Công an muốn tăng quyền cho CSGT nại lý do người chống đối ngày càng nhiều!

Diễm Thi, RFA
2020.09.28
2013-03-06T120000Z_2081529633_GM1E9361RD001_RTRMADP_3_VIETNAM-POLICE.JPG Một CSGT đang điều tiết giao thông ở Hà Nội.
Reuters

Thời gian gần đây, truyền thông Nhà nước Việt Nam liên tục đưa những bản tin cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ bị giới tài xế xe máy, xe tải bất tuân hiệu lệnh lao thẳng vào gây thương tích, thậm chí chết người.

Bộ Công an Việt Nam cho rằng việc chống đối cảnh sát giao thông ngày càng manh động, ngày càng nhiều. Bộ này cho biết sẽ đề xuất tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí để ngăn chặn tình trạng này.

Nhà xã hội học -Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương từ Hà Nội nêu quan điểm của bà về hiện tượng mà Bộ công an cho là chống đối cảnh sát giao thông ngày càng nhiều:

“Bây giờ có mạng xã hội nên tin tức được đưa lên nhiều hơn chứ trước đây chỉ có báo chí một chiều nên người ta thấy nó nhiều hơn.

Trước đây người ta không thích thì người ta cũng chỉ phản ứng ngấm ngầm chứ không bộc lộ ra như bây giờ. Bây giờ người ta đã dám thể hiện ra. Họ bức xúc thì họ mới thể hiện được như thế. Từ xưa nay Việt Nam quen sử dụng luật rừng nên người dân cũng không quen tuân thủ luật pháp. Họ cư xử theo thói quen nên khi phải tuân theo luật thì họ chống đối.

Bên cạnh đó việc ứng xử không đúng luật và ăn tiền của dân từ cảnh sát giao thông mà báo chí từng đưa tin cũng làm dân chống đối nhiều hơn.”

Có thể nêu vài ví dụ cụ thể về những hành động mà Bộ Công an cho là người điều khiển phương tiện chống đối cảnh sát giao thông trong năm nay:

Sáng ngày 14 tháng 1, tại Thanh Hóa, một nhóm cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng một xe mô tô để kiểm tra hành chính. Người điều khiển xe mô tô đã không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát mà tăng ga đâm thẳng xe vào lực lượng này khiến một người bị thương nặng. Sáng ngày 8 tháng 7, tại Hà Nội, khi cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng một xe ô tô, tài xế không chấp hành mà điều khiển xe lao về phía cảnh sát giao thông và kéo lê một chiến sĩ khoảng 10m. Gần nhất là trường hợp xảy ra ở Yên Bái hôm 25 tháng 9. Khi bị lực lượng công an ra hiệu lệnh dừng xe, một thanh niên chạy xe máy không chấp hành mà tăng ga tông thẳng xe vào tổ công tác khiến một cảnh sát giao thông bị thương nặng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định hiện tượng này:

“Đó là một thực tế. Ở vào thời điểm này cảnh sát giao thông không còn là một hình tượng đẹp trong mắt người dân nữa do tình trạng nhận hối lộ quá tràn lan trong lực lượng này.

Đây là lỗi do cả phía, lực lượng cảnh sát giao thông lẫn phía người tham gia giao thông. Khi cảnh sát giao thông phát hiện ra lỗi vi phạm thì hai bên gần như có sự thương lượng về số tiền người dân phải đưa, chứ không theo mức phạt theo quy định. Cách thứ hai là họ tìm cách cự cãi để chứng minh cảnh sát giao thông phạt họ không đúng. Và điều này phải nói nó rất là phổ biến nên lâu dần người dân cũng mất đi sự tôn trọng đối với người cảnh sát giao thông.

Thêm vào đó, mỗi khi có chuyện xảy ra thì cấp trên của các chiến sĩ cảnh sát giao thông hay có sự dung túng cho cấp dưới của mình.”

