
Tại thượng đỉnh về tình hình khủng hoảng lương thực thế giới diễn ra hồi đầu tháng này tại Rome, đề tài sản xuất nhiên liệu sinh học tại một số nước như Hoa Kỳ, Barzil được nêu lên và cho rằng đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến nạn khan hiếm lương thực trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, vào khi giá cả dầu mỏ tăng cao như lâu nay và tình hình ô nhiễm do xăng dầu gây nên, thì nhiều quốc gia cũng đang tìm đến với nhiên liệu sinh học như là một thay thế giúp họ vượt qua khó khăn về năng lượng.
Việt Nam cũng không ngoài ngọai lệ đó. Vậy hiện nay hoạt động trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học của Việt Nam đến đâu?
Kế hoạch của Việt Nam?
Hồi tháng 10 năm ngoái, một hội thảo về nhiên liệu sinh học cho vận tải được tổ chức tại Hà Nội do Hội đồng Chính sách Khoa học- Công nghệ Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Tham dự hội thảo có đến 140 đại biểu đại diện cho giới khoa học và doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Làm từ dầu thực phẩm thì vấp vấn đề cạnh tranh; nay thì công nghệ mới sẽ cho ra chất lượng tốt hơn , sạch hơn, hiệu suất chuyển hóa cao hơn. Kế họach thì đang tiến triển, tuy vẫn còn khó khăn do an ninh lương thực và cạnh tranh kinh tế nên phải có lộ trình.
TS Đỗ Huy Định
Tại hội thảo đó, chủ tịch Hội đồng chính sách Khoa học & Công nghệ Quốc gia của Việt Nam khẳng định là dù muộn Việt Nam vẫn phải phát triển nhiên liệu sinh học.
Một người từng tham gia hội thảo và cũng là nguời tham gia trong công tác đưa ra kế họach phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam, tiến sĩ Đỗ Huy Định, thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ, cho biết một số thông tin liên quan:
“Vấn đề này ở Việt Nam nghiên cứu lâu rồi, nhưng ở qui mô phòng thí nghiệm thôi. Tôi có tham gia viết đề án và chính phủ đã duyệt. Việt Nam sẽ đầu tư vào cây mía, sắn, tảo và cây Jatropha…
Sau này về lâu về dài dùng cellulose, biomass. Hiện đang làm mô hình trình diễn. Công nghệ theo thế hệ thứ nhất làm từ dầu thực phẩm thì vấp vấn đề cạnh tranh; nay thì công nghệ mới sẽ cho ra chất lượng tốt hơn, sạch hơn, hiệu suất chuyển hóa cao hơn.
Kế họach thì đang tiến triển, tuy vẫn còn khó khăn do an ninh lương thực và cạnh tranh kinh tế nên phải có lộ trình.”
Trước chủ trương chung của nhà nước như lời phát biểu của tiến sĩ Đỗ Huy Định, một số nhà khoa học trong nước mang những băn khoăn như ý kiến của giáo sư Hồ Sơn Lâm:
“Theo quan điểm của tôi nhiên liệu sinh học là việc nên làm nhưng nên đi vào diesel sinh học thôi chứ xăng sinh học thì những nhà sản xuất động cơ không vừa lòng lắm.
Đối với diesel sinh học thì hợp với Việt Nam nên có thể sử dụng đươc. Chúng tôi đang thử nghiệm và cho kết quả tốt với giá bán rẻ. sản phẩm làm ra từ các dầu thực vật trồng ở những vùng đất xấu. Tổng diện tích các vùng đồi núi trọc, khó có nước thì tương đối thích hợp.
Vừa qua thì Việt Nam có đưa ra hướng sản xuất nhiên liệu sinh học đi từ cồn; không biết đến nay điều chỉnh ra sao rồi, vì Tổ chức Lương nông Thế giới FAO có khuyến cáo không nên dùng cây lương thực.
Tại hội nghị của Hội đồng chính sách Khoa học thì tôi cũng có khuyến cáo về hướng từ cồn mà chỉ nên sản xuất từ cây dầu thực vật.”
Cây trồng không ảnh hưởng đến môi trường
Ở Mexico thì nguời ta lại dùng bắp nên giá cao lên. Hoa Kỳ đang để ý đến những loại khác không phải thực phẩm như cây cọ, rong biển, nhưng đến 2012-2015 mới sản xuất theo hướng này được.
Việt Nam hiện nay không dùng lúa, ngô mà chỉ dùng sắn, mía và cây Jatropha. Nguyên tắc là không ảnh hưởng an ninh lương thực.
TS Đỗ Huy Định
Từ Hoa Kỳ, một nguời quan tâm đến tình hình Việt Nam là nhà bình luận Trần Bình Nam cũng có một số ý kiến về vấn đề nguyên liệu sử dụng làm biofuel:
“Hoa Kỳ dùng bắp cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Ở Mỹ thì bắp không quan trọng nhưng ở Mexico thì nguời ta lại dùng bắp nên giá cao lên.
Hoa Kỳ đang để ý đến những loại khác không phải thực phẩm như cây cọ, rong biển, nhưng đến 2012-2015 mới sản xuất theo hướng này được.”
Tiến sĩ Đỗ Huy Định có một số giải thích về những băn khoăn liên quan an ninh lương thực khi sử dụng các loại hạt để chế biến ra nhiên liệu sinh học:
“Việt Nam hiện nay không dùng lúa, ngô mà chỉ dùng sắn, mía và cây Jatropha. Nguyên tắc là không ảnh hưởng an ninh lương thực. Khi nói sản xuất nhiên liệu sinh học ảnh hưởng đến an ninh lương thực thì phải đánh giá hai mặt, ví dụ những nước sản xuất nhiên liệu sinh học như Barzil và Mỹ thì đâu mất an ninh lương thực. Người ta phê phán là các chính phủ trợ cấp cho nông dân và trợ cấp cho giá nông sản thấp.”
Vào tháng 5 vừa qua, nghiên cứu của tổ chức quốc tế Global Invasive Species Program GISP nêu ra rằng việc gia tăng trồng các giống cây ngọai lai phục vụ họat động sản xuất nhiên liệu sinh học có thể gây nguy hại cho môi trường sống địa phương.
Nghiên cứu này kêu gọi chính phủ các nước cần phải có những đánh giá thêm nữa về hơn 30 loại cây được du nhập vào để chế tạo nhiên liệu sinh học như giống sậy Tây Á, hoặc cọ Châu Phi vì khi được trồng chúng mang nguy cơ phát triển nhanh chóng vượt ra phạm vi các nông trại địa phương.