Phải chăng có hiện tượng ‘né trách nhiệm’ ở cấp lãnh đạo tối cao ngành kiểm sát Việt Nam
2023.09.13
"Vụ Việt Á đã đưa ra xét xử, vụ AIC đã xét xử một vài nơi, tới đây truy tố, xét xử tiếp. Vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đã xử rồi, giai đoạn 2 có làm không, làm như thế nào cũng là một vấn đề", Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao của Việt Nam, ông Lê Minh Trí, được truyền thông Việt Nam dẫn lời, phát biểu tại một phiên họp của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội nước này hôm 13/9/2023 tại Hà Nội.
Bình luận với Đài Á Châu Tự Do về phát ngôn đang gây sự chú ý trong công luận của người đứng đầu ngành công tố Việt Nam, hôm thứ Tư, từ Hà Nội, ông Phạm Viết Đào, nguyên Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam thời kỳ trước đây, trước hết đề cập trên quan điểm riêng về vấn đề ‘chuyến bay giải cứu’:
“Theo tôi, vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đang bỏ lọt tội phạm và chưa xử đến nơi, đến chốn, bởi vì vụ xử vừa rồi chỉ mang tính chất ví dụ, tượng trưng thôi, mới đưa số tiền ra xử lý ở mức trên 200 tỷ VNĐ, mà theo tính toán của rất nhiều người thì số tiền trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’ lên tới 4.000 tỷ VNĐ, có 2.000 chuyến bay, mỗi chuyến bay cứ cho là lãi 2,5 tỷ VNĐ, thì số tiền phi pháp, số tiền mà hà lạm vào dân phải là cỡ khoảng 4.000-5.000 tỷ VNĐ. Cái đó là không làm đến nơi, đến chốn, trong đó ở vụ ‘chuyến bay giải cứu’ vừa rồi, Bộ Giao thông Vận tải theo tôi là khúc cuối mà họ phải xử, mà đã xử rất nhẹ, chỉ có hai anh chuyên viên ‘vớ vẩn’ (bị xử), nhưng còn tất cả số tiền của vụ ‘chuyến bay giải cứu’ nằm ở người thu lợi nhiều nhất, mà phải là Bộ Giao thông Vận tải. Và chịu trách nhiệm pháp lý là Văn phòng Chính phủ, đó là người đề ra chủ trương mà lại không kiểm tra, kiểm soát, để cho bung, nổ như thế. Hai cơ quan đó là hai cơ quan tệ nhất, thì xử lý là nhẹ. Tôi cho rằng vụ ‘chuyến bay giải cứu’ xử chưa đúng người, đúng tội và chưa đúng luật. Chứ còn bây giờ người ta không làm tiếp, người dân chỉ biết thế thôi, có nghĩa là người ta bắt đầu buông vụ này. Nếu như vậy, thì đó là một điều đáng lo và đáng buồn.”
‘Từ bỏ’ trách nhiệm hay bị ‘ngọn núi lớn’ chắn đường?
Trong lúc cho rằng, còn một khía cạnh nữa mà chính quyền, trong đó có ngành Kiểm sát Tối cao của Việt Nam bỏ qua đó là những nạn nhân là thường dân đã bị ‘lừa đảo’ và thiệt hại do phải trả những khoản tiền, khoản phí phi pháp, lạm thu v.v… không được thấy công lý vãn hồi, ông Phạm Viết Đào cho rằng trong nội bộ ban lãnh đạo ngành Kiểm sát Tối cao của Việt Nam đã có dấu hiệu ‘từ bỏ trách nhiệm’ như một sự ‘bỏ ngũ, đào ngũ’ trên con đường công lý, nhất là qua phát ngôn nêu ở trên của lãnh đạo ngành này. Ông Đào nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do:
“Ở đây không phải vô trách nhiệm mà là từ chối trách nhiệm, từ chối công vụ thì đúng hơn. Vì về trách nhiệm họ phải làm, nhưng họ không làm, như thế là từ chối, từ bỏ công việc phận sự của họ, đó là việc họ đáng phải làm, họ là những ông quan tòa thì họ phải làm, mà họ không làm thì ai làm? Như thế rõ ràng là họ từ bỏ trách nhiệm của họ.”
Khi được hỏi, nếu đúng là có thái độ, ứng xử như trên, liệu có áp lực, ‘vùng cấm’ hay sự chỉ đạo nào, hoặc có ‘thế lực’ nào có thể tác động đến việc làm cho lãnh đạo một ngành đầy quyền lực ở Việt Nam như thế, có thể có hành xử như vậy, ông Phạm Viết Đào nói, vẫn trên quan điểm cá nhân:
“Cái đó thì không biết được, nhưng tôi thấy những vụ tiền lớn, bao giờ cũng dính đến những quan chức lớn, nên sẽ “rút dây động rừng”, mà vụ này là vụ lớn, nên có thể vì lý do đó mà họ tránh, họ ‘tránh voi chẳng xấu mặt nào’, có thể như thế nhưng tôi không có thông tin. Nhưng như thế rõ ràng là họ từ bỏ trận địa, từ bỏ trách nhiệm của họ, và tất nhiên nó phải có cái gì đấy thì họ mới tránh, hoặc là họ ‘tiêu cực’, họ cũng được ‘ăn chia’, ‘đút’ (lót) lên, thế thì hòa cả làng cho nó xong. Nhưng cũng có thể họ bị một ‘ngọn núi’ nào chắn đường, nên họ phải thôi. Người dân thường khó biết được, nên khó kết luận.”
Những vụ án có ‘động cơ chính trị’?
