Quanh việc ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác

Diễm Thi, RFA
2020.08.11
2013-05-20T120000Z_1632189400_GM1E95K161P01_RTRMADP_3_VIETNAM.JPG Ông Nguyễn Đức Chung chụp ngày 20 tháng 5 năm 2013.
Reuters

Ngày 11 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác. Cùng ngày, Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành Ủy và đình chỉ chức vụ Phó bí thư đối với ông Nguyễn Đức Chung, ủy viên trung ương đảng, Phó bí thư thành ủy Hà Nội.

Lý do được nêu rõ trong quyết định là để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an trả lời với báo chí trong nước rằng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên quan đến ba vụ án. Thứ nhất là vụ "buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại công ty trách nhiệm hữu hạn và thương mại Nhật Cường. Vụ án thứ hai là "vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan. Vụ án thứ ba là "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại Hà Nội.

Nhà quan sát chính trị, Nhà báo Quang Hữu Minh nhận định, vấn đề ở chỗ ông Nguyễn Đức Chung không đủ chiều sâu chính trị cần thiết để ngồi cái ghế Chủ tịch Hà Nội. Ông Minh giải thích thêm:

“Thật ra thì anh Chung là một người lính chiến. Thành ra ở những vị trí mà cần tính chiến đấu xông xáo thì anh Chung là hợp lý, và ảnh cũng chỉ nên làm ở vị trí đó thôi. Còn khi ảnh về làm công tác quản lý một cái thủ đô như Hà Nội thì ảnh không làm đảng yên tâm. Cán bộ cấp dưới thì nhiều người họ phản ứng.

Cái cách anh Chung để cho vợ làm siêu thị Minh Hoa, để cho con trai làm trực tiếp vụ mua hóa chất xử lý nước Hồ Tây… Đó là những cái mà ở tầm chủ tịch thủ đô thì không nên. Điều đó làm mất lòng cấp dưới. Còn cấp trên thì từ lâu đã có tin đồn ảnh để cho Nhật Cường quản lý dữ liệu dân cư Hà Nội. Nhiều người cho rằng Nhật Cường lại có vốn Trung Quốc. Nếu dữ liệu dân cư Hà Nội là một bí mật quốc gia mà có vốn Trung Quốc thì không ổn.”

Hôm 22 tháng 7 năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ba người về tội ‘Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước’ theo Điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015, liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.

Trong đó có ông Nguyễn Anh Ngọc - Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Tổ giúp việc UBND thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Hoàng Trung - Chuyên viên Phòng Thư ký - Biên tập đồng thời cũng là lái xe của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Người còn lại là ông Phạm Quang Dũng, nguyên cán bộ Công an thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Bộ Công an (C03).

Với quyết định mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ông Nguyễn Đức Chung hôm 11 tháng 8, Trung tá quân đội Đinh Đức Long cho rằng, phía Cơ quan điều tra chắc chắn phải có bằng chứng đủ mạnh về những sai phạm của ông Chung. Theo quy trình thì sẽ đình chỉ công tác để xác minh trong vòng ba tháng. Dù muốn dù không thì theo thông lệ Việt Nam, nhiều khả năng là ông Chung ‘có chuyện’ rồi. Ông nói tiếp:

“Ngày xưa, trước khi bắt Đinh La Thăng thì cũng bắt thư ký và chánh văn phòng của ổng. Họ đều là đệ tử ruột của Đinh La thăng, biết rất nhiều chuyện. Người như ông Chung thừa hiểu rằng khi đã bắt thư ký và lái xe của mình thì việc đến mình chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Ông Chung có bằng đại học cảnh sát, tiến sĩ luật, đứng đầu cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội, từng là một viên tướng công an, giám đốc công an Hà Nội. Chính ông chắc đã ký lệnh bắt không ít người. Hơn ai hết ông Chung phải biết rằng mình làm đúng hay sai, có phạm pháp hay không. Nếu có thì ổng thừa biết mình phải xóa dấu vết như thế nào...

