Vận động Chính phủ Hoa Kỳ nhận người Việt tị nạn ở Thái Lan

RFA
2021.08.30
Vận động Chính phủ Hoa Kỳ nhận người Việt tị nạn ở Thái Lan Nhóm 5 người Mỹ gốc Việt gặp chính giới Hoa Kỳ, từ ngày 23-27/8/2021, để vận động cho người tị nạn Việt Nam.
Courtesy: Nhạc sĩ Nam Lộc cung cấp.

Một tuần vận động cho người Việt tại Thái Lan được định cư ở Mỹ

“Mục đích của chuyến đi đến Hoa Thịnh Đốn lần này là đại diện cho từng lớp người Việt tị nạn vẫn còn đang bị kẹt ở Thái Lan. Cho nên, nhân cơ hội này, chúng tôi gõ cửa các vị dân cử Hoa Kỳ.”

Trên đây là chia sẻ của nhạc sĩ Nam Lộc, cựu Giám đốc di trú và tị nạn thuộc cơ quan USCC, Los Angeles, bang California về chuyến đi vận động chính giới Hoa Kỳ cho người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan được địch cư ở Mỹ.

Nhạc sĩ Nam Lộc cùng bốn người Mỹ gốc Việt khác đến Washing D.C vận động trong một tuần lễ, từ ngày 23-27/8/2021, qua các cuộc gặp gỡ với Thượng Nghị sĩ và Dân biểu Mỹ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số tổ chức phụ trách về vấn đề di dân.

“Chúng tôi may mắn được nói chuyện với ba vị thượng nghị sĩ và hai vị dân biểu. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là chúng tôi được nói chuyện với các vị phụ trách tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong cả hai Cục về Nhân quyền và Tự do Tôn giáo. Đặc biệt là Bộ phận Trách nhiệm về Người tị nạn-Bureau of Population, Refugees and Immigration (PRM).”

“Một trong những cuộc gặp gỡ mà chúng tôi cho là quan trọng nhất là gặp gỡ với các cơ quan định cư. Bởi vì, dù Chính phủ Hoa Kỳ có nhận người tị nạn chăng nữa thì các cơ quan định cư (Voluntary Agency, gọi tắt là ‘VOLAG’) đóng vai trò rất quan trọng. Tức là các cơ quan này chuẩn bị hồ sơ, giới thiệu đến Sở Di trú Hoa Kỳ để được phỏng vấn và cũng sẽ có trách nhiệm định cư cho người tị nạn.”

Nhạc sĩ Nam Lộc nhấn mạnh với RFA rằng chương trình cho người tị nạn ở các nước Đông Á định cư ở Mỹ vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên:

“Thực sự các nước Đông Á thì có bao gồm Việt Nam. Nhưng mà tôi là một người làm việc trong lĩnh vực tị nạn, tôi biết từ năm 2008 đến nay, qua những quyết định của các thời thời tổng thống khi nhận một người tị nạn được nhận vào thì họ xem Việt Nam là một trong những quốc gia không có (gọi là) đủ tiêu chuẩn để được nhận vào Hoa Kỳ. Tôi cho rằng đây là một sự nhận xét thiếu sâu sắc của một số vị (viên chức Hoa Kỳ).”

Nhạc sĩ Nam Lộc cho biết thêm, do đó nhóm năm người Mỹ gốc Việt trong lần vận động này cố gắng giải thích rõ với chính giới Hoa Kỳ về số phận của những người tị nạn Việt Nam đang ở Thái Lan.

“Chúng tôi cần giải thích với họ một cách rõ ràng hơn, bao gồm những người thuyền nhân cũ còn kẹt lại trên 30 năm ở Thái Lan, những tù nhân lương tâm là những người từng chịu án ở Việt Nam và chạy sang Thái Lan và những nhà hoạt động đang bị lùng bắt và cũng đang trốn sang Thái Lan. Đặc biệt là có rất đông những người thiểu số bị đàn áp vì lý do tôn giáo. Vì vậy, chúng tôi có cơ hội trực tiếp giải thích với hy vọng nhỏ bé là nói lên được tiếng nói của những người không có cơ hội.”

