Thừa nhận 'Không ai qua mắt được dân'... sao không trao quyền cho dân?

RFA
2021.01.22
Thừa nhận 'Không ai qua mắt được dân'... sao không trao quyền cho dân? Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Courtesy quochoi.vn

“Dân là người giám sát, không ai qua mắt được dân. Phải lấy ý kiến của dân thực chất chứ không nên tổ chức hình thức, như vậy mới chọn được người đúng tiêu chuẩn...”

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hôm 21/1.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/1, nói:

“Họ nói theo sách vở thôi, chứ còn thực tế thì họ không dám để cho dân giám sát. Nếu ai mà có giám sát sắc sảo thì họ bắt bỏ tù, chính sách của họ một đằng, họ nói một nẻo. Thể chế chủ nghĩa xã hội không bảo đảm cho quyền giám sát của dân, bởi vì ngay cả quốc hội là cơ quan giám sát quan trọng nhất của quốc gia, thì chín mươi mấy phần trăm là đảng viên của Đảng rồi, nó có để cho ai vào đấy đâu mà giám sát. Còn bầu cử thì chỉ là hình thức, bất chấp luật pháp, ví dụ như ‘đảng cử dân bầu’ thì đảng phải cử, còn dân thì phải nhắm mắt bỏ theo.”

Họ nói theo sách vở thôi, chứ còn thực tế thì họ không dám để cho dân giám sát. Nếu ai mà có giám sát sắc sảo thì họ bắt bỏ tù, chính sách của họ một đằng, họ nói một nẻo.
-Ông Nguyễn Khắc Mai

Vấn đề thứ hai theo ông Nguyễn Khắc Mai là nhân cách con người, Việt Nam không có nhân cách mà các nước gọi là nhân cách dân chủ trong xã hội và các chính sách. Theo ông, dân chủ ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh cần phải tiếp tục chứ không phải là một bài nói:

“Anh cứ nói đi nhưng dân người ta sẽ xem anh làm như thế nào? Nói dân giám sát nhưng có dám tạo ra một thiết chế đàng hoàng để dân giám sát không? Dân người ta không tin, thế thì bây giờ phải đấu tranh để làm sao anh đã nói thì phải làm. Đặc biệt là cuộc bầu cử quốc hội tới, có tạo ra một quốc hội mạnh mẽ, trung thành với dân, và thực hiện quyền giám sát của dân một cách đến nơi đến chốn không? Đấy là vấn đề.”

Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp người dân tố cáo tiêu cực thì bị trù dập, ép nghỉ việc... Như trường hợp Cô P. N. T., giáo viên trường Trung học Cơ sở Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, phải gởi thư kêu cứu khắp nơi về việc cô bị trù dập, kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc. Nguyên nhân vì cô đã công khai tố cáo Ban Giám hiệu ra lệnh nâng điểm thi học kỳ môn Địa lý Khối 7 để chạy đua thành tích và trục lợi. Trả lời RFA vào tháng 4 năm 2020, Cô P. N. T. nói:

“Tự nhiên đến giờ trù dập tôi, ví dụ tôi nói phải thì nghe, không phải thì thôi, hoặc là sửa tôi thì tôi cám ơn. Nhưng tại sao lại đưa tôi đi, tôi đâu có chia sẻ hay phát tán gì đâu mà đổ thừa tôi. Cuối cùng đưa tới hình kỷ luật thôi việc tôi là quá nặng. Sợ tôi phanh phui việc này nên xử tôi luôn hay gì đó.”

anh-vvp.jpg
Anh V.V.P., một cán bộ tư pháp ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã bị côn đồ hành hung đến bất tỉnh sau khi anh nộp đơn tố cáo lãnh đạo. File photo.

Hay trước đó, từng xảy ra vụ việc tương tự kéo dài nhiều năm ở tỉnh Phú Yên. Đó là trường hợp Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ, giảng dạy môn hóa học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tố cáo chống tiêu cực gửi đến ông Nguyễn Văn Tá - Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Phú Yên. Không giải quyết cho Cô, mà ngược lại ông Tá còn chỉ đạo xử lý kỷ luật cô Đệ với nhiều hình thức khác nhau và cuối cùng là đuổi cô Đệ ra khỏi trường không cho dạy học.

