Đồng Tâm đổ máu: Chính quyền Việt Nam có còn là ‘của dân, do dân, vì dân’?

RFA
2020.01.09
82607015_1448434148648448_5028783327767691264_n.jpg Hàng trăm Cảnh sát cơ động được huy động đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội vào đêm rạng sáng ngày 09/01/2020.
Courtesy: Netizen photo

Máu đổ, chết người!

Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận đất canh tác nông nghiệp tại cánh đồng Sênh là thuộc sân bay Miếu Môn, đất quốc phòng; người dân Đồng Tâm đã khẳng định:

“Nếu Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cố tình vào cướp đất của người dân Đồng Tâm thì chúng tôi sẵn sàng đổ máu và cũng sẵn sàng hủy diệt kẻ nào dám vào cướp đất.”

“Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh”

Những lời tuyên bố này thành hiện thực vào đêm rạng sáng ngày 9/1/2020, khi hàng trăm Cảnh sát cơ động được huy động đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức để bắt giữ một số người dân dẫn đến vụ đụng độ nẩy lửa làm ít nhất 1 người dân và 3 cảnh sát thiệt mạng theo thông tin chính thức từ Bộ Công an.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc Nhóm Luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân trong vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng vào tối cùng ngày, qua ứng dụng messenger cho RFA biết rằng ông thật sự bị sốc trước thông tin vừa nêu. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc chia sẻ:

“Sốc vì phía chính quyền đã chĩa súng về người dân, sử dụng bạo lực, hoả lực, vũ khí quân dụng đối với người dân…Họ xem người dân là kẻ thù, là đối tượng cần triệt hạ. Một bức tranh quá ảm đạm và những hành xử đáng phẫn nộ.”

Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do là ông cảm thấy rất đau buồn về những gì đang diễn ra ở Đồng Tâm:

“Sự thực mà nói kết quả này rất đáng buồn vì những câu chuyện đất đai mà lại dẫn đến có người phải hy sinh tính mạng. Tôi cho rằng rất đáng buồn và rất đáng tiếc đã xảy ra như vậy. Nhưng mà tôi cho rằng đây là vụ việc đã được xem xét khá dài ngày và cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi thì cũng cần phải biết chi tiết sự việc xảy ra như thế nào. Nếu giả sử như gọi là chưa vận động đủ người dân thì lại là một câu chuyện khác. Còn nếu đã vận động tốt rồi, đã làm rõ mọi việc về ranh giới, về quyền đối với đất đai mà xảy ra do những người bị quá nông nỗi, không hiểu biết pháp luật thì phải nói thật rằng những người đã sử dụng vũ khí tự tạo để xảy ra những tình huống như vậy thì dù muốn hay không muốn cũng là trái pháp luật.”

Dư luận phẫn nộ tột cùng

Đài RFA ghi nhận “Khủng hoảng Đồng Tâm”, theo cách gọi của Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dường như chưa bao giờ lắng dịu kể từ khi người dân xã Đồng Tâm gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua việc bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin hồi trung tuần tháng 4 năm 2017, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội. Vụ việc xảy ra khi chính quyền thành phố điều cảnh sát đến cưỡng chế khu đất 59 héc-ta đất ở đồng Sênh mà người dân coi là đất canh tác còn chính quyền một mực khẳng định là đất quốc phòng.

Tôi bị sốc vì phía chính quyền đã chĩa súng về người dân, sử dụng bạo lực, hoả lực, vũ khí quân dụng đối với người dân…Họ xem người dân là kẻ thù, là đối tượng cần triệt hạ. Một bức tranh quá ảm đạm và những hành xử đáng phẫn nộ
-Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc

Vụ việc chỉ tạm lắng xuống khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đến Đồng Tâm đối thoại, hứa hẹn thanh tra và không truy tố những người phản đối cưỡng chế.

