Một tạp chí thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/3/2024 đăng một bài viết cho rằng: 'Nên xây dựng tượng đài doanh nhân ở những khu có đông các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp…'
Chủ một Doanh nghiệp tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh ẩn danh vì lý do an ninh, hôm 26/3/2024 nói với RFA:
“Tôi thấy vấn đề xây tượng họ lạm dụng quá nhiều, việc dựng tượng của một nhân vật nào đó ở phải là danh nhân thực sự của một dân tộc, chứ không phải chuyện chơi. Chứ bây giờ ‘mấy anh’ lựa ra các doanh nghiệp tự ‘các anh’ bầu lên rồi dựng tượng, chẳng có ít lợi gì, không tạo cho người dân ấn tượng nào. ‘Các anh’ cứ dựng tượng cho cố lên, rồi năm thứ nhất, năm thứ hai vô ngồi tù…”
Vị này nêu câu hỏi: Tại sao doanh nhân lại được dựng tượng? Mục tiêu nào để dựng tượng? Họ đóng góp gì cho đất nước? Ông nói tiếp:
“Hơn 700 doanh nghiệp nhà nước, nhưng doanh nghiệp nào cũng lỗ mấy chục ngàn tỷ thì dựng tượng làm gì? Còn những doanh nhân làm ăn chân chính đừng có hòng giàu như vậy. Chỉ có móc nối, móc ngoặc, hoặc sân sau của các cán bộ lãnh đạo thì mới có doanh thu vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ đồng. Đâm ra ‘các anh’ dựng tượng để vinh danh chính ‘các anh’… điều này chẳng hay ho gì, đó chỉ là trò hề.”
Bây giờ 'mấy anh' lựa ra các doanh nghiệp tự 'các anh' bầu lên rồi dựng tượng, chẳng có ít lợi gì, không tạo cho người dân ấn tượng nào. 'Các anh' cứ dựng tượng cho cố lên, rồi năm thứ nhất, năm thứ hai vô ngồi tù…
-Người dân Sài Gòn
Cũng theo bài viết trên báo nhà nước, Việt Nam hiện có rất nhiều tấm gương doanh nhân tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, mang tầm vóc quốc tế… Do đó việc xây dựng tượng đài doanh nhân cũng khuyến khích các thế hệ doanh nhân sau này noi gương và học tập…
Ông Q. ở miền Trung Việt Nam, từng công tác qua nhiều doanh nghiệp trong nước và Nhật Bản, hôm 26/3/2024 khi trao đổi với RFA cho biết, hiện nay Việt Nam đã có quá nhiều tượng đài nói về các cá nhân cũng như tập thể, chẳng hạn như các bức phù điêu nói về/ghi dấu một sự kiện lịch sử nào đó, với nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa... ở đủ các lĩnh vực! Bây giờ lại có ý kiến đề xuất nên làm tượng đài doanh nhân thì ông Q. cho rằng không cần thiết và cũng không nên làm với lý do:
“Doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh trước hết là vì mục tiêu lợi nhuận cho chính họ chứ không phải xuất phát từ mục đích do yêu nước mà họ phải bỏ vốn của chính họ để thành lập doanh nghiệp kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, họ cũng phải giở nhiều thủ đoạn trong cạnh tranh vì ‘thương trường như chiến trường’, họ triệt phá lẫn nhau chứ không phải cùng giúp nhau, cùng hợp tác với nhau… mới có thể tồn tại và phát triển doanh nghiệp của họ.”
Còn nói về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp thì theo ông Q., nếu doanh nghiệp không có đạo đức thì cũng không được vì họ ý thức rằng, nếu họ cung cấp ra ngoài xã hội những sản phẩm, dịch vụ tồi, kém chất lượng thì sớm muộn gì doanh nghiệp của họ cũng bị phá sản. Như vậy, cũng vì mục tiêu lợi nhuận của chính doanh nghiệp của họ thì họ phải bằng mọi cách để doanh nghiệp không bị phá sản. Ông Q. nói tiếp:
“Tất nhiên, nếu doanh nghiệp họ phát triển và mang lại lợi nhuận cho chính họ thì sau đó họ mới có đủ điều kiện để đóng góp cho ngân sách Nhà nước thông qua thuế và giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho nhiều người lao động. Tóm lại, khác với các lĩnh vực khác, doanh nghiệp trước hết là vì chính mình, đạt mục tiêu làm giàu cho mình rồi sau đó mới nghĩ đến đất nước.”
Đối với nhiều doanh nghiệp bây giờ vừa mới thấy ca ngợi đấy thì hôm sau tay đã tra vào còng rồi, chẳng hạn FLC, Tân Hiệp Phát, Tân Hoàng Minh... nên không khéo hôm nay xây thì ngày mai đập!”