Một người dân ở Bình Định nhận xét:

"Với trình độ dân trí bây giờ đã khác xưa, hơn xưa, nếu dân biết nhiều thì sẽ phản biện, mà trong nhiều ý kiến phản biện thì có những ý kiến trái ngược với quan điểm, đường lối của Đảng và không phải tất cả các ý kiến đều được Đảng tiếp thu, thậm chí có ý kiến Đảng cho là "phản động, tự chuyển biến, tự chuyển hóa" nữa! Vì vậy, về mặt này thì Đảng rất hạn chế thông tin công khai, minh bạch. Chẳng hạn, 27 văn kiện "hợp tác" với TQ mà ông TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng ký trong thời gian qua thì người dân đâu có biết nội dung 27 văn kiện đó nói gì, lợi hại ra sao mà góp ý? Hoặc như gần đây nhất, danh sách dự kiến sẽ bầu vào Ban chấp hành trung ương ĐCSVN trong ĐH XIII được đưa vào "bí mật" thì người dân có biết đâu mà góp ý người này xứng đáng, người kia không xứng đáng về tài lẫn đức, trong khi đó nhân sự cấp cao là những người quyết định sự thành bại trong công việc! Mà thứ gì đã không biết thì căn cứ vào đâu để giám sát?

Chỉ nêu vài ví dụ điển hình, mang tầm quốc gia vậy thôi cũng cho thấy điều ông Trần Quốc Vượng chỉ là mị dân, nói cho có nói mà thôi chứ trong thực tế không phải như vậy! Cũng có lập luận nói rằng, Quốc hội "do dân bầu" thì đã thay mặt người dân giám sát theo chức năng của QH, nhưng nên nhớ là trong QH có đến 90% đại biểu QH là đảng viên ĐCSVN. Vậy, đó chỉ là hình thức vì chẳng bao giờ có chuyện "lấy đá tự đè vào chân mình"!"

Trở lại với tuyên bố của Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng về vai trò giám sát của người dân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 22/1, nhận định:

“Đấy là cách nói của họ thôi, nếu mà để người dân thật sự có quyền giám sát, thì cách tốt nhất là phải để cho người dân có quyền lập hội, có quyền tập hợp lại. Bởi vì hàng triệu người giám sát cần phải có kỹ thuật của nó, kỹ năng của nó, chứ không phải tất cả mọi người dân là có thể giám sát được tất cả mọi thứ... Vấn đề ở đây giống như là vấn đề chiếc đũa và bó đũa, khi người dân tập hợp thành tổ chức xã hội dân sự hay một cái hội gì đó, thì người ta có nguồn lực để người ta giám sát một cách hiệu quả. Còn từng người dân một như những hạt cát trong sa mạc, thì nói dân giám sát chỉ là nói chơi vậy thôi.”

Đấy là cách nói của họ thôi, nếu mà để người dân thật sự có quyền giám sát, thì cách tốt nhất là phải để cho người dân có quyền lập hội, có quyền tập hợp lại.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Chính sách nhất quán của Đảng CSVN, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, là muốn nhân dân như những hạt cát, như những củ khoai, như những hòn sỏi, không được kết nối với nhau thì làm sao mà tập hợp được 10 ngàn tiếng nói nếu không có những tổ chức XHDS như vậy. Ông nói tiếp:

“Họ tự tổ chức ra đoàn thanh niên của họ, phụ nữ của họ, tất cả mọi thứ đều dưới một cái ô chung là MTTQVN. Họ nói đó là một cơ chế để thông qua các tổ chức xã hội... nhưng thực sự đấy chính là cánh tay nối dài của ĐCS để góp ý, giám sát... Thật sự là không hiệu quả, nhưng họ vẫn phải nói như vậy. Những tiếng nói dư luận của người dân không phải là không có ý nghĩa, nhưng muốn hiệu quả thì người dân phải được tự nguyện tổ chức lại, hợp sức lại để giám sát. Hay nói cách khác là phải phát triển XHDS xây dựng, sôi động. Nhưng đáng tiếc cái đấy thì Đảng CSVN luôn luôn không muốn, nhưng họ cứ phải nói là dân thế này, dân thế kia...”

