Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào cuối tháng 7 năm 2020 thông tin Mỹ và Việt Nam đang có những cuộc đàm phán về những điều kiện để chuyển từ chương trình Con nuôi Đặc biệt sang một Chương trình Con nuôi mở rộng hơn.
Thông báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết:
" Văn phòng về Vấn đề Trẻ em, là Cơ quan Trung ương của Hoa Kỳ dưới Công ước Hague, đang tiếp tục tham gia những cuộc đàm với Bộ Tư Pháp Việt Nam, Cơ quan Trung ương Việt Nam dưới Công ước Hague về các điều kiện chuyển từ Chương trình Con nuôi Đặc biệt qua Chương trình Con Nuôi mở rộng.
Chúng tôi dự đoán việc xử lý hồ sơ xin nhận con nuôi về Hoa Kỳ trong tương lai, theo Nghị Định 24/2019/NĐ-CP, sau một thời điểm hiện chưa được định rõ, sẽ không còn bị giới hạn trong những đối tượng trước đây của Chường trình Con Nuôi Đặc biệt, và như thế nhiều trẻ em hơn sẽ đạt điều kiện được nhận làm con nuôi liên quốc gia”.
Việt Nam gia nhập Công ước Hague về Con nuôi từ năm 2014 sau một quá trình dài cải thiện hệ thống phúc lợi trẻ em và pháp luật nhằm đáp ứng quy trình thực thi Công ước Hague. Công ước này nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em. Với những thay đổi đó, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thỏa thuận nối lại chương trình con nuôi từ ngày 19/9 cùng năm.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu, chỉ những trẻ em thuộc ba đối tượng mới được công nhận làm con nuôi ở nước ngoài: 1) trẻ em từ 5 tuổi trở lên, 2) trẻ em có nhu cầu đặc biệt, hoặc 3) nhóm anh chị em ruột.

Ông bà Alison và Albert Lihalakha, một cặp vợ chồng công dân Hoa Kỳ, là một trong những gia đình đã thành công trong việc nhận con nuôi sau khi chương trình tái tục. Ông bà đã có một đứa con trai ruột, và năm ngoái (2019) đã đón một đứa bé trai từ Nha Trang về với gia đình mới.
“Chồng và Alison muốn trong gia đình có 3 người con, nhưng mà sau khi Alison có một đứa con trai, thì thấy là không còn thụ thai được nữa, Biết là có thể mình bị sao mà không còn có thai được. Thì Alison mới nói với chồng, thôi trên đời này có bao nhiêu trẻ con không có gia đình, thì mình xin nuôi. Thì Alison và chồng, Albert, tìm hiểu thì thấy là ở Việt Nam có nhiều trẻ con cần gia đình, thì Alison mới gọi những cơ quan ở Hoa Kỳ để kiếm một nơi để làm giấy tờ”.
Ông bà đã thông qua cơ quan Alliance for Children, một trong 3 cơ quan cung cấp dịch vụ con nuôi ở Hoa Kỳ được Bộ Tư pháp Việt Nam chấp thuận cho hoạt động trong nước. Ngoài ra còn 2 cơ quan là Dillon International và Holt International.
Bà Alison chia sẻ, chỉ một mình cơ quan Alliance for Children mới chịu nhận làm hồ sơ cho gia đình bà, vì lúc đó gia đình đang sống và làm việc ở một nước thứ ba.
Vợ chồng bà thấy hình của một bé trai, 5 tuổi, trên trang của cơ quan này và xúc tiến thủ tục.
"Tên em là Vinh. Alison làm giấy tờ, từ lúc ký giấy tờ để nhận Vinh đến khi mà gia đình về Việt Nam để đón con về mất cũng tất cả là một năm rưỡi, thì Alison thấy cũng lâu, vì lúc mà mình ký giấy tờ đầu tiên, thì Vinh mới có 5 tuổi. Mà làm xong giấy tờ, đón nó về thì nó đã 7 tuổi rồi".
Mặc dù đã mất 2 năm trong việc làm hồ sơ bảo lãnh, bà đã vui sướng được làm mẹ lần thứ nhì.
"Lúc đầu nó không muốn học, vì mọi việc lạ đối với nó. Mình làm những gì cho đúng, hay là hễ mà làm cái gì sai thì việc gì sẽ xảy ra? Alison thấy là mình dạy cho nó để mà nó biết, bây giờ mình đi học thì mình sẽ làm như thế này, mình có bài thì mình phải làm như vậy. Rồi mỗi ngày học chữ đọc sách để cho mình hiểu tiếng Anh. Alison thấy là nó, sau 2, 3 tháng, nó rất là nhanh, nó đi học nó thấy vui, rồi nó nói rằng, 'Ồ, con ở VN thì đi học không có vui bằng ở đây, học vui lắm. Con thương cô giáo, cô giáo rất là thương con, với lại, vui mừng để mà con muốn đi học luôn'. Thì Alison, thấy như vậy, rất là xúc động... It touched my heart. Thấy như vậy rất là vui trong lòng của Alison. Alison thấy trong năm rưỡi này, nó lớn lên, nó cao lên. Những món ăn mà Alison nấu cho nó, thì nó thấy lạ mà nó cũng thích và nó cũng thử".
