Quy định cấm sóng nghệ sỹ: “phong sát” kiểu Trung Quốc?

2023.04.24
Quy định cấm sóng nghệ sỹ: “phong sát” kiểu Trung Quốc? Tấm biển quảng cáo chương trình biểu diễn của ca sỹ Khánh Ly ở Hà Nội năm 2014
AFP

Dự kiến từ tháng 10, các nghệ sỹ, người nổi tiếng bị cho có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sẽ bị xử lý như hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo…

Đây là nội dung nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025, vừa được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành hồi đầu tháng 4.

Hạn chế tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng

Nhạc sỹ Tuấn Khanh bình luận với RFA rằng có rất nhiều vấn đề trong quy định này: thứ nhất, chuyện “muôn thuở” vẫn là định nghĩa về “thuần phong mỹ tục”, thế nào là “lệch chuẩn” vẫn chưa được quy định rõ ràng; vấn đề thứ hai là người nổi tiếng nếu phạm pháp sẽ bị xử lý theo luật, tại sao lại đặt ra quy định riêng dành cho nhóm người này.

Ông cho rằng dù quy định này là vô lý nhưng nhà nước có mục đích rõ ràng khi nhắm vào đối tượng là nghệ sỹ, những người nổi tiếng:

“Việt Nam đang thực hiện một chương trình phong sát nghệ sĩ giống như là ở bên Trung Quốc vậy.

Nghệ sĩ tạo nên một cái quyền lực đối với công chúng và đối với những nhà nước như Việt Nam, khi đột nhiên có những người tạo nên quyền lực với đám đông thì nhà nước sẽ không thích, vì nó chia sẻ quyền lực tập trung của nhà nước, dẫn đến chuyện là có thể xảy ra những điều mà người ta không thể tưởng tượng được.

Cho nên, tốt nhất là phải có một cái rào cản hay là một bộ yên cương dành cho tất cả giới văn nghệ sĩ của nhà nước.”

Nhiều chuyên gia về văn hoá trong nước, thông qua báo chí, đồng loạt lên tiếng ủng hộ quyết định này của Bộ 4T.

Tiến sỹ Hà Thanh Vân, Viện phó Viện Khoa học Văn hóa và Giáo dục trả lời mạng báo Zing nêu quan điểm “cần có những hình thức xử phạt mạnh tay hơn, chẳng hạn từ hạn chế hoạt động văn hóa nghệ thuật có thời hạn đến cấm vĩnh viễn, khóa tài khoản mạng xã hội của KOLs nếu họ vi phạm pháp luật.”

Cũng trên Zing, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng nếu các nghệ sĩ lệch chuẩn được phép trình diễn công khai, các nội dung tiêu cực có thể gây hại đến sự phát triển tâm lý và đạo đức của công chúng, đặc biệt là trẻ em, thanh niên.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Chu Anh Hùng - Phó giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội, nói hôm 19/4 rằng đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động ở các trường học nhằm góp phần xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch trên không gian mạng.

Thậm chí, một số tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, An ninh TV còn mạnh dạn đăng bài viết với tiêu đề khẳng định dư luận, khán giả ủng hộ việc cấm sóng đối với nghệ sỹ.

Vi phạm quyền tự do biểu đạt

Ở khía cạnh nhân quyền, quy định này vi phạm cả quyền tự do biểu đạt của nghệ sỹ và quyền tự do tiếp nhận thông tin của người dân.

Tại Điều 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị quy định rằng “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại thông tin và ý tưởng, không phân biệt biên giới, bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bản in, dưới hình thức nghệ thuật hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào mà người đó lựa chọn.”

Tự do biểu đạt không phải là một quyền tự do tuyệt đối. Nhà nước có thể hạn chế quyền tự do này của người dân, nhưng chỉ được áp dụng trong một số rất ít các trường hợp cụ thể.

Theo Công ước này, Nhà nước được phép hạn chế quyền tự do biểu đạt trong một số trường hợp như bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức công cộng.

Tuy nhiên, cô Minh Trang, hiện đang theo học chương trình thạc sỹ về Quyền và Thực hành quyền tại Thuỵ Điển cho biết các biện pháp hạn chế phải được quy định bằng luật, ở mức tối thiểu và tương thích:

“Dù là cấm sóng tạm thời hay cấm sóng vĩnh viễn thì đều vi phạm quyền tự do biểu đạt.

Ví dụ như một người nghệ sĩ vi phạm pháp luật như là vi phạm luật giao thông đường bộ hay uống rượu trong lúc lái xe mà vin vào đó để cấm người ta không được biểu diễn hay hoạt động nghệ thuật thì rõ ràng là cái hình phạt đó nó không tương thích với cái lỗi người ta gây ra.

Nếu như vi phạm luật giao thông thì đã có luật giao thông đường bộ để xử lý rồi, chứ không phải lấy cớ là vi phạm luật giao thông để cấm người ta không được biểu diễn, không được tham gia các chương trình truyền hình.”

Cũng theo cô Trang, người dân có quyền xem, ủng hộ hoặc tẩy chay một sản phẩm nào đó mà họ cho là không phù hợp:

“Nhà nước không nên là một bên đứng ra quyết định xem là người dân nên hay là không nên tiếp cận thông tin gì. Người dân có quyền được quyết định xem là bản thân họ muốn hoặc không muốn xem cái gì.”

Ở một số nước như Hàn Quốc, các đài truyền hình cũng đã công bố cấm sóng đối với nghệ sỹ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo cô Trang, điểm khác biệt là ở cái quyết định cấm sóng ở Hàn Quốc được đưa ra bởi một pháp nhân độc lập, chứ không phải là do Nhà nước quyết định như Việt Nam.

Đối với một số ý kiến ủng hộ sự kiểm duyệt cho rằng nội dung xấu trên các phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng đến trẻ em. Cô Trang cho rằng các chương trình không phù hợp với trẻ cần phải được dán nhãn rõ ràng:

“Đối với những chương trình không phù hợp với trẻ con thì nên dán nhãn là chương trình này không phù hợp với trẻ.

Ví dụ như trẻ em tiếp cận với những nội dung không phù hợp với lứa tuổi thông qua mạng xã hội thì lỗi sẽ thuộc về công ty mạng xã hội, bởi vì họ đã không dán nhãn nội dung đó.”

Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ xem phim hoặc video như YouTube hay Netflix, thậm chí là các nhà mạng internet cũng có dịch vụ chọn chế độ dành riêng cho trẻ em. Khi đó, với tư cách người giám hộ, cha mẹ có thể tự quyết định điều gì là phù hợp với con em mình. Các quyết định trẻ con nên hay không nên xem gì có thể thực hiện tại nhà mà không có sự can thiệp của chính phủ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.