Mục đích của chuyến đi đến Hoa Thịnh Đốn lần này là đại diện cho từng lớp người Việt tị nạn vẫn còn đang bị kẹt ở Thái Lan. Cho nên, nhân cơ hội này, chúng tôi gõ cửa các vị dân cử Hoa Kỳ-Nhạc sĩ Nam Lộc

Tia sáng hy vọng

Bà Grace Bùi, một người đồng hành và hỗ trợ cho người Việt tị nạn tại Thái Lan, nói về cảm nhận của bà trong chuyến đi vận động đến Washington D.C lần này rằng bà có hy vọng rất nhiều.

“Bởi vì lần này, chúng tôi được gặp những người có thể quyết định hay là những người có sự liên hệ với những nhân vật có thể quyết định được trong vấn đề nhận định cư đối với người tị nạn Việt Nam hay không. Và tất cả những người chúng tôi được gặp gỡ đều đồng lòng muốn giúp người tị nạn Việt Nam.”

Bà Grace Bùi cho biết thêm, một văn phòng Dân biểu Mỹ hứa hẹn sẽ soạn một lá thư và kêu gọi các Dân biểu Mỹ khác đồng ký tên để trình lên Quốc hội Hoa Kỳ về vấn đề cho định cư đối với người Việt Nam tị nạn.

Nancy Nguyễn, một thành viên trẻ trong nhóm, tâm tình rằng hy vọng là có qua sự nhiệt tình của những người mà nhóm được gặp gỡ. Tuy nhiên, vấn đề người tị nạn Việt Nam được xem xét cho định cư ở Mỹ không thể đạt kết quả như mong muốn trong tương lai gần.

“Họ nói rằng ở Mỹ trong thời gian tới vào khi vấn đề người tị nạn từ Afghanistan bớt căng thẳng thì có thể Chính Phủ Mỹ sẽ mở trở lại chương trình thử nghiệm ‘Private Sponsorship’ cho công dân Mỹ. Và chương trình này được thực hiện thì chắc chắn những người Mỹ sẽ làm thôi. Tại vì, cộng đồng người Việt ở Canada đang bảo trợ cho người tị nạn Việt Nam từ Thái Lan rồi. Tuy nhiên, ở Mỹ khác một chỗ là Chính phủ Mỹ không đòi hỏi phải ký quỹ với số tiền từ 10.000-15.000 đô la/người, nhưng người được đưa đi phải do Liên Hiệp Quốc (LHQ) phái cử. Tức là phải nộp đơn với LHQ và LHQ cho quy chế tị nạn, rồi sau đó phái sử thì người bảo trợ ở Mỹ mới được nhận.”

Nhạc sĩ Nam Lộc kêu gọi cộng đồng người Mỹ gốc Việt tiếp tục năng nỗ trong việc tiếp xúc và vận động với Dân biểu Mỹ ở địa phương của mình, để họ mạnh mẽ lên tiếng và thúc giục cho vấn đề người Việt Nam tị nạn được định cư vào Hoa Kỳ.

“Ở Mỹ có một hệ thống là vận động qua lá phiếu. Nếu các vị dân cử áp lực với chính quyền, nói lên tiếng nói về những quan tâm của họ, thành ra những tiếng nói đó và cuộc đấu tranh này được sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt khắp nơi qua việc nói với các vị dân cử của họ thì các vị dân cử sẽ đưa vấn đề người tị nạn lên Quốc hội và có thể đồng ký tên trong lá thư kiến nghị. Được như thế thì hy vọng mới được thành công.”

3884420a-68ba-4239-9b7b-04c9ae99fc76.jpeg
Ảnh minh họa. Người Thượng ở Bang Yai ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng để trốn Cảnh sát Thái Lan trong đợt bố ráp năm 2018. RFA

Nhóm năm người Mỹ gốc Việt có thể sẽ đến Washington D.C vào cuối tháng 9/2021, để thu thập các chữ ký của những vị dân cử Mỹ và trình lên phiên họp của Quốc hội Mỹ diễn ra trong cùng thời điểm.

