Biểu tình chống TQ xâm lược: Nên tham gia hay không?
2014.05.09
Chủ nhật 11.5.2014 là ngày 20 tổ chức XHDS ở Việt nam kêu gọi biểu tình phản đối Trung quốc xâm phạm lãnh hải của Việt nam. Cũng có tin rằng cùng ngày chính quyền VN cũng có việc làm tương tự. Điều đó đã làm cho không ít người băn khoăn: nên đi biểu tình hay không?
Quyền của công dân
Biểu tình ôn hòa là một quyền của công dân được luật pháp của hầu hết các quốc gia ghi nhận và bảo hộ. Ở Việt nam cũng vậy, Hiến pháp Việt nam đã ghi rõ đây là một quyền của công dân được phép làm.
Tình hình Biển Đông hiện đang nổi sóng, do chính quyền Trung quốc bất chấp luật pháp quốc tế đã đưa dàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt nam. Đây là một sự thách thức nghiêm trọng của họ.
Vừa qua, 20 tổ chức XHDS ở Việt nam đã ra lời kêu gọi người dân tham gia biểu tình phản đối Trung quốc tại Hà nội và Sài gòn, vào 9h sáng ngày 11.5.2014. Đồng thời cũng có tin cho biết phía chính quyền cũng sẽ tổ chức một cuộc biểu tình tương tự.
Nhà báo Mai Xuân Dũng cho biết bản thân ông theo dõi thông tin trên mạng xã hội được biết, hiện nay đang có hai xu hướng khác nhau. Một phía cho rằng không thể mắc mưu một chính phủ ươn hèn, vì thế không nên tham gia biểu tình một khi chính quyền phát động, một phía khác thì cho rằng đây là cơ hội để biểu thị lòng yêu nước và hòa hợp hòa giải.
Trao đổi với chúng tôi về quan điểm của cá nhân mình, từ Hà nội ông Mai Xuân Dũng nói:
Những lần biểu tình trước đây xuất phát từ nhận thức và phương thức của chính người dân. Riêng lần này thì có những động thái giằng co của bộ phận nọ, bộ phận kia trong chính quyền bật đèn xanh, điều đó thể hiện họ có một mưu đồ chính trị đằng sau
ông Nguyễn Lân Thắng
“Đất nước này là của chung, không phải là của chính phủ hay bất kỳ cá nhân ai hay tổ chức nào. Khi nói đến chuyện chúng ta bị xâm lăng, bị xâm lược thì bắt buộc chúng ta phải lên tiếng bất kể từ hướng nào, từ đâu. Theo tôi nghĩ bây giờ mà chính phủ xưa nay mang tiếng thân Tàu chẳng hạn, mà bây giờ chính phủ quay ra chống Tàu thì là điều đáng hoan nghênh chứ!”.
Nói về quan điểm của mình đối với việc biểu tình chống Trung quốc sẽ diễn ra ngày 11.5 sắp tới, blogger Nguyễn Lân Thắng một nhà hoạt động xã hội ở Hà nội cho biết: ông nghi ngại và thấy rằng việc biểu tình lần này là một mưu đồ chính trị giữa các phe phái trong chính quyền, hòng lợi dụng dư luận cho Hội nghị TW9 đang diễn ra, do đó ông sẽ không tham gia.
Từ Hà nội ông Nguyễn Lân Thắng cho biết suy nghĩ của ông:
“Những lần biểu tình trước đây xuất phát từ nhận thức và phương thức của chính người dân. Riêng lần này thì có những động thái giằng co của bộ phận nọ, bộ phận kia trong chính quyền bật đèn xanh, điều đó thể hiện họ có một mưu đồ chính trị đằng sau”.
Bà Phạm Thanh Nghiên, một cựu tù nhân lương tâm thấy rằng dân tộc Việt nam từ ngàn đời nay không bao giờ chịu khuất phục và luôn chống lại hành động xâm lược của Trung quốc. Đáng tiếc là bây giờ Đảng CSVN đã quá khiếp nhược và cúi đầu trước Trung quốc. Bà Phạm Thanh Nghiên cho biết bà là đại diện của một tổ chức XHDS đã ký tên trong Lời kêu gọi biểu tình của 20 tổ chức XHDS vừa qua.
Yêu nước không cần phải xin phép, biểu tình cũng không cần phải bật đèn xanh, do đó không nhất thiết phải suy luận mình xuống đường là do đảng hay phe nhóm nào lợi dụng không. Đơn giản là ta đi chống Tàu xâm lược, ta đi đòi tự do cho người tù yêu nước, ta đi phản đối sự khiếp nhược của bọn ngoại bang của bọn cai trị
Phạm Thanh Nghiên
Từ Hải phòng bà Phạm Thanh Nghiên nói:
“Yêu nước không cần phải xin phép, biểu tình cũng không cần phải bật đèn xanh, do đó không nhất thiết phải suy luận mình xuống đường là do đảng hay phe nhóm nào lợi dụng không. Đơn giản là ta đi chống Tàu xâm lược, ta đi đòi tự do cho người tù yêu nước, ta đi phản đối sự khiếp nhược của bọn ngoại bang của bọn cai trị”.
Không phân biệt chuyện yêu nước?
