Hiện tượng bạo lực học đường

Vừa qua, đài CNN cho trình chiếu một đoạn video ngắn nói về tình trạng bắt nạt tại một trường trung học ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania.
Khoa Diễm, phóng viên RFA
2010.11.12
truongxua.vn-305.jpg Bạo lực học đường ở VN
Photo courtesy of truongxua.vn

Trong băng có đoạn nói đến việc khởi dậy tự bảo vệ mình trong nhóm những bạn trẻ thuộc dân tộc thiểu số từng bị bắt nạt. Lý do thì nhiều nhưng tựu trung vì họ có màu da khác với đa số các học sinh cùng trường.

Tình trạng bắt nạt xảy ra hầu như tại các trường học ở mọi nơi. Những bạn lớp trên bắt nạt các em học sinh lớp dưới, ngay cả trong một lớp bạn mạnh ăn hiếp bạn yếu…Những người thuộc phe đa số bắt nạt một hay vài người thuộc phía thiểu số.

Ở Hoa Kỳ có chuyện phân biệt màu da, và nhiều học sinh trở thành nạn nhân bị bắt nạt bởi học sinh khác vì chuyện này.
Tuần này trong chuyên mục “Lối Sống Trẻ” mời quý thính giả và các bạn cùng Khoa Diễm tìm hiểu đôi nét về tình trạng bắt nạt như vừa nêu mà một số bạn trẻ gốc Việt khi đến xứ Mỹ đã gặp phải, cũng như phản ứng của họ.

Ảnh hưởng tâm lý nặng nề

Bắt nạt có thể được thấy qua cách dùng từ ngữ hay hành động, trực tiếp hay gián tiếp nhằm nhắm vào thế yếu của đối phương để trêu chọc, xoi mói. Một người khi bị bắt nạt có thể bị cô lập vì những lời nói, tin đồn, hành động gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng đến đến danh dự, tinh thần cũng như thể chất của người đó.

Qua tiếp chuyện với một số bạn, chúng tôi được biết rằng những năm trung học là thời kỳ đặc biệt khó khăn cho các bạn. Đa số các bạn kể lại rằng vì khi mới đến Hoa Kỳ, tiếng Anh còn yếu kém nên các bạn đã trở thành những “con mồi” cho người bản xứ.

Suốt một năm đó em rất sợ và khi có người bạn Mỹ trắng đó trong một lớp khác em cũng sợ khi ngồi trước hay là ngồi sau bạn đó.

Bạn Huỳnh Minh

Bạn Huỳnh Minh thuật lại câu chuyện của mình về một kỷ niệm buồn đã xảy ra rất lâu về trước những vẫn còn in đậm trong ký ức:

“Lúc đó em học lớp 7, 12 tuổi, em nhớ là trong lớp tập thể dục, mỗi khi vào lớp, em rất sợ. Lúc đó có một người bạn Mỹ trắng mà mỗi khi gặp em thì hay chạy đến chọc phá, nói năng lung tung mà em không hiểu gì hết nên em rất giận. Rồi có lúc khi vào trong phòng thay quần áo thì mình khám phá ra là cái ổ khóa của locker bị một người nào đó bọc cái condom mà em không biết cách nào để tháo ra. Thời gian đi học thì luôn bị chọc, bị gọi là ching chong, nói đủ thứ, em không hiểu gì hết nên em rất sợ. Khi em vào trong giờ học PE là em rất sợ.

Suốt một năm đó em rất sợ và khi có người bạn Mỹ trắng đó trong một lớp khác em cũng sợ khi ngồi trước hay là ngồi sau bạn đó. Mình sợ là khi ra khỏi lớp thì bạn đó sẽ làm gì mình, đụng vô mình hay làm gì đó, đá mình, nắm mình tại mình không biết tiếng Anh cho nên mình cũng không dám nói bà cô giáo mà có nói mình cũng không biết mình nói gì nữa.”

