Hàng loạt quan chức dính án tham nhũng: Tổng bí thư và Thủ tướng có liên đới trách nhiệm?
Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam dường như ngày càng tăng mạnh khi Chủ tịch nước và hai Phó thủ tướng phải “mất chức”. Trong hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Tổng bí thư và Thủ tướng Chính phủ có vô can không? và sự liên đới trách nhiệm thế nào?
Cả Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dính líu đại án?
Thủ tướng Chính phủ Hà Nội, ông Phạm Minh Chính, bị cho có dính líu đến các vụ án tham nhũng liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, hiện đang trốn truy nã của Công an Việt Nam.
Bộ Công an hồi tháng 3/2023 cho biết kết quả điều tra ban đầu, vào năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi, tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng do Sở Y tế làm chủ đầu tư.
Bà Nhàn cùng với các bị can bị cáo buộc đã thông đồng, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 73 tỷ đồng. Vụ này xảy ra trong thời gian ông Phạm Minh Chính làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh từ năm 2011 đến năm 2015.
Ngoài ra, bản thân bà Nhàn cũng là người môi giới trong hàng loạt các thoả thuận mua bán vũ khí và thiết bị phục vụ cho công an Việt Nam. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chọn thiết bị này của IAI. Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính là người chịu trách nhiệm chính về dự án này.
Mạng báo IntelligenceOnline dẫn một nguồn tin cho biết mối quan hệ thân thiết giữa ông Phạm Minh Chính từ khi còn làm Bí thư Quảng Ninh và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn dẫn đến việc nhiều hợp đồng về tay của AIC.
Trang tin Haaretz của Israel vào tháng 8/2022 loan tin, trong một thập niên qua, Israel đã bán cho Việt Nam vũ khí trị giá 1,5 tỷ đô la, đưa Israel trở thành nhà cung cấp vũ khí thứ hai cho Việt Nam, chỉ sau Nga.
Các vụ án liên quan tới công ty AIC được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Phòng, Chống tham nhũng Trung ương theo dõi từ tháng 11/2022.
Ông Phạm Minh Chính liệu có bị xử lý?
Trả lời RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn, một chuyên gia về an ninh - đối ngoại khẳng định có mối liên hệ giữa ông Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Nhàn của AIC, đặc biệt là trong các vụ mua bán vũ khí. Chuyên gia này khẳng định điều này thì giới quan sát, nghiên cứu chính trị Việt Nam đã biết từ lâu:
“Các vụ mua máy bay không người lái hoặc kết nối hợp đồng giữa quân đội Việt Nam và Israel là chị Nhàn đứng sau. Đó là vấn đề mà ai theo dõi cũng biết thì rõ ràng.”
Theo vị chuyên gia này, mối quan hệ mua bán vũ khí ở Việt Nam đã được thiết chế hóa, tức là nó phải có hoa hồng và nó phải có người trung gian. Đó là một phần khiên cho các vụ mua bán vũ khi với Mỹ không chạy được, bởi vì Mỹ không thích kiểu làm ăn “đi cửa sau”. Do đó, các vụ mua bán vũ khí với Israel dễ dàng hơn.
Chuyên gia giấu tên còn cho biết đáng ra trong thời gian qua, ông Phạm Minh Chính cũng đã bị truy trách nhiệm liên đới với các vụ đại án tham nhũng. Tuy nhiên, vì lý do ổn định tình hình kinh tế - chính trị trong nước nên ông Chính tạm thời vẫn được an toàn. Nếu thay đổi lãnh đạo nhánh hành pháp trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ tạo ra sự bất ổn, ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam:
“Chuyện bác Chính có bị kỷ luật hay không, Trung ương thống nhất là sẽ để sau, tức là bác Chính sẽ không thoát đâu, chỉ là để đó để xử lý sau.”
Nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, cho biết ở Việt Nam, những cán bộ vi phạm có thể bị xử lý theo hai trường hợp. Một là kỷ luật Đảng rồi từ chức và thứ hai là chuyển hồ sơ qua công an truy tố.