Một cảnh sát chống bạo động đứng bảo vệ tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng hôm 9/11/2017.
Một cảnh sát chống bạo động đứng bảo vệ tại nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng hôm 9/11/2017.
Reuters

Nhận định này của Luật sư Mạnh trùng với suy nghĩ của anh Trần Trọng Nhân từ Đăk Nông. Theo anh, cảnh sát giao thông không thực hiện đúng chức năng chính của mình là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn dân tuân thủ luật lệ giao thông. Họ thường xuyên tìm cách bắt lỗi người vi phạm để thu phạt trực tiếp. Lâu ngày dẫn tới việc người dân họ thấy bức xúc và họ chống lại cảnh sát giao thông. Anh Nhân giải thích:

“Thứ nhất, từ trước đến nay, người dân họ không ưa lực lượng cảnh sát bởi họ lạm quyền và người dân luôn ở thế yếu. Cảnh sát họ có quyền hạn trong tay. Khi có vấn đề pháp lý xảy ra thì pháp luật bảo vệ cảnh sát chứ không bảo vệ người dân. Những điều này làm người dân nhìn cảnh sát với con mắt không thiện cảm. Tất cả các loại cảnh sát, kể cả cảnh sát giao thông.

Thứ hai, nhờ mạng xã hội nên nhiều video clips người dân cãi lý lẽ với cảnh sát giao thông bằng chính luật lệ họ đưa ra được đưa lên mạng xã hội. Họ bắt lỗi ngược lại cảnh sát giao thông. Từ đó người dân họ mạnh dạn hơn. Nếu thấy cảnh sát giao thông có lỗi là họ cự lại.”

Theo Bộ Công an, tình trạng chống đối người thi hành công vụ nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông diễn ra ngày càng phức tạp, manh động và liều lĩnh. Lý do được bộ này đưa ra là do cơ sở hạ tầng, cơ chế quản lý cũng như ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Thêm vào đó là kiến thức hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói riêng của người dân còn thiếu.

Bộ Công an cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các điều kiện cần thiết để tăng cường thêm sức mạnh, sức chiến đấu, xử lý ngay các tình huống chống người thi hành công vụ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông:

“Tôi nghĩ việc tăng thẩm quyền để sử dụng vũ khí cho CSGT là phản phản ứng thái quá và không giải quyết được vấn đề. Nó chỉ giải quyết được phần ngọn thôi, cái gốc của vấn đề là phải giữa luật pháp nghiêm.

Nếu người dân sai thì phải chấp nhận chuyện lập biên bản và đóng phạt đúng quy định. Nếu CSGT sai thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Tức là phải thiết lập trở lại luật pháp. Qua đó mới tạo niềm tin và sự tôn trọng giữa hai bên. Đó mới là gốc của vấn đề.”

Đây không phải lần đầu Bộ Công an đề xuất như vậy. Từ tháng 4 năm 2019, trong ‘Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ của Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đã đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ.

Đề xuất này được đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội ủng hộ với lý do đưa ra là cảnh sát giao thông mới chỉ được trang bị “công cụ hỗ trợ” mà chưa có vũ khí.

Với đề xuất cung cấp vũ khí cho cảnh sát giao thông vì chống đối ngày càng nhiều, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương bày tỏ lo ngại và ví đây như một hình thức mà bà gọi là ‘chạy đua vũ trang’. Bên này chống đối nhiều thì bên kia trang bị vũ khí. Cứ như thế thì nó sẽ đẩy xã hội đến tình trạng khá là nguy hiểm. Nó sẽ xảy ra xô xát và thương vong.

Ông Trần Trọng Nhân kết luận:

“Theo tôi đó là ngụy biện để họ giữ vững sự thống trị trên mọi lĩnh vực. Riêng với CSGT, họ muốn là nói gì dân cũng phải nghe, cũng phải chấp hành chứ không được chống cự. Cho nên trang bị vũ khí cho CSGT là cách để họ trấn áp người. Họ lấy lý do bảo đảm trật tự chứ thật ra là họ bảo vệ cho chính lực lượng của họ.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
28/09/2020 20:29

Đúng là có nhiều người vi phạm và một số chống đối thiệt