Kết quả của việc bắt nạt này là cho đến bây giờ, khi trưởng thành Minh vẫn còn rất ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ. Bạn thường im lặng, quan sát nhiều hơn là cởi mở kết bạn và những mối quan hệ với người xung quanh cũng tốn kém rất nhiều thời gian mới có thể thiết lập được.

Trong khi đó, câu chuyện của bạn Nguyễn Hoàng lại cho thấy một cách giải quyết khác của các bạn trẻ khi gặp trường hợp này. Hoàng kể:

utexas.edu-250.jpg
Học sinh của một trường Cao Đẳng ở Hoa Kỳ. Photo courtesy of utexas.edu
Học sinh của một trường Cao Đẳng ở Hoa Kỳ. Photo courtesy of utexas.edu
“Khoảng năm 1990, khi mới qua đây, lúc còn học trung học, mỗi lần đi học phải đón xe bus. Mỗi khi lên xe bus ngồi thì bị thằng Mỹ đen nó chọc bằng cách là nó ký đầu mình, nó chọc ghẹo mình. Mỗi lần đi lên như vậy, bị chọc ghẹo thì thấy rất là buồn và không muốn đi học nữa, nhưng mà có ông anh, ổng qua đây trước, khi về tâm sự với ổng thì ổng nói là cứ đi học đi, phải ráng đi học để còn ra trường với người ta, còn nếu mà lên xe bus bị nó chọc thì cứ đánh nó lại, nhưng mà nhớ đánh nó sặc máu luôn, có gì anh chịu trách nhiệm cho.

Một ngày kia thì mình vẫn đi học bình thường, lên xe bus thì nó cứ chọc mình hoài cách là ký đầu lần thứ nhất, ký đầu lần thứ nhì, lần thứ ba, mình chịu hết nổi mình quay lại mình đục nó. Mình quay qua mình dộng nó, đánh tá lả luôn, và lúc đó mình đâu biết tiếng Anh đâu nên chửi nó bằng tiếng Việt luôn, vừa chửi vừa đánh.”  

Sau trận đánh đó, Hoàng không còn bị chọc ghẹo nữa và từ đó bạn ấy cũng phấn chấn lên vì hiểu rằng dù trong ngôn ngữ mình còn yếu kém nhưng không có nghĩa là người khác có thể dựa trên điều đó để bắt nạt mình.

Hoàng nói thêm rằng có lẽ lý do cho việc bắt nạt này một phần là do màu da nhưng cũng có những yếu tố khác như vì trang phục của mình lúc ấy nhìn quê mùa, ngôn ngữ mình yếu kém hay một điều gì đó mà mình không biết được; nhưng dù có lý do gì đi nữa thì mình phải cố gắng vượt qua những điều đó để sống tốt và thành công.

Vừa rồi là một số trường hợp từng bị bắt nạt, ăn hiếp trong thời gian đi học ở trường phổ thông. Tuy vậy có một số bạn lại là thủ phạm từng hiếp đáp các bạn khác như là một trò nghịch ngợm của tuổi học trò. Họ từng chọc ghẹo các bạn khác vì màu da, ngôn ngữ, hình dạng hay bất cứ lý do nào đó khi còn đi học và chưa nhận thức được những tác động nghiêm trọng của các hành động đó.

Chúng tôi cố gắng thuyết phục các bạn kể lại những hành vi của một thời ‘ăn chưa no, lo chưa tới’ đó; thế nhưng nay các bạn thấy đó là không phải và từ chối không chịu kể lại những trò bắt nạt từng làm. Theo họ lúc đó họ không quan tâm gì tới nên tâm trạng của đối tượng bị họ bắt nạt, hiếp đáp, nhưng bây giờ khi đã trưởng thành họ rất lấy làm tiếc về những hành động thiếu suy nghĩ đó.

Là hiện tượng phổ biến

Tác giả John McDonald của tờ www.bullysolutions.com cho biết phân biệt chủng tộc là một vấn đề riêng, nên khi nói đến bắt nạt học đường vì chủng tộc thì các chương trình cho vấn đề này phải có những yếu tố khác cộng thêm những tiêu chuẩn đã đặt ra cho một chương trình chống nạn bắt nạt học đường bình thường.

yume.vn-200.jpg
Nữ sinh trung học với áo dài trắng. Photo: yume.vn
Nữ sinh trung học với áo dài trắng. Photo: yume.vn
Vấn đề bắt nạt học đường đang là mối quan tâm lớn của các nhà giáo dục, điển hình là Cựu Tổng thống Phu nhân Laura Bush. Trong một buổi phỏng vấn bà cho biết đây là một vấn đề rất lớn trong xã hội hiện tại. Bà nói rằng có rất nhiều loại bắt nạt, từ khác biệt giới tính đến bắt nạt qua mạng internet, tất cả đều có một điểm chung là nhà trường, phụ huynh và ngay cả các học sinh, sinh viên cần phải hợp tác để có những chương trình báo động cũng như cải thiện được sự lan truyền này.

Anh Nguyễn Quốc Lân, một luật sư kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Quận học khu Garden Grove cho biết, vấn đề bắt nạt trong học đường, tiếng Anh gọi là bully, là một tệ nạn rất nặng trong các hệ thống giáo dục trên khắp nơi tại Hoa Kỳ. Ông nói rằng đây là một tệ nạn mà nếu các viên chức nhà trường không quan tâm đúng mức, không can thiệp kịp thời, thì sẽ có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhiều em đã tự tử, nhiều em đâm ra bạo động, bắn giết nhau chỉ vì những chuyện này.

Đương nhiên là có nhiều chuyện chúng ta không thấy trên báo chí thường xuyên đó là cuộc sống rất là khó khăn, như là lo sợ, buồn phiền, chán nản, ngay cả việc chán nản việc học, chán nản cuộc sống của các em. Anh Lân nói thêm:

“Vấn nạn bully giữa các sắc tộc với nhau tại vì cái hành động chọc ghẹo nhau giữa các học sinh với nhau thì nó phản ảnh quan hệ giữa các sắc dân trong cái cộng đồng đó, cho nên sắc dân này không thích sắc dân kia thì nó phản ảnh trong các bé, đứa bé này sẽ thích chọc ghẹo đứa bé khác. Các học sinh Á châu, học sinh Việt Nam thì vẫn có thể là đối tượng trong những trường hợp đó.

Phụ huynh cần phải nói nhiều và mạnh mẽ với thầy cô, các viên chức nhà trường để mà can thiệp kịp thời vì đôi khi nhà trường không để ý .

LS Nguyễn Quốc Lân

Thường thường, học sinh Việt Nam có vẻ như hiền hơn các học sinh khác chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu có những vấn đề như vậy, tôi nghĩ chỉ cần thiết là báo cáo đầy đủ cho các viên chức nhà trường và nếu nhà trường không có những phản ứng năng động hơn thì phụ huynh cần phải liên tục thường xuyên đẩy mạnh cái chuyện đó. Phụ huynh cần phải nói nhiều nhiều và mạnh bạo với thầy cô, các viên chức nhà trường để mà can thiệp kịp thời vì đôi khi nhà trường vẫn nhận được các báo cáo này nhưng không để ý vì mỗi trường hợp khác nhau và quan trọng là các phụ huynh cần phải quan tâm đến vấn đề này chứ không thể giao khoán cho nhà trường.

Tôi nghĩ liên lạc với các thầy cô hay viên chức nhà trường tương đối là đủ chứ những cơ quan ở bên ngoài như tổ hợp luật sư hay các văn phòng đấu tranh về nhân quyền, họ chỉ lo những chuyện nào có tính chất to lớn hơn là những chuyện nhỏ đối với học sinh.”

Có lẽ lứa tuổi học sinh, sinh viên còn non dại nên không ý thức được hết hậu quả của những việc mình làm nhưng mọi hành động gây ra đều có phản ứng đối lại, cũng như những hậu quả đi kèm những hành động đó.

Hẳn đó là một lời nhắc nhở để mỗi một bạn trẻ chúng ta suy nghĩ trước khi có hành xử gì đối với những người chung quanh, nhất là những người đồng trang lứa chúng ta gặp gỡ mỗi ngày.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.