Tôi nghĩ họ làm như vậy với một viên tướng công an thì chắc chắn họ những chứng cứ rất thuyết phục rồi. Ông Chung cũng mạnh lắm chứ đâu có vừa!”

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm hôm 22 tháng 4 năm 2017.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm hôm 22 tháng 4 năm 2017.
AFP

Vụ án Nhật Cường được khởi tố từ giữa năm 2019. Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc công ty TNHH Nhật Cường, bị cáo buộc cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Ông Huy bị khởi tố về các tội: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 31 tháng 5 năm 2019, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, sau khi xác định công ty Nhật Cường có dấu hiệu hoạt động buôn lậu, ngày 9 tháng 5 năm 2019 cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khám xét khẩn cấp đồng loạt 9 địa điểm có liên quan hoạt động của công ty. Trong quá trình khám xét, Tổng giám đốc Bùi Quang Huy không có mặt tại nơi cư trú.

Ngày 14 tháng 5 năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến ngày 18 tháng 5 năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông Bùi Quang Huy. Hơn một năm đã trôi qua nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa bắt được Bùi Quang Huy.

Khi nào sẽ bắt ông Chung?

Ngay sau khi thư ký và lái xe của ông Nguyễn Đức Chung bị bắt, dư luận cho rằng trước sau gì cũng đến ông Chung. Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, hai người có liên quan đến Chủ tịch Hà Nội bị bắt với cáo buộc ‘Làm lộ bí mật nhà nước’ thì ông Chung cũng không thể thoát. Ông nhận định:

“Chúng ta đều thấy chắc sắp tới kịch bản sẽ không mấy gì tốt đẹp cho ông Nguyễn Đức Chung. Ta thấy họ chỉ xử lý trong nội bộ tất cả những chuyện khi động chạm đến sự đoàn kết của đảng. Một khi được công bố ra công luận như báo chí đã đăng coi như số phận, sinh mạng chính trị của người ấy coi như chấm dứt.”

Ông Nguyễn Đức Chung được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2011-2016) vào cuối năm 2015. Tại kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2016, ông Nguyễn Đức Chung tái đắc cử Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 với số phiếu cao.

Quá trình công tác của ông Chung gắn liền với ngành công an. Ông từng là trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội, phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội kiêm trưởng Phòng cảnh sát hình sự, bí thư Đảng ủy, giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Ông Chung được Thủ tướng Chính phủ thăng cấp hàm thiếu tướng vào tháng 7 năm 2013.

Trung tá Quân Đội Đinh Đức Long nhận định khả năng ông Chung sẽ bị bắt trước đại hội 13. Ông phân tích:

“Tại sao họ bắt lúc này? Lúc này đại hội đảng đến cấp thành phố rồi và ông Chung là ủy viên trung ương đảng, chủ tịch Hà Nội và phó bí thư thành ủy Hà Nội, nghĩa là trong ban thường vụ. Đình chỉ sinh hoạt đảng nghĩa là gần như chắc chắn ổng bị loại khỏi thành ủy Hà Nội. Quy trình của họ là phải làm như thế. Nhiều khả năng là ông Chung sẽ bị bắt. Trời cao thì có trời cao hơn. Họ làm thế thì tôi nghĩ họ đã có bằng chứng rồi chứ không đơn giản đâu.”

Nhà báo Minh Hữu Quang cho rằng chuyện ông Chung ‘chết’ chỉ là vấn đề thời gian. Đa số các quan chức đều có sân sau là doanh nghiệp nhưng họ không làm trực tiếp, như ông Chung và ‘khi ăn thì cũng chừa phần cho người khác’:

“Nhiều người nói anh Chung sẽ về Ban nội chính, nhưng theo tui thì có khả năng anh Chung sẽ bị xử lý hình sự. Sẽ trải qua các bước tố tụng như khởi tố bị can và bắt tạm giam.”

Việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy  Hà nội  sẽ chịu hình thức kỷ luật như thế nào là một nghi vấn đối với nhiều người quan tâm hiện nay. Mới đây, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 12, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bị khiển trách với lý do đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng, mặc dù những sai phạm của ông Cang tại Dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm quá rõ ràng!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.