Phía sau việc dùng đá granite lát vỉa hè

Mặc Lâm, phóng viên RFA
2016.04.07
000_Hkg10251534 Một người dân Hà Nội đốt giấy tiền vàng bạc trong ngày đưa Ông Táo về Trời hôm 01/2/2016.
AFP photo

Sau khi UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự án lót gạch granite trên các vỉa hè tại Quận 1 với tổng kinh phí là 1000 tỷ đồng đã gặp nhiều chống đối từ người dân thành phố mặc dù đây là một dự án công cộng có lợi ích cho người dân.

Tôn tạo vỉa hè cho một thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh là việc đương nhiên phải làm của UBND thành phố. Ngoài vấn đề giữ gìn vẻ mỹ quan, người dân cũng cần sử dụng không gian vỉa hè để đi lại trong thời gian rảnh rỗi, dạo chung quanh các khu phố trung tâm vẫn là thú vui của hàng triệu người và nhu cầu đó không thể thiếu trong văn hóa đô thị.

Tuy nhiên thật bất ngờ khi ông Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Thuận cho biết dự án chỉnh trang đô thị có kế hoạch lót đá granite cho 134 tuyến phố trong đó có các con đường chính như Công Xã Paris, Nguyễn Thị Minh Khai, Đồng Khởi, Nguyễn Thái Học và Phùng Khắc Khoan trong thời gian từ 3 tới 5 năm tới. Tổng cộng số đá granite cho các vỉa hè này là 936 ngàn mét vuông được các doanh nghiệp ứng trước để thực hiện và thành phố sẽ trả chậm lại trong vòng 5 năm mà không có lãi.

Số tiền dự án chiết tính toàn bộ là 1.000 tỷ đồng. Hầu hết báo chí và người dân thành phố đều tỏ ra chống đối vì những lý do nhìn thấy trước mắt, đó là môi trường không bảo đảm, giá thành vượt quá mức thị trường gấp ba lần, đá granite nếu được dùng tại các tuyến đường này liệu có phù hợp với kiến trúc đang có hay không khi bản thân đá granite là loại vật liệu xây dựng có hình thức khá hiện đại và đòi hỏi nơi nó xuất hiện sự hài hòa cần thiết của phối cảnh xung quanh.

Về môi trường, đá granite được lót bao trùm như vậy nước mưa sẽ không thấm xuống tầng ngầm bên dưới sẽ gây ra tình trạng thiếu nước và độ ẩm cho thành phố trong khi cây xanh cũng đang là vấn đề cấp thiết.

TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng so sánh việc dư luận đang lên án nặng nề và sự cần thiết cho một công trình đô thị như thế này cần phải nghiên cứu và tham khảo nhiều đơn vị, kể cả hạ tầng thành phố:

Nặng nề là bởi vì thật ra còn nhiều cái nhu cầu khác cấp bách hơn. Tôi không rõ dự án nó như thế nào chỉ biết rằng lát vỉa hè bằng đá hoa cương. Đúng là có những con đường cần phải lát, những con đường nào là những đường mà người ta đi bộ thì phải lát cho thật là phẳng phiu, an toàn, trời mưa không trượt và đi không vấp còn một số các con đường quan trọng thì cũng như vậy.

Những con đường mà hiện nay vỉa hè chưa hoàn chỉnh và nhất là hạ tầng còn phải nâng cấp thì chưa nên lát vội kẻo tốn kém. Bởi vì cái vỉa hè trên thì đi bộ nhưng ở dưới là các công trình hạ tầng đô thị, cái nơi nó ổn định rồi thì hẳn lát thì nó không có vấn đề gì nhưng nơi chưa ổn định đến lúc sau lại phải bới lên để nâng cấp hạ tầng rồi lấp lại, chưa thật ổn định thì cũng chưa nên làm vội.

Vì sao dân phản đối?