Những lời cuối trong cuộc trò chuyện với RFA vào hôm 28/8, nhạc sĩ Nam Lộc bộc bạch rằng cá nhân ông hy vọng tên của những người tị nạn Việt Nam sẽ có trong danh sách định cư một ngày không xa, qua chính sách mở rộng đón người tị nạn của Chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt đầu từ năm tài khóa 2022, với con số 125 ngàn người tị nạn được nhận vào Hoa Kỳ.

Theo số liệu ghi nhận không chính thức, hiện có khoảng 1.600 người Việt tị nạn tại Thái Lan. Chính phủ Canada, trong tháng 8/2021, vừa cho ông Nguyễn Văn Thuyết cùng gia đình định cư sau 32 năm trong thân phận của người Việt Nam vô tổ quốc.

Lần này, chúng tôi được gặp những người có thể quyết định hay là những người có sự liên hệ với những nhân vật có thể quyết định được trong vấn đề nhận định cư đối với người tị nạn Việt Nam hay không. Và tất cả những người chúng tôi được gặp gỡ đều đồng lòng muốn giúp người tị nạn Việt Nam-Bà Grace Bùi

Người Mỹ gốc Việt bảo trợ 150 gia đình người tị nạn Afghanistan

Nhóm năm người Mỹ gốc Việt đến thủ đô Washington D.C vận động cho người Việt tị nạn tại Thái Lan được định cư ở Mỹ, trong bối cảnh đất nước Afghanistan bị rơi vào hỗn loạn sau khi Mỹ quyết định rút quân trong những ngày cuối tháng 8/2021.

Nhạc sĩ Nam Lộc, hồi trung tuần tháng tám, đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng người Mỹ gốc Việt bảo trợ cho các gia đình người tị nạn đến từ Afghanistan, như là một sự đền ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã từng dang rộng cánh tay tiếp nhận hàng ngàn người Việt tị nạn, kể từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi cuối tháng 4/1975.

Trao đổi với RFA vào ngày 28/8, ông Nam Lộc cho biết đã có 150 gia đình Việt Nam ghi tên vào danh sách nhận bảo trợ cho người tị nạn Afghanistan. Và thông tin cũng được chia sẻ với các vị Thượng Nghị sĩ cùng Dân biểu Hoa Kỳ.

Ông Nam Lộc nói với RFA rằng các vị dân cử Mỹ tỏ ra rất xúc động trước tấm lòng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong việc bảo trợ vừa nêu.

Đính chính:

Thưa qúi vị do thông tin “Tuy nhiên, người tị nạn Việt Nam đã bị ngưng lại từ năm 2008 đến nay. Lý do được Chính phủ Mỹ giải thích là “người tị nạn Việt Nam không đủ tiêu chuẩn để được định cư ở Hoa Kỳ” chưa rõ ràng; chúng tôi trích nguyên văn lời của Nhạc sĩ Nam Lộc:

 “Thực sự các nước Đông Á thì có bao gồm Việt Nam. Nhưng mà tôi là một người làm việc trong lĩnh vực tị nạn, tôi biết từ năm 2008 đến nay, qua những quyết định của các thời tổng thống khi nhận một người tị nạn được nhận vào thì họ xem Việt Nam là một trong những quốc gia không có (gọi là) đủ tiêu chuẩn để được nhận vào Hoa Kỳ. Tôi cho rằng đây là một sự nhận xét thiếu sâu sắc của một số vị (viên chức Hoa Kỳ).”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Tiêu Cà Mau
01/09/2021 10:28

Hy vọng nhạc sĩ Nam Lộc, cựu Giám đốc di trú và tị nạn thuộc cơ quan USCC, không bị bọn giang hồ đầu đường xó chợ nhảy vào đánh phá .

son
24/09/2021 07:52

rat tuyet voi