Vào biên chế để hưởng ‘bổng’ chứ không phải lương: thực trạng Việt Nam!

RFA
2020.08.05
giam_sat_dang-vien-630 Ảnh minh họa: Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam trong một lần biểu quyết.
Courtesy CPV

Tại buổi hội thảo khoa học ‘Phát triển nhân lực hành chính nhà nước’ được tổ chức hôm 5/8, khi bàn về vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu đưa ra ý kiến cho rằng chừng nào đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chính phủ Hà Nội mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức…

Báo trong nước dẫn lời Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định rằng tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ công chức, bổng nhiều hơn lương. Ông cũng cho rằng nhiều người thích vào công chức nhà nước vì có phần ngoài lương; còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào.

Đồng ý với ý kiến vừa nêu của PGS. TS. Nguyễn Văn Thạo, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên tại trường THPT Thường Tín tại Hà Nội lập luận:

“Vào công chức nhà nước làm lãnh đạo nếu chỉ làm công ăn lương thì không ai muốn vào vì thật sự công chức là làm lãnh đạo thì có quyền, mà quyền ở Việt Nam thì kèm theo tiền. Tôi có thể nói đại bộ phận công chức ở việt Nam không sống bằng lương hoàn toàn, cái ‘lậu’ ngoài lương gấp nhiều lần lương vì số lương của họ cũng như chúng tôi, chúng tôi còn chẳng đủ ăn lấy đâu ra làm giàu. Thế nhưng họ cực kỳ giàu. Họ nắm trong tay quyền điều hành về chế độ chính sách, quyền bất động sản, khu chuyển đổi đất đai, dịch vụ, hay quyết định bán đất, phân nền… đấy mới là cái lợi lớn nhất mà họ thu được mà không cách nào điều tra được, rất khó ở Việt Nam. Nên vào công chức, tức vào cơ quan công quyền để nắm quyền thì sẽ kiếm được rất nhiều.”

Trao đổi với RFA tối 5/8, ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, nguyên vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương cho hay chế độ lương cho công nhân viên chức đã được nói đến từ rất lâu, nhóm của ông đã đề cập đến từ lúc ông Nguyễn Phú Trọng còn chưa về làm Bí thư thành phố Hà Nội. Ông đưa ra nhận xét:

“Chúng tôi đã nói chính sách lương không phải là lương mà chỉ là cái gọi là chính sách trợ cấp kéo dài từ kháng chiến ra đến hiện thời. Cho đến nay thì lương không rõ vì đã nói lương là phải bảo đảm cho được cuộc sống bình thường của người công chức. Hiện nay lương của người công chức không thể nào bảo đảm được đời sống bình thường của họ, kể cả những cán bộ cao cấp có 13, 14 triệu cũng không đủ nuôi sống gia đình đơn vị 1 chồng, 1 vợ, 1 con cũng không thể nào bảo đảm được.”

Xác nhận mức lương biên chế từ xưa đến nay rất hạn hẹp, một viên chức ngành giáo dục tại Sài Gòn cho hay:

“Hiện tại với đồng tiền làm của công chức nhà nước thôi, không có thêm khoản thu nhập ở ngoài thì rất khó sống so với thành phố có mức sống cao như thành phố Hồ Chí Minh, chị đang nói riêng thành phố Hồ Chí Minh thôi. Bên ngành giáo dục của mình thì ngoài mức lương của nhà nước thì bắt buộc mình phải dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Nếu đúng mức lương của nhà nước với ngành giáo dục thì thật sự không đủ nuôi bản thân chứ đừng nói nuôi gia đình. Mình không ép buộc học sinh đi học mà mình chỉ mở lớp, do sự thỏa thuận giữa phụ huynh và học sinh, tức là người ta có nhu cầu mời mình thì mình sẽ dạy, tuyệt đối không bắt ép ai đi học.”

Ảnh minh họa: Cán bộ công chức đang làm việc.
Ảnh minh họa: Cán bộ công chức đang làm việc.
Courtesy Dan Tri

Chị N.M.H., hiện đang sống tại Sài Gòn trao đổi qua Facebook Messenger cho rằng:

“Với những người vào biên chế nhà nước, càng chức cao thì càng phải chung chi nhiều để có thêm quyền. Quyền lực đó sẽ giúp họ kiếm lại cho phần vốn họ bỏ ra, sau khi có vốn sẽ kiếm thêm lời, kiểu ‘lãi mẹ đẻ lãi con’. Tình trạng này đã phổ biến lâu nay. Có thể không phải tất cả, nhưng đa phần là vậy. Đối với một số bộ phận làm việc trực tiếp với dân thì không cần chức cao vẫn có thể nhận phong bì như thường.”

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Khắc Mai đã ví vấn đề lương cán bộ hiện nay như ‘cục máu đông’ trong toàn bộ cơ thể kinh tế Việt Nam.

“Không có triết lý lương đến nơi đến chốn vì thế chắp vá. Cái tội lỗi lớn nhất của chính sách lương là làm điên đảo, đảo lộn các giá trị. Vì đói phải ăn vụng, túng thì làm liều, nên công chức Việt Nam đói thì thích ăn vụng, lâu ngày quen môi, quen thói, trở thành tệ nạn tham nhũng rất xấu hổ và tai hại.”

Vẫn theo ông Nguyễn Khắc Mai, Tổng Liên đoàn lao động cũng muốn sửa đổi cơ chế lương cho cán bộ công viên chức nhà nước, nhưng không thể sửa liền vì lý cơ chế, thể chế đông cứng. Mặt khác là do Chính phủ Hà Nội đã cạn kiệt tiền thành ra không cách gì giải quyết vấn đề này.

Do đó, ông Nguyễn Khắc Mai đề ra phương án cho chính sách lương hiện nay:

“Phải cải cách, bỏ bớt, giảm bớt đội ngũ vô công rồi nghề khoảng 30% rồi đem lương đấy nuôi số còn lại cho tử tế, đến nơi đến chốn và đòi hỏi cao ở họ.”

Với thâm niên hơn 30 năm đứng trên bục giảng, vị viên chức ngành giáo dục bày tỏ hy vọng chính phủ Hà Nội sẽ xem xét lại cơ cấu lương bổng cho các cán bộ công viên chức nói chung và ngành giáo dục nói riêng trong thời gian tới:

“Mình đọc báo, có nghe nói là nhà nước sẽ hỗ trợ, tăng lương cho công nhân viên chức nói chung, trong đó có giáo viên bắt đầu từ năm 2021. Trong thời dịch bệnh thế này thì chắc lộ trình lên lương cũng tạm dừng lại. Mình nghe nói đến năm 2021 thì giáo viên và cán bộ công chức sẽ sống đủ bằng lương nhưng hiện tại chưa biết được mức lương đó thế nào mà chỉ nghe nhà nước nói là cao hơn mức lương hiện tại, chứ nhà nước thì chỉ nói chứ thực tế thì không như mình mong muốn.”

Còn theo Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, việc vào biên chế như thói quen, tập quán, một điều có từ rất lâu ở Việt Nam vì nhiều người có suy nghĩ được ngân sách nhà nước đảm bảo mức lương, công việc đảm bảo suốt đời, về hưu có lương hưu. Tuy nhiên, ít tai biết được mức lương viên chức hay công chức hiện nay vẫn còn chật vật, không đủ lo cho cuộc sống.

Đối với giới lãnh đạo, nếu chỉ với đồng lương thực nhận, họ không thể có cơ ngơi như mọi người trông thấy, con cái họ không thể có tiền để đi du học tại nước ngoài hay sống cuộc đời ‘vương giả’.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.