Tại Cơ sở Bảo trợ Xã hội ngoài công lập Phước Phúc ở Nha Trang, ông Tống Phước Phúc, giám đốc cơ sở, cùng gia đình ông chăm nuôi vài chục trẻ em, như một gia đình lớn. Các cháu gọi ông bằng “ba”. Từ khi Việt Nam-Hoa Kỳ kết nối lại chương trình con nuôi, 10 đứa cháu đã hoàn thành thủ tục hồ sơ và định cư ở Hoa Kỳ với gia đình mới, trong đó có bé Vinh.
"Mình rất ủng hộ trong công việc để cho các cháu tìm một gia đình nuôi thay thế , để cho các cháu có một mái ấm riêng, với tất cả con mình đều là con nuôi. Những đứa trẻ của mình đặc biệt hơn bao nhiêu đứa trẻ khác, là những đứa trẻ này là chính ba mẹ nó đã khước từ quyền được sống của các con. Thì mình cưu mang cho các con có quyền được sống".
Nghị định mới, sửa đổi Nghị định 19/2011 hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi của Bộ Tư pháp Việt Nam, đưa ra ngày 5/3/2019, và có hiệu lực từ tháng 4 cùng năm. Ông Phúc hoan nghênh sự mở rộng của chương trình.
"Cục Con nuôi đã cho chỉ thị rồi, đang đúng là mùa dịch, cho nên mình cũng có biết là sau này Cục Con nuôi sẽ có mở rộng hơn và thông thoáng hơn, để các cháu tìm gia đình nuôi thay thế tại Hoa Kỳ. Điều đó mình rất là ủng hộ. Không phải là mình trốn lánh trách nhiệm, mà để có một cái điều kiện ăn học cho các cháu thành đạt hơn" .
Theo ông, còn nhiều đứa bé cần có một mái ấm gia đình mà không tìm được một gia đình nuôi tại Việt N am.
“Cái thủ tục, ngày trước hạn chế cái tuổi, bây giờ không còn hạn chế. Rồi trước kia là hạn chế về sức khỏe, ví dụ các bé khỏe mạnh, thì khỏi lưu lại trên cấp 2, cấp 3, nhưng mà bây giờ tất cả đều là ưu tiên.
Nếu mà một gia đình ở VN, thì trước đó mình đã thông báo rồi. Vì con mình, nếu mà ưu tiên, nếu mà con mình không bệnh, các cháu ở cơ sở mình mà không bệnh thì ưu tiên cho người Việt Nam họ nhận. Nhưng mà sau này mình không thấy ai nhận thì mình làm tất cả những hồ sơ pháp lý để mình gửi về cho Cục Con nuôi".
<i>"Mình rất ủng hộ trong công việc để cho các cháu tìm một gia đình nuôi thay thế</i> <i>, </i> <i>để cho các cháu có một mái ấm riêng, với tất cả con mình đều là con nuôi. Những đứa trẻ của mình đặc biệt hơn bao nhiêu đứa trẻ khác, là những đứa trẻ này là chính ba mẹ nó đã khước từ quyền được sống của các con. Thì mình cưu mang cho các con có quyền được sống". - Ông Tống Phước Phúc</i>
Năm 2008 chương trình con nuôi giữa Việt Nam và Mỹ bị đình chỉ trong 6 năm, sau khi Hoa Kỳ điều tra phát hiện nhiều trường hợp gian lận và tham nhũng, kể cả những cáo buộc về buôn người.
Theo ông Phúc thì vấn nạn này đã được giải quyết kỹ càng và theo Công ước Hague, các quyền lợi của trẻ em được đảm bảo:
"Họ không phải là đến họ chọn, đứa này ngon, đứa này giỏi , đứa này đẹp. Với lãnh sự Mỹ điều đó nghiêm cấm vấn đề đó. Mình nói theo từ Việt Nam, là cái đó là tùy duyên, mà các cháu đến với gia đình", ông cho biết.
Theo thống kê Bộ Tư pháp Việt Nam, từ năm 2011, hơn 3.200 trẻ em đã được làm con nuôi ở nước ngoài.
Riêng Hoa Kỳ, ở thời cao điểm, năm 2007, đã nhận hơn 700 con nuôi từ Việt Nam. Con số đã xuống số không từ năm 2008, rồi từ năm 2016 tái tục lại. Tuy nhiên, trong 4 năm qua chỉ có 90 gia đình Mỹ hoàn thành hồ sơ xin con nuôi về nước với gia đình mình.
Bà Alison cho rằng quá trình điều tra kéo dài quá lâu, khiến vợ chồng bà không còn muốn xin thêm một đứa nữa.
"Tại vì cáo quá trình rất lâu, Alison và chồng lớn tuổi rồi, thì thấy là hể mà mình xin nuôi một đứa nữa thì mình sẽ rất là già lúc mà mình nhận được thêm một đứa nữa. Thì bây giờ Alison và chồng thấy hai đứa con là đủ rồi."
Thêm vào đó, còn vấn đề tổn phí. Các cơ quan làm việc tại Việt Nam ước lượng số tiền một gia đình hải ngoại chi ra để làm thủ tục hồ sơ có thể lên đến 20.000-30.000 Mỹ kim. Nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, những diễn tiến gần đây là dấu hiệu tích cực cho thấy quy trình và hệ thống xin con nuôi ở Việt Nam có bước tiến triển nhất định.