Khơi dậy tinh thần yêu nước: Hô hào và thực tế!
2023.06.16
Tại Hội nghị đánh giá việc đẩy mạnh ‘học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vừa diễn ra hôm đầu tuần. Tại đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng Việt Nam đã khơi dậy tinh thần cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội.
“Chủ nghĩa yêu nước” quá xa vời
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 16/6 cho rằng, khơi dậy tinh thần cống hiến, phụng sự đất nước chính là chủ nghĩa yêu nước:
“Bây giờ ban Tuyên giáo Trung ương phải diễn giải dài dòng như vậy bởi vì gọi tên yêu nước thì có vẻ hơi sống sượng và khó thuyết phục với hiện trạng cả về đối ngoại lẫn đối nội. Về đối ngoại, đặc biệt là chiến sự giữa Nga và Ukraine thì Việt Nam vẫn chọn thái độ đu dây như bao năm qua, chính vì vậy khó tạo được sự đồng lòng trong dân chúng suốt từ hơn một năm qua.”
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, không có sự đồng lòng trong dân chúng thì khó tìm được sự thống nhất nhân tâm. Mà muốn chủ nghĩa yêu nước thành công thì phải có sự thống nhất nhân tâm. Qua đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói thêm về chính sách đối nội của chính quyền Việt Nam:
“Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây đều đã bị dập tắt hoàn toàn và tiếp theo đó là đàn áp bắt bớ đối với giới bất đồng chính kiến. Xã hội dân sự nói chung không có một cơ may nào để tồn tại trong chế độ độc đảng, đó là điều chắc chắn. Khi không có được tự do về xã hội dân sự thì người ta cũng không thể nào đoàn kết, mà chủ nghĩa yêu nước là rất cần sự đoàn kết, đồng lòng của người dân.”
Muốn yêu nước, muốn phụng sự đất nước, muốn cống hiến thì người ta phải mạnh khỏe và ấm no.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già
Ông Già cho rằng, chủ nghĩa yêu nước đặt ra trong hiện trạng hiện nay sẽ không có hiệu quả, bởi vì, nhà cầm quyền Việt Nam phải dám nhìn vào sự thật một cách rõ rang, nhất là trong sự việc vừa diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk. Ông Già nói tiếp:
“Quảng đại quần chúng hiện nay chia làm hai luồng dư luận, một bên gọi nhóm người này là khủng bố và lên án. Một bên thì trình bày đó là sự xung đột sắc tộc và những uất ức mà người Thượng đã phải chịu đựng suốt hàng chục năm qua với sự cai trị hà khắc. Ở đây cho thấy rõ là lòng dân bị chia rẽ trầm trọng. Bên cạnh vấn đề về an ninh trật tự thì về an sinh xã hội hiện nay người dân rất khổ, thất nghiệp, bệnh hoạn, kinh tế tiêu điều... Muốn yêu nước, muốn phụng sự đất nước, muốn cống hiến thì người ta phải mạnh khỏe và ấm no.”
Do đó ông Già cho rằng, có thể là quá muộn, nhưng ở cấp cao nhất của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nên suy nghĩ thấu đáo và nhìn nhận nghiêm túc để làm sao vực dậy sức sống của người dân, rồi hãy nói đến phụng sự đất nước.
Khát vọng của tuổi trẻ
Một bạn trẻ tên Q. ở miền Trung (không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an ninh), khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho biết ý kiến của mình:
“Họ kêu gọi khơi dậy tinh thần yêu nước theo em nghĩ là về kinh tế, văn hóa, giáo dục... nhưng cốt lõi là họ vẫn giữ độc tôn về lĩnh vực chính trị. Tức là giới trẻ có khát vọng đi làm xây dựng kinh tế, còn riêng về chính trị thì vẫn độc quyền họ làm thôi. Ví dụ đối với giới trẻ mà không quan tâm chính trị, không ý thức được quyền làm chủ của mình thì mấy bạn sẽ theo hướng tích cực. Còn theo riêng em thì khát vọng Việt Nam duy nhất vẫn là khát vọng quyền làm chủ của nhân dân. Từ xưa đến giờ quyền làm chủ của người dân chưa được hiện thực lúc nào, người Việt Nam chưa được làm chủ về đất đai, chưa làm chủ về pháp luật, chính quyền... hay không có quyền phế truất chính phủ khi hoạt động không hiệu quả. Tức những quyền cơ bản nhất của nhân dân vẫn chưa được hiện thực.”
Riêng tôi thì khát vọng Việt Nam duy nhất vẫn là khát vọng quyền làm chủ của nhân dân.
-Bạn trẻ Q.
Vào năm 2021, lần đầu tiên khát vọng Việt Nam được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng có nội dung: “Cần phải khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng, tạo thành sức mạnh tinh thần cho đất nước bứt phá vươn lên, sức mạnh đó không kém gì sức mạnh của cải vật chất.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, trả lời RFA từ Hà Nội khi đó, cho rằng:
“Khi xây dựng một quốc gia, những khát vọng như thế, là có thể rất là quan trọng. Nếu hiểu một quốc gia gồm có lãnh thổ, dân cư, có chính quyền, rồi có những dự án quốc gia... thì những dự án này có thể là xây dựng những cái có thể sờ mó được như tượng đài, đường giao thông... Nhưng về mặt tinh thần, ở tầng văn hóa, thì những việc nêu lên khát vọng thật sự là sự thao túng tư duy của con người.”
Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được Hội đồng Anh công bố tháng 8 năm 2020 cho thấy có đến 70% người Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 30 cho biết an ninh lương thực và ổn định nghề nghiệp là mối quan tâm hàng đầu của họ. Trong khi đó các vấn đề thời sự trong nước dường như không gây được nhiều hứng thú trong giới trẻ. Chỉ 26% tỏ ra quan tâm đến công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra, vốn là chủ đề nóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên quan tâm đến hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh chỉ là 14%.