Theo ông Q., doanh nghiệp làm ăn chân chính bây giờ hiếm lắm. Đối với những doanh nghiệp chân chính này, điều họ cần là luật pháp rõ ràng, cơ chế thông thoáng, thủ tục hành chánh nhanh gọn, hiệu quả… chứ họ không cần mấy cái tượng đài vớ vẩn như những kẻ ăn không ngồi rồi nghĩ ra!

Chủ tịch Tập đoàn FLC mà ông Q. nhắc đến là ông Trịnh Văn Quyết, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố trong vụ án ‘thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.
Còn ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát bị bắt và truy tố vì đã hiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua hành vi cho vay lãi dưới hình thức sang tên tài sản rồi chiếm đoạt nhiều thửa đất.
Chủ tịch Tân hoàng Minh – Đỗ Anh Dũng và con trai Đỗ Hoàng Việt bị truy tố lừa đảo hơn 8.640 tỷ đồng.
Mới nhất là vào ngày 26/3/2024, Ông Nguyễn Ngọc Thủy – ‘Shark’ Thủy – Chủ tịch Egroup, một doanh nhân mà báo chí nhà nước trước đây thường ca ngợi là ‘tấm gương doanh nhân tiêu biểu’… đã bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước khi xây tượng tôn vinh doanh nhân thì nhà nước cần phải tạo ra một môi trường xã hội - kinh tế - chính trị minh bạch và dân chủ để doanh nghiệp có thể vận hành một cách trong sáng mà không cần đút lót, lách luật.
-Nhà hoạt động Trần Anh Quân
Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 26/3/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng có hai vấn đề trong việc xây tượng đài doanh nhân là lấy kinh phí ở đâu để xây và xây theo hình mẫu người doanh nhân nào:
“Trong trường hợp lấy ngân sách nhà nước để xây tượng đài thì phải nhớ rằng Việt Nam đã có rất nhiều tượng đài, nhưng những tượng đài đó không hề giúp ích gì được cho người dân. Mà ngân sách nhà nước chính là thuế của người dân đóng, thì việc sử dụng ngân sách phải có lợi cho người dân chứ không phải muốn làm gì thì làm và không hỏi ý kiến người dân. Thay vì xây tượng đài trong khu công nghiệp thì có thể dùng tiền đó xây dựng công viên, trường học phục vụ công nhân và con cái của người lao động.”
Còn trong trường hợp xây tượng đài doanh nhân bằng tiền kêu gọi vận động quyên góp từ các doanh nghiệp thì Anh Quân cho rằng có thể lại có tiêu cực. Vì theo Anh quân chuyện ‘vận động’ doanh nghiệp ở Việt Nam từ lâu nay được coi như một hình thức trấn lột khi mà lãnh đạo địa phương đi tới từng công ty để ép họ phải ‘quyên góp’ những khoản phí mà họ không muốn đóng. Nếu không ‘quyên góp’ thì doanh nghiệp bị gây khó khăn trong thủ tục giấy tờ hành chính. Còn nếu ‘nộp tiền quyên góp’ thì lại không biết báo cáo thuế như thế nào. Anh quân nói tiếp:
“Vấn đề thứ hai là các doanh nhân Việt Nam hiện nay thường xuyên phải đút lót cho quan chức nhà nước để doanh nghiệp được vận hành yên ổn. Chính vì vậy doanh nhân nào cũng đối diện với nguy cơ bị cơ quan công an bắt giam với những tội danh liên quan tới tham nhũng, hối lộ. Điển hình như Trịnh Văn Quyết, Trương Mỹ Lan hay mới nhất là ông Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Egroup, họ đều là những người thành đạt cho tới trước khi bị bắt giam. Thậm chí có doanh nhân còn được nhà nước tặng huân chương lao động nhưng vẫn bị bắt giam vài năm sau đó. Lập tượng tôn vinh doanh nhân, trong khi doanh nhân lũ lượt rủ nhau vào tù thì chẳng khác nào tôn vinh những tội phạm chưa bị phát hiện.”
Nhà hoạt động Trần Anh Quân cho rằng, trước khi xây tượng tôn vinh doanh nhân thì nhà nước cần phải tạo ra một môi trường xã hội - kinh tế - chính trị minh bạch và dân chủ để doanh nghiệp có thể vận hành một cách trong sáng mà không cần đút lót, lách luật. Như vậy theo Anh Quân, doanh nhân mới trong sạch trước pháp luật và ‘yên tâm’ khi được tôn vinh.