Người dân theo dõi và phản hồi trên mạng xã hội hàng chục ngàn ý kiến, trong những nhận xét ấy thì tham nhũng trong dự án vẫn là nguyên nhân đầu tiên làm cho dân chúng đặt câu hỏi nhiều nhất rồi mới tính đến chuyện lấy kinh phí từ đâu. Câu hỏi đặt ra về giá thành được bác sĩ Hồ Hải nhận xét thông qua các ý kiến mà ông chia sẻ từ các quan hệ rộng lớn của ông:

Theo tôi tính toán một mét vuông lát sàn nhà, hay khách sạn thì giá thành tại Việt Nam bây giờ hiện tại khoảng 300 ngàn một mét vuông thôi kể cả vật tư, công cán. Mà lát đường tính luôn cả hư hao, mất mát vào giá thành của sàn nhà luôn, tính ra tổng số đầu tư cho 936 ngàn mét vuông vỉa hè cả thành phố chưa đến 1/3 số tiền bỏ ra là 1000 tỷ. Theo tôi biết đây là dự án xây dựng và chuyển giao của các doanh nghiệp tư nhân họ xây dựng và chuyển giao trong vòng 5 năm. Để lát 936 ngàn mét vuông này cũng có thể sẽ kéo dài trong 5 năm. Như vậy chia công đoạn mỗi năm như vậy thì họ sẽ lát bằng diện tích 1/5 của tổng số. Họ lát tới đâu trả tiền tới đó. Như vậy đầu tư vào chỉ có 280 tỷ mà lãi tới 720 tỷ, tính ra lãi suất gấp 3 lần cái phần đầu tư.

Tuy nhiên xét về mặt lợi ích của đá granite thì rõ ràng là hơn hẳn các loại đá khác, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết:

Đá hoa cương thì nó khó bị phong hóa. Cũng có thể lát bằng những loại đá khác, thậm chí lát đá vôi thế nhưng chúng ta thấy đá vôi dùng làm bia đấy thì “trăm năm bia đá vẫn mòn”, nó cũng chóng mòn lắm! Đá hoa cương thì một là độ bền hai là nó không chịu xâm thực lắm. Bây giờ lát các loại đá khác cũng có thể được còn trơn hay không thì vấn đề gia công bề mặt thế nào. Cái đá hoa cương lát vỉa hè không phải đánh bóng như đá lát trong nhà hay trong các đại sảnh.

Câu hỏi đặt ra tại sao đá granite hiện nay đang rớt giá mà vẫn tính giá của thời điểm của hơn 10 năm về trước, liệu có sự nhúng tay của những nhóm lợi ích núp dưới doanh nghiệp chịu cho UBND thành phố giãn thời gian tới 5 năm để hoàn lại số tiền đầu tư hay không? Bác sĩ Hồ Hải phân tích:

Giá gạch granite tương đương với gạch bê tông hiện thời tại thành phố HCM là 160 ngàn một mét vuông mà thôi. Hồi xưa nó bán một triệu mấy hai triệu bây giờ nó rớt xuống còn 160 ngàn thôi bởi vì do đóng băng bất động sản, các mỏ đá granite và doanh nghiệp granite tư nhân nhỏ và vừa đều chết hết vì họ không có vòng tròn khép kín về sản xuất và tiêu thụ.

Chỉ có những doanh nghiệp lớn họ có những công trình xây dựng của họ. Họ có những hợp đồng lấy từ của nhà nước, của chính quyền địa phương thì họ sản xuất đá granite tiêu thụ trong những công trình của họ thì họ còn sống thôi còn những nhà đầu tư khác ví dụ như một người bạn của tôi nó có khai thác mỏ granite hồi xưa lúc đầu thì còn lời nhưng tới năm 2009 trở đi thì bắt đầu lỗ. Bán tại chỗ đá thô chưa làm ra thành phẩm thì không đủ tiền trả lương cho công nhân. Thành ra có một sự gì đó rất sâu trong việc này nhằm nâng giá thành lên nhiều hơn việc báo giá thật sự khi thực hiện.

Về hình thức thẩm mỹ, đá granite được xem là loại đá cao cấp nhất trong mọi loại đá dùng để lát vỉa hè, tuy nhiên lấy hình thức sang trọng của nó nằm cạnh bên những ngôi nhà lụp xụp, không tương xứng thì càng làm cho vẻ mỹ quan của thành phố thêm khập khiễng.

Tiền lát đá không trả bây giờ nhưng cũng phải trả về sau, vẫn là tiền thuế của dân vì UBND thành phố không làm gì ra tiền, Trong lúc còn rất nhiều công trình công cộng cần thiết hơn nhưng bỏ dở dang để làm một dự án vượt quá sức chịu đựng của người dân là lý do khiến cả xã hội đang nhắm vào. Một ngàn tỷ có thể làm được rất nhiều việc lợi ích cho dân và người Sài gòn tin rằng thành phố sẽ rà soát lại dự án cho hợp lý hơn trước khi cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.