Vị giáo sư người Úc cũng cho rằng trong trường hợp của ông Phạm Minh Chính thì ông này nếu bị kỷ luật sẽ không đến mức phải truy tố:
“Tôi nghĩ, vụ việc của ông Phạm Minh Chính dễ có sự linh hoạt hơn để đi đến một sự thỏa hiệp, một cách mà ông ta không phải bị miễn nhiệm. Và theo tôi nghĩ để ổn định, nếu phải đánh cược, tôi sẽ nói ông Minh Chính sẽ tiếp tục tại vị.”
Ông Trọng có vô can?
Một loạt các vụ đại án tham nhũng bị khởi tố trong năm qua bao gồm vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, chuyến bay giải cứu, kít xét nghiệm Việt Á…
Chỉ tính riêng trong năm 2022, theo số liệu của Chính phủ Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý, năm người bị cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, hai phó thủ tướng và ba thứ trưởng mất chức.
Đối với các vụ đại án tham nhũng bị khởi tố như vừa nêu, liệu ông TBT Nguyễn Phú Trọng có vô can, đặc biệt khi ông Trọng đã từng giữ chức Trưởng tiểu ban nhân sự trước Đại hội Đảng khoá 13 vừa qua. Tiểu ban Nhân sự cùng với Bộ Chính trị có trách nhiệm lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới.
Vào tháng 4/2020, ông Trọng tung ra bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của đảng”; trong đó nhấn mạnh “kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tham nhũng, phe cánh, lợi ích nhóm, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc, bản thân và gia đình lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Hồi tháng 1/2023, một trong “tứ trụ” của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ. Dù lý do được chính thức nêu ra là ông này phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi làm thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 đã để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng vi phạm.
Sau đó trong phát biểu bàn giao công tác cho vị quyền chủ tịch nước, ông Phúc nói rõ “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”. Phát biểu này sau đó được truyền thông Nhà nước rút xuống sau khi loan đi.
Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada bình luận với RFA rằng ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản, có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng ông phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị:
“Ông Nguyễn Phú Trọng có thể không vi phạm luật pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam có thể không vi phạm luật pháp Việt Nam, nhưng mà về mặt chính trị và đạo đức thì đã vi phạm. Vì là một tổ chức chính trị lãnh đạo đất nước thì phải có trách nhiệm trước công dân, phải có trách nhiệm giải trình và phải giải quyết những vấn đề này.”
Chiến dịch “đốt lò” do ông Trọng khởi xướng đã liên tục phơi bày nhiều vụ tham nhũng ra trước công luận. Theo luật sư Khanh, dù cho ông Trọng có thật lòng muốn loại bỏ tham nhũng, làm trong sạch hệ thống Đảng Cộng sản đi chăng nữa, thì việc bắt giữ các quan chức vi phạm, cũng không thể xoá bỏ triệt để nạn tham nhũng:
“Vấn đề chính không phải là chuyện Đảng Cộng sản hay là ông Nguyễn Phú Trọng có hay không ý chí quyết tâm chống tham nhũng. Mà do cái cơ chế đó không thể giải quyết được tận gốc.
Để tránh được vấn đề tham nhũng là phải mở rộng không gian chính trị, có những tiếng nói khác biệt, trong đó, xã hội công dân xã hội dân sự phải được phát triển một cách cách tự do và được khuyến khích đóng góp vào trong tiến trình xây dựng bộ máy nhà nước.”
Theo báo cáo từ Ban Nội chính Trung ương, chỉ trong quý 1 năm 2023, đã có hơn 500 vụ án mới, với 1.280 bị can về tội tham nhũng bị khởi tố.
Hồi tháng 1/2023, TBT Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà ông khởi xướng sẽ ngày càng mạnh lên. Một trong "tứ trụ" đã bị mất chức, tuyên bố không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng của ông Trọng luôn được người dân Việt Nam mong chờ.