Ông Phạm Viết Đào cũng đưa ra góc nhìn của mình về một số vụ ‘đại án’ khác mà người lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam đề cập trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội Việt Nam, được báo chí nhà nước tường trình hôm 13/9, trước hết về vụ án liên quan Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, người đang bị an ninh Việt Nam phát lệnh truy nã và bị tòa án xét xử vắng mặt, ông Đào nói:
“Tôi thấy vụ này xử bà Nhàn là xử vắng mặt, mà xưa nay tôi cũng chưa thấy xử vắng mặt như thế. Không biết họ xử như thế thì hậu quả và hiệu quả của tòa đến đâu? Việc họ xử như thế thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng việc xử như thế rất khó đến nơi, đến chốn. Còn nếu họ xử vì có một động cơ chính trị nào thì tôi không biết được. Động cơ chính trị tức là có phe nhóm nào đấy, mà nếu xử thì động tới phe nhóm và vì phe nhóm ấy mạnh, cho nên người ta tránh đi chẳng hạn. Có thể hiểu chính trị ở Việt Nam là lợi ích phe nhóm và nó trở thành vấn đề động cơ chính trị, người ta có thể hiểu một cách sơ sơ là như thế.”
Về vụ ‘đại án’ Việt – Á, hay còn được biết đến theo truyền thông nhà nước Việt Nam là ‘Vụ que thử Việt Á’ hoặc ‘Vụ sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á’, ông Phạm Viết Đào cho rằng vụ việc ban đầu thu hút sự chú ý vì các cáo buộc ‘hối lộ và nhận hối lộ’ của nhiều quan chức được truyền thông nhà nước đưa ra khá rầm rộ, nhưng sau đó lại có những dấu hiệu, như phản ánh qua báo chí, có thể coi là ‘làm giảm’, ‘làm nhẹ’ trách nhiệm hình sự của các bị cáo, mà với một số trường hợp được chuyển đổi tội danh bị cáo buộc như từ ‘nhận hối lộ’ sang tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’, vẫn theo thông tin từ báo chí, truyền thông chính thống loan. Ông Đào nói tiếp với RFA:
“Cái này tôi có đọc báo và thấy rằng cái đó đúng là hành động ‘ném đá dò sông’, tôi thấy việc ấy là việc không đúng, hoạt động pháp lý phải bình đẳng và phải minh bạch, làm như thế tức là họ tự làm rối đi đời sống pháp lý, làm mất sự uy thiêng của cán cân công lý. Công lý mà ông thích thì can thiệp, thì còn gì là công lý.”
Trong vụ Việt Á, liên quan đến việc chối trách nhiệm có thể nêu ví dụ trường hợp cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, người đã nhận túi dựng 200 ngàn USD nhưng lại nói là không biết trong túi có tiền, và ‘nhiều việc nên quên’ kiểm tra nên không hoàn lại kịp cho người đưa, ông Phạm Viết Đào bình luận thêm:
“Đó là một cách nói, chứ làm sao tin được việc người ta đưa quà mà mình lại không kiểm soát, có thể là ông ‘nhiều việc’ rồi ông ‘cất tạm’, chứ không thể bảo là ông không biết. Ông chỉ hé ra là ông biết ngay, người ta đưa tiền thì người ta phải nói, chẳng hạn: ‘Em tặng anh mấy quả xoài!” hay quả gì đó, nói thế là để giảm trách nhiệm, thế thôi. Nhưng tôi nghĩ cái đó là không quan trọng, quan trọng là anh có nhận tiền, mà như thế là anh có nhận hối lộ. Còn việc anh bảo anh quên, rồi anh không nhớ như thế là để anh chối trách nhiệm.”
Vẫn theo ông Phạm Viết Đào, sẽ là ‘vô lý’ nếu có người ‘tự nhiên người ta lại mang tiền’ đến cho quan chức, nếu như quan chức đó không có một phạm vi ảnh hưởng nào đấy. “Nếu thế thì người ta mới mang tiền đến cho anh, còn không thì vô lý, sẽ không có chuyện ấy,” ông khẳng định.
Theo truyền thông Việt Nam, vụ đại án Việt Á được cho là một vụ án hình sự ‘điển hình’ về ‘tham nhũng có hệ thống’, ‘đặc biệt nghiêm trọng’ về các tội bị cáo buộc như: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan.
Tính đến tháng 5/2023, vẫn theo truyền thông nhà nước Việt Nam, đã có 30 vụ án liên quan, với 107 bị can tại 25 địa phương, đơn vị, trong đó, có ba Ủy viên Trung ương Đảng bị khởi tố, bắt tạm giam, với số tiền kê biên, phong tỏa, các bị can nộp để khắc phục hậu quả bước đầu đã lên tới 1.670 tỷ đồng VN.
Cũng nhân dịp này, ông Phạm Viết Đào đưa ra bình luận thêm trên quan điểm cá nhân với RFA Tiếng Việt, về hiệu quả thực chất của ‘công cuộc đốt lò’, ‘củi lửa’ hay chiến dịch chống tham nhũng do ban lãnh đạo của ĐCSVN, đứng đầu bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát động và đẩy mạnh mấy năm nay, ông nói:
“Nói chung về đốt lò chống tham nhũng tôi có thể nói rằng bản thân ông Trọng là người bị bưng bít về thông tin, phải nói là ông cũng cố gắng, có thể cái tâm của ông cũng muốn, nhưng thực ra ông không tiếp cận được thông tin, nên đôi khi ông cũng bị họ bịp, hoặc là có những cái ông làm mà ông ngộ nhận, ông tưởng là ông thành công, ông tưởng là ông đã mang lại hiệu quả, nhưng thực ra hiệu quả của ông thấp, mà hoạt động xét xử như vừa qua cho thấy. Nhưng dù sao, nhiệm kỳ của ông vẫn còn hơn những ông trước,” cựu quan chức Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam thời kỳ trước đây nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 13/9/2023 từ Hà Nội.