Trong suốt hơn hai năm qua, không chỉ người dân Đồng Tâm mà dư luận cùng trông đợi Chính quyền Việt Nam sẽ giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng đất đai tại xã Đồng Tâm được “hợp lòng dân, ý Đảng” như theo tinh thần của chính những người nông dân xã Đồng Tâm, đồng thời mang lại niềm tin cho những người dân khiếu kiện đất đai về thực tâm của Nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ trong vấn đề đất đai.

Thế nhưng, “Khủng hoảng Đồng Tâm” trong mấy ngày qua lại gây bùng lên sự phẫn nộ đến tột cùng khi lực lượng vũ trang nhân dân chĩa súng về phía người dân.

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo bức xúc nói:

“Chuyện ở Đồng Tâm mà đem lực lượng vũ trang nhân dân, không chắc chắn có quân đội mà chỉ có cảnh sát cơ động thôi. Nhưng dù sao lực lượng đó dùng súng bắn đạn hơi cay, ném lựu đạn khói…vào người dân như thế thì đó là một việc làm rất tàn bạo, phản lại bản chất của lực lượng vũ trang nhân dân và cũng phản lại mục tiêu và khẩu hiệu ban đầu của cách mạng ‘ruộng đất cho người cày-chiến đấu vì nhân dân’ rồi để cuối cùng đàn áp dân. Chuyện đó là vô lý.”

Nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại vụ việc Chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đưa lực lượng vũ trang đến cưỡng chế 19 héc-ta đất đầm nuôi tôm của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn, ở Cống Rộc hồi tháng 5 năm 2012. Vụ cưỡng chế này cũng vấp phải phản ứng mạnh từ người dân khiến 4 công an và 2 quân nhân bị thương. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:

“Ông Lê Đức Anh trước đây là Bộ trưởng Quốc phòng đã trả lời một bài phỏng vấn dài và được báo chạy tít là ‘Cưỡng chế đã sai mà dùng quân đội cưỡng chế lại càng sai’. Thời ông Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Chính ủy Quân khu IV, cũng có một bài trả lời trên báo đã phản đối quân đội đi cưỡng chế, cho rằng mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền cũng là mâu thuẫn giữa ‘ta với ta’ chứ không phải giặc ngoại xâm thì không bao giờ được phép đem lực lượng vũ trang nhân dân ra đối đầu với nhân dân.”

Khu đất Vườn Rau Lộc Hưng tại Quận Tân Bình, TP.HCM sau khi bị cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1/2019.
Khu đất Vườn Rau Lộc Hưng tại Quận Tân Bình, TP.HCM sau khi bị cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1/2019.
Courtesy: Netizen photo
Dùng vũ lực với ngụ ý gì?

Trên mạng xã hội, bên cạnh thông tin về vụ đụng độ vũ lực giữa chính quyền địa phương và người dân Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1, không ít người nhắc đến các vụ cưỡng chế đất đai ở Đắk Nông hồi năm 2016 khiến 3 người chết. Người nông dân nổ súng bảo vệ đất bị nhận án tử hình.

Nhà báo Võ Văn Tạo lập luận rằng dù xã hội phản kháng mạnh mẽ đến mức nào đối với vấn đề đất đai tại Việt Nam mà Chính quyền Việt Nam vẫn dùng biện pháp vũ lực để cưỡng chế đất đai, là do:

“Có thể vì động cơ tham lam hay vì muốn tỏ ra tính hiếu thắng, nghĩa là không thua dân, nhà nước và chính quyền luôn luôn phải đúng, phải đè bẹp mọi ý chí phảng kháng của người dân. Đây được gọi là bệnh kêu ngạo Cộng sản dẫn đến bất chấp mọi đạo lý.”

Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài thay mặt cho Hội Anh Em Dân Chủ công bố “Bản lên án tội ác của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam” trong vụ Đồng Tâm.

Trong bản lên án vừa nêu, ghi rõ “Hành động dùng cảnh sát vũ trang, binh lính và vũ khí hiện đại tấn công để bắt và giết hại dân thường nhằm mục đích cướp đất của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam là vô cùng tàn bạo, độc ác và vô nhân tính. Không có một chính quyền nào trên trái đất này thực hiện hành vi tội ác với đồng bào của mình như vậy.

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định với RFA về biện pháp sử dụng vũ lực của Chính quyền Hà Nội trong việc cưỡng chế đất đai trên lãnh thổ Việt Nam

“Họ muốn răng đe người dân rằng Chính quyền Cộng sản cương quyết đập tan hay đàn áp tất cả những sự đối lập của người dân ở trong nước khi dám đứng lên thách thức quyền lực của họ trong việc giữ đất đai.”

Qua vụ việc đang diễn ra ở Đồng Tâm, một giáo dân ở làng đạo Thạch Bích, thành phố Hà Nội tâm tình rằng bà con làng đạo đang khiếu nại đất đai với chính quyền địa phương tỏ ra sợ hãi:

“Theo quan điểm của tôi thì thấy là chính quyền gần như người ta áp đặt một cái gì đó thì người dân đều phải theo và tất nhiên một số bà con sợ.”

Mặc dù vậy, đa số những dân oan như ở Dương Nội, Thủ Thiêm hay Lộc Hưng, những nơi đã từng bị cưỡng chế bằng vũ lực các năm qua, khẳng định rằng tâm lý sợ hãi sẽ bị lấn át khi người dân quyết tâm đòi công lý. Điều này sẽ khiến những nạn nhân mạnh mẽ hơn để đương đầu chống lại, thậm chí “hy sinh cả tính mạng” như tuyên bố của người dân Đồng Tâm.

Luật Đất đai cần được nhanh chóng sửa đổi

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từng khẳng định Luật Đất đai hiện hành ở Việt Nam là yếu tố quan trọng khiến cho “Việt Nam trở thành cường quốc dân oan” và chỉ khi nào Luật Đất đai được chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội, bằng không vấn nạn khiếu kiện đất đai sẽ không bao giờ được giải quyết dứt điểm.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, là người có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam cũng như đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003, cho RFA biết bản thân ông hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc:

Ông Lê Đức Anh trước đây là Bộ trưởng Quốc phòng đã trả lời một bài phỏng vấn dài và được báo chạy tít là ‘Cưỡng chế đã sai mà dùng quân đội cưỡng chế lại càng sai’. Thời ông Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Chính ủy Quân khu IV, cũng có một bài trả lời trên báo đã phản đối quân đội đi cưỡng chế, cho rằng mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền cũng là mâu thuẫn giữa ‘ta với ta’ chứ không phải giặc ngoại xâm thì không bao giờ được phép đem lực lượng vũ trang nhân dân ra đối đầu với nhân dân
-Nhà báo Võ Văn Tạo

“Tôi hoàn toàn đồng ý và tôi cũng là người đưa ra nhiều ý kiến đề nghị phải sửa gấp Luật Đất đai, nhất là về cơ chế nhà nước thu hồi đất được áp dụng và thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư sau khi nhà nước thu hồi đất. Quan điểm của tôi thì cho rằng việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng chỉ khoanh lại như thế thôi. Thế còn những câu chuyện thu hồi để cho các dự án đầu tư mang lại những lợi nhuận, trong đó có lợi nhuận tư nhân của doanh nghiệp thì cần phải có những cơ chế khác chứ không nên áp dụng ơ chế nhà nước thu hồi đất. Quan điểm của tôi như thế thì mới tạo được ổn định xã hội và đảm bảo được quyền của người đang sử dụng đất.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh rằng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên quan vấn đề sửa đổi Luật Đất đai từ đầu năm 2016. Thế nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa thấy văn bản dự thảo cho việc sửa đổi Luật Đất đai được đưa ra lấy ý kiến.

Trong khi đó, giới quan sát tình hình Việt Nam khẳng định rằng qua vụ việc mới nhất đang xảy ra ở Đồng Tâm, là minh chứng rõ ràng rằng Nhà nước Việt Nam không còn là “của dân, do dân, vì dân” nữa, mà theo nhà báo Võ Văn Tạo là “coi dân như rơm như rác”, hay như Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từng tuyên bố rằng “Chính quyền Việt Nam là một chính quyền hèn với giặc-ác với dân”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.