Nợ xấu- tồn kho- niềm tin thị trường vẫn là trở ngại

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014.04.26
Bất động sản bị đóng băng nhiều công trường xây dựng nửa chừng bị hết vốn Bất động sản bị đóng băng nhiều công trường xây dựng nửa chừng bị hết vốn
Dantri.com

Nghe bài này

Nền kinh tế Việt Nam được cho là đang bị ách tắc vì chưa giải quyết được những vấn đề tồn tại, như nợ xấu và tồn kho cao trong bối cảnh chưa hồi phục được niềm tin thị trường. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

Không lạc quan cho tình hình kinh tế VN

Được yêu cầu đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội tỏ ra kém lạc quan.

“Năm 2014 đã qua một quí, bắt đầu tháng đầu tiên của quí 2. Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau. Nhìn nhận bằng những con số của cơ quan chức năng đưa ra, theo quan điểm của tôi thì sức khỏe của nền kinh tế đang còn nhiều vấn đề. Có nghĩa là nền kinh tế ở dạng mới bắt đầu hồi phục nhưng sự hồi phục này rất là yếu ớt. Tại vì những thách thức rất lớn ở phía trước ví dụ vấn đề tồn kho, vấn đề nợ xấu, vấn đề niềm tin đối với thị trường vẫn còn chưa thực sự được khắc phục, hay là sức đề kháng của nền kinh tế đối với sự biến động không bình thường, sức chịu đựng, hay là cốt lõi nhất là vấn đề năng suất hiệu quả hay vấn đề tái cơ cấu thì cũng chuyển biến rất chậm. Cho nên trước thực trạng này thì phía trước còn đặt ra nhiều vấn đề mà nếu không có sự quyết tâm thực sự, cải cách thể chế thực sự thì khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.”

Cuối năm 2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng báo động trước các đại biểu: “Dư nợ ngân hàng khoảng 2 triệu tỷ thì nằm ở bất động sản 1 triệu tỷ. Bao nhiêu tiền của chôn vào đó. Đây là kho hàng tồn lớn nhất, không thấy thì không giải phóng được nợ ngân hàng.”

Sức khỏe của nền kinh tế đang còn nhiều vấn đề. Có nghĩa là nền kinh tế ở dạng mới bắt đầu hồi phục nhưng sự hồi phục này rất là yếu ớt. Tại vì những thách thức rất lớn ở phía trước ví dụ vấn đề tồn kho, vấn đề nợ xấu, vấn đề niềm tin đối với thị trường vẫn còn chưa thực sự được khắc phục

Tiến sĩ Ngô Trí Long

Hơn một năm sau cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ngày 18/2/2014 Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody trong công bố Báo cáo triển vọng 2014, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt nam không thể dưới 15%. Con số của Moody quá chênh lệch với tỷ lệ 3,63% mà Ngân hàng Nhà nước công bố về tỷ lệ nợ xấu tính tới ngày 31/12/2013.

Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có cây đũa thần nào mà có thể giải quyết nợ xấu với tốc độ thần kỳ như thế. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận định:

“Nợ xấu của Việt Nam có rất nhiều việc đáng bàn. Ở đây thực chất là cục máu đông này cũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Mặc dầu có thành lập công ty quản lý tài sản VAMC, nhưng công ty này thực chất mới chỉ là chỗ để gom nợ lại thôi, còn để xử lý giải tỏa vấn đề này thì cũng chưa có cái hướng cụ thể. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì tăng trưởng tín dụng phục vụ cho sản xuất sẽ rất khó khăn. Thực tế số liệu này thì cũng có nhiều nguồn tin khác nhau, ngay bản thân Ngân hàng, cơ quan chính phát ngôn thông tin về nợ xấu thì mỗi thời điểm khác nhau cũng hoàn toàn toàn khác nhau. Cho nên độ tin cậy hiện nay như thế nào thì cần phải có một cái gì đó để kiểm nghiệm xem con số đưa ra có chuẩn xác hay không. Khi con số đưa ra có thể xác định thì mới có thể có biện pháp chủ yếu giải quyết đúng được. Còn trong bối cảnh hiện nay thực chất vấn đề nợ xấu ở Việt Nam, theo quan điểm của tôi, hướng xử lý nợ xấu vẫn còn mờ mịt lắm và khả năng giải quyết nó cũng còn khó khăn và thách thức ở phía trước rất là nhiều.”

