Một luật sư đề xuất lập Liên đoàn Luật sư độc lập trong Ngày Luật sư
2019.10.10
Nhân ngày Luật sư Việt Nam 10/10, các báo nhà nước ca ngợi giới luật sư và rằng đa số các luật sư “có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của đảng”. Tuy vậy, một luật sư ở TP.Hồ Chí Minh nói với Đài Á Châu Tự Do về mong muốn hình thành “Liên đoàn Luật sư độc lập”.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, được truyền thông dẫn lời tại buổi lễ mừng ngày Luật sư Việt Nam: “Đa số các luật sư có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của đảng, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp luật sư.”
Hôm 10/10, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với RFA:
“Chỉ khi Việt Nam có Liên đoàn Luật sư độc lập thì vai trò của luật sư mới có thể đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Hiện nay, người đứng đầu đoàn, liên đoàn luật sư phải là đảng viên nên có cảm giác Đoàn và Liên đoàn luật sư hiện nay chỉ là cơ quan hành chính nhà nước nối dài để quản lý luật sư mà thôi.”
Theo điều lệ, Liên đòan Luật sư Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư và các luật sư Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại đây là Liên đoàn luật sư duy nhất đại diện cho các luật sư ở Việt Nam, theo ước tính con số thống kê vào năm 2018 của Liên đoàn là khoảng 13.000 người.
Thật ra điều này giống như trong tôn giáo, về mặt tổ chức, những người đứng đầu tôn giáo đều có sự phê chuẩn của nhà nước. Do đó rất khó để có luật sư độc lập. Tuy nhiên, các luật sư nên có tư duy độc lập cho từng cá nhân, để đóng góp cho tiếng nói của liên đoàn có giá trị hơn. - LS Phùng Thanh Sơn
Luật sư Sơn thừa nhận rằng đề xuất có một Liên đoàn độc lập là “không khả thi".
“Thật ra điều này giống như trong tôn giáo, về mặt tổ chức, những người đứng đầu tôn giáo đều có sự phê chuẩn của nhà nước. Do đó rất khó để có luật sư độc lập. Tuy nhiên, các luật sư nên có tư duy độc lập cho từng cá nhân, để đóng góp cho tiếng nói của liên đoàn có giá trị hơn.”
“Ở Việt Nam hiện nay, nhiều luật sư không dám nói lên hết suy nghĩ của mình, có thể là do họ lệ thuộc tổ chức hoặc giữ mối quan hệ với cơ quan tố tụng để hành nghề. Rất ít người dám nói lên suy nghĩ thực, trong khi đa số ngại đụng chạm, ngại bàn đến vấn đề chính trị trong khi đó là điều bình thường trong xã hội. Các luật sư được cho là người am hiểu luật pháp, chính sách, có nhận thức rõ về quy định pháp luật cũng như chính sách đó có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân hay không. Chính luật sư phải nói tiếng nói đó đầu tiên, nhưng hiện nay số lượng này rất ít".
Ngày Luật sư Việt Nam 10/10 diễn ra trong bối cảnh Luật sư Trần Vũ Hải vừa bị Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị truy tố với cáo buộc “Trốn thuế”. Ông Hải là người được biết tiếng qua những ý kiến phản biện trên trang cá nhân và từng nhận đại diện pháp luật cho nhiều dân oan mất đất và gần đây nhất là nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất. Luật sư Trần Vũ Hải bị cáo buộc trốn thuế trong một giao dịch bất động sản, khiến ông không thể tiếp tục đại diện cho blogger Trương Duy Nhất.
Blogger Trương Duy Nhất là người từng có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền. Ông bị bắt ở Bangkok, Thái Lan hồi cuối tháng 1 khi đang xin quy chế tỵ nạn. Vụ việc blogger này biến mất ở Bangkok đột ngột đã đặt ra những nghi vấn về việc an ninh Việt Nam đã phối hợp với cảnh sát Thái bắc cóc ông. Tuy nhiên, công an Việt Nam cho đến lúc này vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin về hoản cảnh blogger bị bắt như thế nào.
Hôm 8/10, luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng Văn phòng luật cùng tên, người đang đại diện cho blogger Trương Duy Nhất, nói với RFA:
“Người tiền nhiệm là Luật sư Trần Vũ Hải đã gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Trương Duy Nhất trong giai đoạn điều tra vụ án. Tôi cũng gặp một phần khó khăn như vậy. Tôi đã đăng ký bào chữa tại Cơ quan Điều tra Bộ Công an, đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và khi hồ sơ chuyển qua đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì tôi mới được cấp thông báo người bào chữa. Cho nên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu lại tiếp tục bị gây khó khăn, trở ngại khi thực hiện việc chức nghiệp bào chữa của mình.”
Trong khi đó, Luật sư Lê Công Định viết trên trang cá nhân:
“Hôm nay là ngày được gọi là "truyền thống luật sư" [của Việt Cộng], nhiều bạn hữu không hiểu cội nguồn vấn đề, nên đã vô tình gửi lời chúc mừng tôi. Tuy cám ơn thịnh tình của quý bạn, nhưng xin phép không nhận lời chúc mừng, vì chẳng liên quan gì đến tôi, và bởi luật sư thời đại Việt Cộng có danh giá gì để tự hào (?).
“Tôi chỉ mong được tiếp nối truyền thống và danh giá hàng trăm năm nay của nghề luật sư trên thế giới, nhất là tại Hong Kong ngày nay, và trên mảnh đất Nam phần thời Việt Nam Cộng Hòa mà thôi. Bởi chỉ ở những nơi ấy và thời ấy, các luật sư mới thực sự ngẩng cao đầu tranh đấu vì công lý, chứ không vục mặt vào nồi cơm.”
Luật sư Lê Công Định là một luật sư nổi tiếng ở Việt Nam, người thường có các bài viết và phát biểu ủng hộ dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Ông đã từng bị chính quyền tuyên án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế vào năm 2010 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Vào tháng 6 năm 2009, ông bị Liên đoàn Luật sư Việt Nam xóa tên khỏi đoàn sau khi bị bắt với lý do vi phạm các điều trong quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư. Việc kết án luật sư Lê Công Định đã bị quốc tế lên án sau đó.
Việt Nam các năm qua cũng đã bỏ tù nhiều luật sư khác vì những tiếng nói đối lập.
Bên cạnh đó, một số luật sư nổi tiếng thường đại diện cho dân oan và các vụ án liên quan đến nhân quyền như các ông Phạm Công Út, Võ An Đôn mới đây đã bị rút thẻ hành nghề, xóa tên khỏi Đoàn Luật sư địa phương. Trong các trường hợp này, họ được báo nhà nước ghi nhận là “bị kỷ luật", nhưng công luận lại cho rằng lý do thật sự là vì những người này tham gia bào chữa cho người nghèo hoặc giới hoạt động dân chủ.