Không chỉ bị buộc thôi việc, nhiều người tố cáo tiêu cực còn bị trả thù bằng bằng cách này hoặc cách khác. Biện pháp trả thù thường mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe hoặc nhiều trường hợp cướp đi tính mạng nạn nhân.

Đơn cử như trường hợp anh Dương Tùng Nam, một người dân ở Hải Phòng. Anh cũng là nạn nhân bị trả thù sau khi lên tiếng tố cáo những tiêu cực, bất minh bạch trong hệ thống Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Sau khi tố cáo, anh bị công an chặn đường đánh với lý do gây rối...

Vào tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký ban hành Thông thư 03, quy định chi tiết một số điều của biện pháp thi hành Luật tố cáo năm 2018, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên ngay thời điểm đó, anh V.V.P., một cán bộ tư pháp ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã bị côn đồ hành hung đến bất tỉnh sau khi anh nộp đơn tố cáo lãnh đạo.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, người dân hiện đã mất lòng tin vào chính quyền. Nhiều nhà quan sát còn cho rằng, Luật Tố cáo hay các Nghị định thông tư liên quan của Việt Nam chỉ mang tính mị dân, chỉ phục vụ cho các phe nhóm cai trị dân và không có triết lý.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Dân miền Nam
22/01/2021 14:17

Đảng đã làm điều gì thất đức mà phải sợ có nhiều thế lực thù địch? Làm gì mà càng ngày càng bị dân lật đổ?

Dân SG
22/01/2021 14:18

Bản chất của đảng CSVN là một đảng cướp chính quyền chứ không do dân bầu lên. Nó rất sợ dân và tiếng nói đối lập. Nó coi tất cả mọi người dân, đảng phái, tổ chức đối lập là kẻ thù. Do đó đảng luôn sống trong lo sợ bị kẻ thù lật đổ. Để tránh hiểm họa đó đảng phải cấm đoán hết. Thật thảm hại, một cái đảng ăn ở không được lòng dân, bao giờ cũng sống trong sợ hãi bị dân cướp lại chính quyền và mình sẽ chết với dân.

Anonymous
23/01/2021 02:49

Chính sách cai trị của Đảng cướp CSVN tuy độc ác nhưng dù sao cũng thẳng thắn, minh bạch.
Còn Trung Cộng, chúng lừa bịp nhân dân có lẽ tinh vi hơn.
Vì trong khi ĐCSVN không cho phép một đảng phái, hội đoàn xã hội dân sự nào được thành lập, thì Trung Cộng lại công nhận những 8 chính đảng (dù là bù nhìn) được tham chính,
( theo Wikipedia, đó là Ủy ban cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc (gọi tắt là Dân Cách),
Đồng minh dân chủ Trung Quốc (gọi tắt là Dân Minh),
Hội kiến quốc dân chủ Trung Quốc (gọi tắt là Dân Kiến)
Hội xúc tiến dân chủ Trung Quốc (gọi tắt là Dân Tiến)
Đảng dân chủ nông công Trung Quốc (gọi tắt là Nông Công Đảng)
Đảng trí công Trung Quốc (gọi tắt là Trí Công Đảng)
Học xã Cửu Tam
Đồng minh tự trị dân chủ Đài Loan).

ViNAZI hay ChiNAZI... Sự BỊP BỢM của chế độ nào "ưu việt" hơn?

vietcong Hanoi Vietnam
23/01/2021 09:52

(Theo ông Nguyễn Khắc Mai, người dân hiện đã mất lòng tin vào chính quyền. Nhiều nhà quan sát còn cho rằng, Luật Tố cáo hay các Nghị định thông tư liên quan của Việt Nam chỉ mang tính mị dân, chỉ phục vụ cho các phe nhóm cai trị dân và không có triết lý. ===> Chắc vị này đang nằm mơ ! Sự thật từ khi (đcsVN) đảng cướp ra đời chưa bao giờ NGƯỜI DÂN CÓ LÒNG TIN với đảng cướp ! Như vậy CÓ ĐÂU MÀ ! MẤT!!!