Blogger Peter LamBui một nhà hoạt động xã hội ở Sài gòn cho biết việc xuống đường biểu tình là một cách biểu thị lòng yêu nước của người dân. Song khi nghe tin nhà nước sẽ tổ chức một cuộc biểu tình thì ông đã suy nghĩ không tham gia, vì ông đã từng chứng kiến sự đàn áp của chính quyền đối với các cuộc biểu tình chống Trung quốc trước đây. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, thì ông cho rằng đó có thể là lời đồn đại với mục đích chia rẽ và cụ thể là đến lúc này chưa có một thông tin chính thức từ phía nhà nước. Nên ông quyết định sẽ tham gia để chung vai với mọi người đi biểu tình, bất chấp bị đàn áp và đánh đập.
Trao đổi với chúng tôi, Blogger Peter LamBui nói:
“Gỉa sử phải đi biểu tình chung với những người ủng hộ đảng và nhà nước về vấn đề ngoại giao, thì bất kể thế nào chúng ta vẫn phải đi. Vì thực sự chúng ta đi không phải vì Đảng CSVN, hay không phải vì cái gì cả, mà chúng ta đi biểu tình vì đất nước Việt nam. Không thể vì sự hèn kém hay lãnh đạo không tốt của họ mà làm ngơ với đất nước này .”
Tôi cho rằng biểu tình chống TQ là một thực tế, còn việc một nhà nước ươn hèn - ví dụ như vậy. Nếu một nhà nước như vậy thì nhà nước đó không xứng đáng là của dân. Nếu thế thì như anh biết tấtcả trong các biến cố của lịch sử cũng cho thấy lộ ra hết các chân tướng
Ông Mai Xuân Dũng
Trước dư luận của nhà nước khi cho rằng các cuộc biểu tình chống Trung quốc từ trước đến nay chỉ là vỏ bọc của phản ứng chống chính quyền, bà Phạm Thanh Nghiên cho rằng đó là luận điệu xuyên tạc, bản thân bà không biết có những ai suy nghĩ và hành động như vậy. Đồng thời theo bà “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, nên các cá nhân cũng như các bên liên quan không nên suy đoán và chụp mũ cho hành động thể hiện lòng yêu nước của người khác.
Bà Phạm Thanh Nghiên nói:
“Nói thẳng đó là quan điểm từ phía chính quyền và đó là quan điểm hoàn toàn thù địch và sai trái đối với người dân. Mỗi người có một sự phản ứng khác nhau đối với thời cuộc, nhưng sự lựa chọn này của họ bị đi kèm với những sự kết án như vậy là điều không nên”.
Về vấn đề này, ông Mai Xuân Dũng cho rằng trong các cuộc biểu tình ta dễ nhìn thấy các khẩu hiệu chống Trung quốc, do đó nói rằng biểu tình chống Trung quốc là nhằm chống chính quyền là không có cơ sở. Theo ông đó là quan điểm của đảng CSVN nên chỉ là quan điểm của một tổ chức, chứ không phải là quan điểm của mọi người dân. Theo ông vấn đề này nên dành cho mỗi cá nhân tự tìm hiểu và trả lời.
Hãy gạt lại tất cả các hiềm thù cá nhân, các suy tính nhỏ để nhìn thấy một cái đại cục là đất nước ta đang bị xâm lăng. Đó là cái mà các bạn nên hướng tới, chứ đừng vì một cái gì nhỏ nhen, bởi vì chúng ta phải hiểu nếu là một đảng phản động chỉ có 3 triệu trên tổng số 90 triệu dân
Ông Mai Xuân Dũng
Ông Mai Xuân Dũng nói:
“Tôi cho rằng biểu tình chống Trung quốc là một thực tế, còn việc một nhà nước ươn hèn - ví dụ như vậy. Nếu một nhà nước như vậy thì nhà nước đó không xứng đáng là của dân. Nếu thế thì như anh biết tất cả trong các biến cố của lịch sử cũng cho thấy lộ ra hết các chân tướng của những ai là những người có lập trường vì cá nhân, vì bản vị của một tổ chức mà không vì nhân dân.”
Khi được hỏi nếu có một lời khuyên cho bạn bè nói riêng và những người quan tâm đến vấn đề biểu tình ngày 11.5.2014 sắp tới, thì ông sẽ nói gì? Ông Mai Xuân Dũng đã cho biết suy nghĩ của ông:
“Hãy gạt lại tất cả các hiềm thù cá nhân, các suy tính nhỏ để nhìn thấy một cái đại cục là đất nước ta đang bị xâm lăng. Đó là cái mà các bạn nên hướng tới, chứ đừng vì một cái gì nhỏ nhen, bởi vì chúng ta phải hiểu nếu là một đảng phản động chỉ có 3 triệu trên tổng số 90 triệu dân Việt nam thôi. Do đó chúng ta phải nhìn vào cái toàn cục, vì quyền lợi của 90 triệu dân VN, của đất nước, của dân tộc này chứ đừng vì những cái nhỏ”.
Biểu tình phản đối Trung quốc xâm phạm lãnh hải Việt nam không chỉ là quyền dân sự cơ bản chính đáng của mọi công dân được pháp luật bảo hộ. Mà nó còn là nghĩa vụ , trách nhiệm của mọi công dân Việt nam yêu nước đối với tổ quốc, khi đất nước đang bị đe dọa bởi họa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc.