Đưa Đồng Tâm thành xã 'Nông thôn mới' để xóa ký ức tội ác?
2020.07.10
Bí thư thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ tại Đại hội đảng bộ huyện Mỹ Đức diễn ra vào ngày 9 tháng 7 năm 2020, đã chỉ đạo Xã Đồng Tâm, “điểm nóng” nghiêm trọng của huyện Mỹ Đức, Hà Nội phải trở thành xã ‘Nông thôn mới’ vào năm 2021.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, nói:
“Cái việc mà gọi là phong trào xây dựng nông thôn mới, thì người ta đã phát động mấy chục năm nay, với mười mấy hai mươi tiêu chí, nhiều thứ lắm. Với mục đích phát triển nông thôn theo định ước Xã hội Chủ nghĩa, tôi thấy các nơi làm nhiều lắm và báo cáo thành tích... nhưng thực chất thì không biết thế nào. Còn việc họ muốn biến Đồng Tâm thành một vùng nông thôn mới thì tôi cho rằng, đây là một cách để người ta khống chế. Tại vì để lập nông thôn mới, người ta phải lập ra cơ quan đảng, chính quyền... thanh niên, nông dân phải làm việc này việc kia... Và nhờ những chuyện đó người ta có thể mua chuộc dân, ví dụ người ta có thể đầu tư tiền để là trường học, đường xá... Mưu đồ của cộng sản khó biết lắm, ngoài mồm người ta có thể nói đó là quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân Đồng Tâm, nhưng trong bụng họ thì mình không thể biết được thật sự người ta nghĩ như thế nào?”
Tôi nghĩ không bao giờ họ có thể xóa đi cái tội ác đã xảy ra ở Đồng Tâm. Bởi vì đó là cái sự cố chưa từng có trong lịch sử của nước Việt Nam.
-TS. Nguyễn Quang A
Cũng tại Đại hội đảng bộ huyện Mỹ Đức, ông Vương Đình Huệ cho rằng, các cấp uỷ Đảng ở địa phương này chưa đạt hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của đảng; còn không ít đảng viên vi phạm pháp luật nhà nước, bị lợi dụng chuyển hoá thành chống đối, cực đoan khiến xã Đồng Tâm trở thành “điểm nóng” nghiêm trọng. Do đó ông Huệ yêu cầu huyện Mỹ Đức tập trung hoàn thành xây dựng 4 xã ‘Nông thôn mới’ trong đó riêng xã Đồng Tâm phải trở thành xã ‘Nông thôn mới’ vào năm 2021.
Vì sao xã Đồng Tâm phải trở thành xã ‘Nông thôn mới’ một cách gấp rút vào năm tới? Trong khi nếu xét về mặt ổn định chính trị xã hội, theo tiêu chuẩn của nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam... thì hẳn cần nhiều thời gian hơn. Liệu đây có phải là một cách để xóa đi ký ức tội ác?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020 cho rằng, chắc chắn chính quyền muốn xóa đi cái ký ức tội ác ở Đồng Tâm. Bởi vì theo ông, ‘Nông thôn mới’ là một kiểu tuyên truyền của nhà nước, tức là những nơi đấy phải theo các quy định của nhà nước và của đảng rất là nghiêm túc. Họ chỉ muốn nói rằng, trước kia Đồng Tâm chưa phải là ‘Nông thôn mới’, chưa đạt tiêu chuẩn... Bây giờ làm như vậy để cho nó ‘ngoan ngoãn’ đi. Ông nói tiếp:
“Tôi nghĩ không bao giờ họ có thể xóa đi cái tội ác đã xảy ra ở Đồng Tâm. Bởi vì đó là cái sự cố chưa từng có trong lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hay là từ năm 1975 đến nay là của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam... khi mà 3.000 cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí đến tận răng, vào trong làng vào buổi sáng tinh mơ để bắt người, giết người... gây ra chuyện kể cả 3 cảnh sát bị chết... Chuyện cần làm rõ là Cụ Kình bị giết như thế nào? 3 người cảnh sát kia bị chết như thế nào?"
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho dù chính quyền có làm rõ được nguyên nhân những cái chết ở Đồng Tâm, trừng trị những kẻ gây tội ác... thì lúc đó cũng chưa gột sạch được vết nhơ này, và nó sẽ được nhắc lại trong lịch sử cho đến muôn đời sau.
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020 qua tin nhắn cho rằng, việc chính quyền chủ trương đưa các địa phương trở thành xã 'Nông thôn mới', phát triển các mặt trong đời sống xã hội là điều rất đáng ghi nhận, kể cả với xã Đồng Tâm. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Tuy vậy, cho dù chủ trương có thực hiện thành công, thì điều đó cũng không thể xóa đi được ký ức xấu về trận tấn công, xâm nhập nhà dân trong những ngày giáp tết nguyên đán, bắn chết 01 cụ già hơn 80 tuổi, 03 chiến sĩ công an tử thương và đưa vào vòng lao lý đến 29 người dân...
Chúng tôi mong rằng, chính quyền sẽ có những nỗ lực về phương diện pháp lý để trả lại công lý cho những người dân lương thiện. Động thái đưa 29 người dân Đồng Tâm ra xét xử hình sự trong thời gian tới chỉ khoét sâu hơn nỗi đau của họ và khó có thể tranh thủ được đồng tình của người dân.”
Cho dù chủ trương có thực hiện thành công, thì điều đó cũng không thể xóa đi được ký ức xấu về trận tấn công, xâm nhập nhà dân trong những ngày giáp tết nguyên đán, bắn chết 01 cụ già hơn 80 tuổi.
-LS. Đặng Đình Mạnh
Thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là nơi đã xảy ra vụ đụng độ giữa hàng trăm cảnh sát và người dân thôn Hoành vào rạng sáng ngày 9/1, khiến cụ Lê Đình Kình và 3 cảnh sát thiệt mạng. Sau đó 29 người dân thôn Hoành bị bắt và đang đối diện với các mức án cao do bị cáo buộc tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Vụ án này Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử trong tháng 8.
Liên quan đến chỉ thị phải đưa Đồng Tâm trở thành xã ‘Nông thôn mới’ vào năm 2021. Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020 cho rằng:
“Tôi nghĩ theo hai cách, đầu tiên có lẽ nhà cầm quyền thấy chuyện xử lý ở Đồng Tâm đã vượt qua khỏi tầm của cuộc khủng hoảng bình thường, nó đã ra đến thế giới. Thứ hai, đây cũng có thể là xoa dịu bớt sự phẫn uất của người dân. Tôi nghĩ họ làm như thế thì lại làm người ta chú ý đến Đồng Tâm hơn và vấn đề Đồng Tâm sẽ là một vấn đề rất là lớn.”
Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam liên tục gia tăng đàn áp các tiếng nói đối lập, bắt bớ, giam cầm họ với cáo buộc bị cho là chống đối nhà nước... Chỉ riêng vụ việc ở Đồng Tâm, ngoài 29 người dân thôn Hoành bị bắt và đang đối diện với các mức án cao do bị cáo buộc “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Thì mới đây, vào ngày 24 tháng 6 năm 2020, chính quyền bất ngờ bắt giữ một số người đưa tin về vụ Đồng Tâm. Trong đó có các dân oan Dương Nội gồm ba mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và bà Nguyễn Thị Tâm...
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, nhận định thêm:
“Theo cá nhân tôi, trong tình hình khó khăn hiện nay, nhà cầm quyền phải tìm mọi cách để đổi mới. Có nhiều cách để lựa chọn như lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến của người dân... thì nhà cầm quyền lại chọn cách đàn áp. Tôi cho rằng họ không có con mắt viễn kiến, họ có nỗi sợ, họ lo lắng cho tương lai của đảng, họ không đủ dũng cảm đổi mới để đất nước thay đổi, mà họ chọn đàn áp để xã hội sợ hãi, quay trở lại thời đảng và nhà nước nắm hết tất cả như ngày trước. Những việc như vậy có thể ổn định trong ngắn hạn, nhưng nó rất nguy hiểm và rủi ro như cái lò xo bị nén nhiều quá thì sức bật trở lại của nó có thể gây xáo trộn cho xã hội.”
Với việc xây dựng Đồng Tâm trở thành xã ‘Nông thôn mới’, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, mục đích của nhà cầm quyền là để lấy lòng dân, mua chuộc dân, lấy lòng tin của dân.... để làm thế nào có thể cô lập những người phản đối nhà nước... Tuy nhiên theo ông, chuyện nhà nước có mua chuộc được hay không thì phải chờ, chưa chắc như thế, vì lòng dân bên ngoài họ chấp nhận, nhưng bên trong họ có ủng hộ hay không thì lại là chuyện khác.