Thép là một trong những mặt hàng có lượng tồn kho lớn. Ảnh: Báo Hải Quan.
Thép là một trong những mặt hàng có lượng tồn kho lớn. Ảnh: Báo Hải Quan.
Báo Hải Quan.

Giải quyết nợ xấu bằng “thủ thuật bút toán”?

Tuy không có những lời giải thích chính thức, nhưng dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng rất nhiều vào hoạt động xử lý nợ xấu của Cty quản lý tài sản VAMC. Theo đó, trong hai tháng cuối năm 2013 VAMC đã mua gần 40.000 tỷ nợ xấu và trả bằng trái phiếu đặc biệt trị giá 31.000 tỷ đồng. Giới chức của VAMC cho biết thêm là trong quí 1/2104 đã đặt mục tiêu mua thêm 10.000 tỷ đồng nợ xấu nữa của các ngân hàng thương mại.

Nếu như không giải quyết được nợ xấu thì sau 5 năm VAMC sẽ xử lý nợ xấu ấy như thế nào? Hay lại bàn giao lại cho Ngân hàng Nhà nước? Như vậy tức là thay vì giải quyết thực chất về nợ xấu thì đấy chỉ là một thủ thuật bút toán. Tức là chuyển nợ xấu từ sổ kế toán của ngân hàng thương mại có nợ xấu sang sổ kế toán ghi nợ của VAMC và sau một thời gian sẽ hoàn lại

TS Lê Đăng Doanh

Về nguyên tắc, VAMC mua nợ xấu trả bằng trái phiếu đặc biệt và các ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC sẽ dùng trái phiếu đặc biệt này để được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn. Tuy vậy vấn đề này chưa thực tế diễn ra.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ở Hà Nội, nhận định rằng vấn đề nợ xấu của Việt Nam rất phức tạp. Như tổng nợ xấu không có con số chính xác, những con số từ các nguồn khác nhau chênh lệch quá lớn. Dù đánh giá việc thành lập VAMC là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng TS Lê Đăng Doanh đặt ra một số câu hỏi:

“VAMC có thể mua nợ xấu ào ạt như một phó Tổng giám Đốc VAMC nói là có thể mua tất cả nợ xấu trong một thời gian ngắn. Thế nhưng vấn đề là các món nợ xấu mà VAMC mua là nợ xấu có bảo đảm, VAMC sẽ bán tài sản bảo đảm ấy như thế nào để thu hồi lại vốn. Nếu như không giải quyết được nợ xấu thì sau 5 năm VAMC sẽ xử lý nợ xấu ấy như thế nào? Hay lại bàn giao lại cho Ngân hàng Nhà nước? Như vậy tức là thay vì giải quyết thực chất về nợ xấu thì đấy chỉ là một thủ thuật bút toán. Tức là chuyển nợ xấu từ sổ kế toán của ngân hàng thương mại có nợ xấu sang sổ kế toán ghi nợ của VAMC và sau một thời gian sẽ hoàn lại, tất cả những câu hỏi đó hiện nay đang còn ở trước mặt và  chúng ta đang chờ xem VAMC sẽ giải quyết thế nào.”

Liên quan đến tồn kho bất động sản, gói 30.000 tỷ của chính phủ được cải biên về tên gọi là giải quyết nhà ở xã hội cho người nghèo, đối tượng gia đình chính sách, đã không thể phát huy tác dụng. Giải ngân cho tới nay chưa tới 10% vì thị trường không tồn kho loại nhà ít tiền, hơn nữa thủ tục cho vay khó khăn, thời hạn trả nợ quá ngắn. Cùng lúc có những tin về gói 100.000 tỷ, 50.000 tỷ để giải quyết tồn kho bất động sản. Nhưng các chuyên gia nhận định rằng, đó chỉ là những chương trình tín dụng thông thường do một số ngân hàng đưa ra. Có chuyên gia còn gọi đó là những gói kích cầu “ảo” phục vụ cho những mục đích nào đó trên thị trường bất động sản.

Vào lúc kinh tế xuống đáy, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam kêu gọi cải cách thể chế để tạo động lực phát triển mới. Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đã khước từ một cơ hội cải cách thể chế quan trọng bậc nhất trong dịp sửa đổi Hiến pháp hồi năm ngoái. Bản Hiến pháp 2013 vẫn duy trì kinh tế Nhà nước là chủ đạo và đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.