Duy Hữu, USA
23/01/2021 10:16

Không ai chơi trò qua mặt Dân ta bằng Đảng ta...
Không ai mất mặt với Dân ta bằng Đảng ta...
Không ai phải cúi mặt trước Dân ta bằng Đảng ta...
Không ai trơ trơ cái mặt đạo tặc, cái mặt dao búa, cái mặt " Búa Liềm " trước Dân ta bằng Đảng ta.

Đảng tài phiệt Búa Liềm, đảng độc, độc đảng, độc tài... độc đoán, độc tôn, độc diễn...
độc quyền... " lý luận ", ngụy luận, ngụy thuyết " xã hội chủ nghĩa Búa Liềm ",
độc quyền... ngụy ngôn, ngụy biện,
độc quyền... ngụy danh, ngụy quyền,
độc quyền làm vua... độc quyền làm vua bất chính...
độc quyền làm vua bất công... độc quyền làm vua bất nhân.... độc quyền làm vua độc tài, bất tài, bất lực, bất lương.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn.
Vua bất chính, quan bất lương, tướng bất hảo, quân bất nhân, dân bất phục, nước tắc loạn.
Đảng Búa Lìêm bất chính, quan Búa Liềm bất lương, tướng Búa Liềm bất hảo, quân Búa Liềm bất nhân, Dân Việt bất phục, Nước Việt tắc loạn.

Ý dân là ý trời... Ý Dân Việt là ý Trời... Ý Trời là ý Dân Việt... Tự do, Dân chủ... Dân quyền, Nhân quyền... cho toàn Dân Việt.

Dân chủ > Dân Việt làm chủ Nước nhà Việt Nam, làm chủ Nhà nước Việt Nam > Dân Việt tự do cử, bầu, chọn... Tứ Trụ Nhà nước Việt Nam,
trong ngàn ngàn anh tài, hào kiệt Việt Nam, có Tài, có Đức, có Tâm, có Tầm,
trong Dân Việt, của Dân Việt, do Dân Việt, vì Dân Việt,
phục vụ quyền lợi chính đáng, chính danh của Dân Việt, theo ý muốn, theo ý thích của toàn Dân Việt.

Đảng Búa Liềm tất liệt, Dân Việt bất diệt.

An Tran
23/01/2021 15:27

Đảng CSVN đã lừa dối công dân từ ngày thành lập đến nay. Vẫn nói trước cái loa một đàng, còn khi thực hành một nẻo. Người dân chả có cái quyền gì, tất cả do đảng chỉ đạo. Ai cũng biết vậy, chịu vậy. Bởi sự gian manh, ác độc của đảng cũng là nhà cầm quyền. Việt Nam chưa vươn lên được để so sánh với thế giới bên ngoài, với năm châu bốn biển được là bởi sự bất tài của dàn lãnh đạo, là cơ chế độc tài, độc đảng. Bao lâu không có ứng cử, bầu cử tự do, để tìm được đúng người tài đức ra phục vụ đất nước, thì bấy lâu nước Việt vẫn không phát triển được tối đa các tiềm năng.

1 người dân Việt
24/01/2021 05:03

Câu "Không có gì qua được mắt dân" chỉ là 1 câu thành ngữ có ý nghĩa đúng tương đối. Đơn giản dân "người trần mắt thịt" nhiều khi không thể biết ma ăn cỗ thế nào. Ví dụ lĩnh vực tham nhũng thì dân chỉ biết nghe nói thằng này trưởng phòng tổ chức 1 quận mà nhiều nhà cửa, đất đai, giàu có, chứ còn thực sự bao nhiêu thì dân nào biết! Tóm lại dân biết qua những gì thể hiện rõ ra đấy, qua nghe chuyện từ người này, người nọ nói lọt vào tai ...Còn nói trao quyền cho dân, thì thực ra ở chế độ dân chủ thì dân cũng chỉ có quyền bầu, quyền khiếu nại chứ không thể mỗi người dần là 1 lãnh đạo, quản trị đất nước. Chỉ có điều quyền bầu, quyền khiến nại, bãi miễn ... phải là quyền thực sự, chứ hiện nay ở Việt Nam người thực sự tài còn nhiều, nhưng không hợp với lãnh đạo thì tất nhiên khó đòi Mặt trận tổ quốc đưa vào danh sách bầu cử - và phải học nhiều các chế độ có bầu cử thực sự dân chủ!