề tranh chấp biển Đông?
Richard Cronin: Theo tôi biết thì Việt Nam đang tích cực mời gọi các công ty Quốc tế vào khai thác dầu tại vùng biển mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, mà theo phần lớn luật Quốc tế thì thuộc Việt Nam. Việt Nam thực sự cũng đang xích lại gần hơn với Mỹ trong vấn đề này.
Đang có những mối lo ngại tại Hoa kỳ về việc Trung Quốc đang mở rộng các họat động hải quân của mình trên các vùng đặc quyền kinh tế, và điều này có ảnh hưởng đến quyền lợi của Hoa Kỳ tại đây. Vì thế Hoa kỳ đã không còn nói là chúng tôi không quan tâm đến kết cục tranh chấp chừng nào vẫn có ổn định và hòa bình trong khu vực.
Giờ đây, Hoa
Kỳ rõ ràng là đã có quan tâm đến tranh chấp này một cách gián tiếp. Và vì thế
Việt Nam đang cố gắng lôi kéo Hoa Kỳ tham gia tích cực hơn vào vấn đề này.
Nguồn lợi thiên nhiên đang trở nên ngày càng quan trọng và Trung Quốc có hoang tưởng về vấn đề an ninh năng lượng.
TS. Richard Cronin
Tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể làm hơn nữa với ASEAN, đặc biệt họ nên tận dụng cơ hội là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Đây là cơ hội tốt để họ đưa vấn đề này lên bàn nghị sự của ASEAN.
Kinh tế và quân sự ở biển Đông
Việt Hà: Liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông, Trung Quốc bằng mọi cách đang ngăn cản những nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp biển đông. Theo ông, liệu tình hình ở đây có thể giống như những gì đã diễn ra ở Tây Tạng hay Đài Loan, tức là Trung Quốc muốn làm gì thì làm, bất chấp quốc tế và thế giới thực sự không thể can thiệp một cách tích cực?
Richard Cronin: Điều này theo tôi phụ thuộc vào 2 yếu tố chính. Một là mong muốn của Trung Quốc để cho thế giới thấy hình ảnh của nước này thế nào, có những hạn chế ở đây. Nhưng mặt khác, nguồn lợi thiên nhiên đang trở nên ngày càng quan trọng và Trung Quốc có hoang tưởng về vấn đề an ninh năng lượng. Vì thế ở Trung Quốc có hai phía đề cập tới là vấn đề kinh tế và vấn đề quân sự.
Phe quân sự thì muốn Trung Quốc nên chủ động hơn, hiếu chiến hơn trong vấn đề này, đó là lý do vì sao mà Hoa Kỳ đang muốn đẩy lùi ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc ở đây. Các bạn cũng biết về sự việc giữa tàu Trung Quốc và tàu Hoa kỳ trên biển Đông hồi năm ngoái.
Vì thế, có những lo lắng về việc Trung Quốc đang muốn làm gì thì làm trên biển Đông và vì thế vấn đề này cần phải được quốc tế hóa, cần phải quốc tế hóa các quyền lợi và của không chỉ các nước đòi chủ quyền trên biển Đông mà cả của các nước sử dụng biển Đông. Trung Quốc không muốn quốc tế hóa tranh chấp biển Đông và có thể việc quốc tế hóa không thể xảy ra nhưng dẫu sao đó cũng là một cách tiếp cận.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Theo dòng thời sự:
- Nhật ký sông Mêkông (phần 1): Cội nguồn
- Nhật ký sông Mê Kông (phần 2): Địa phận Hoa Lục
- Nhật ký sông Mêkông (phần 3): Địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 4): Xuôi dòng địa phận Thái Lan
- Nhật ký sông Mêkông (phần 5): Trong địa phận Miến Điện
- Vấn đề Biển Đông sẽ là đề tài nóng tại Asean
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 1)
- Những ai không muốn quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông? (phần 2)
- Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông? (phần 3)