Vận động cứu xét hồ sơ con lai còn ở lại Việt Nam

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.07.12
13615378_1387466027935940_30344700109676644_n.jpg Đại diện Hội Tình lai Không Biên Giới trước văn phòng Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 12/7/2016.
RFA photo

 

Hội Tình Lai Không Biên Giới-Amerasians Without Borders lần đầu tiên vận động Quốc Hội Hoa Kỳ cứu xét hồ sơ của hơn 400 “trẻ lai Mỹ” hiện còn ở Việt Nam trong 2 ngày, mùng 8 và 11 tháng 7 năm 2016.

Bà Thủy Lê, với vai trò Hội trưởng của Hội Tình Lai Không Biên Giới, cho biết thông điệp chính gửi đến chính giới Hoa Kỳ:

Điều chính gửi đến chính giới Hoa Kỳ là phải chấp nhận kết quả xét nghiệm DNA cho những anh chị em lai ở Việt Nam để họ được qua Mỹ. Bởi vì những anh chị em đó là con của cựu chiến binh Mỹ để được đi qua nước của cha là nước tự do để không còn ở nước Việt Nam mà bị đối xử không giống như một người con ở đó. Cho nên những chị em đại diện Hội Tình Lai Không Biên Giới hôm nay đến đây để vận động Quốc hội có thể có tiếng nói giúp cho đạo luật ““Amerasian Homecoming Act” thực hành nhanh chóng hơn để cho hơn 400 anh chị em lại được trở về quê cha.

Điều chính gửi đến chính giới Hoa Kỳ là phải chấp nhận kết quả xét nghiệm DNA cho những anh chị em lai ở Việt Nam để họ được qua Mỹ.
- Bà Thủy Lê

Trong những câu chuyện chia sẻ với chính giới Hoa Kỳ, có một câu chuyện đặc biệt được bà Nga Standley chia sẻ:

Nga đến từ tiểu bang Oklahoma. Hôm nay cùng với các anh chị em cùng đến vận động, nhân Thủy đang nói đến vấn đề xét nghiệm DNA, thì Nga là một nhân chứng của DNA là một công cụ để chứng minh rằng các anh chị em ở Việt Nam có dòng máu lai hay không. Bản thân Nga dùng DNA đã tìm được cha và gia đình. Đó là niềm ao ước của tất cả anh chị em lai như chính Nga cảm thấy mình được hoàn toàn xác nhận là một người con lai.

Nga đến đây để chia sẻ câu chuyện của mình cùng các Dân biểu và Thượng Nghị sĩ với mong muốn họ có tiếng nói DNA là công cụ để chứng minh cho khoảng 400 anh chị em lai còn ở Việt Nam rằng họ là con lai Mỹ và họ được quyền đến quê cha của mình, được đoàn tụ và được hưởng tự do mà đất nước Mỹ dành cho mọi công dân. Chính bản thân Nga rất vui và hãnh diện và mong các anh chị em đang ở Việt Nam cũng có cơ hội giống như Nga.

Cựu chiến binh John Haines, tham gia cùng với Hội Tình Lai không biên giới trong lần vận động đầu tiên này, cho biết suy nghĩ của ông và ông đã nói gì với các Thượng Nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ?

Các cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp. Tôi thật sự không hiểu được vì sao lại có những vấn đề đối với việc di dân của những đứa trẻ có cha là người Mỹ. Con ruột của tôi là một đứa trẻ trong hoàn cảnh như vậy nhưng tôi không thể đến quốc gia nơi con tôi sinh sống để gặp gỡ con và cháu của mình. Và tôi nghĩ đến những đứa trẻ khác cũng là con của các anh em đồng ngũ mà họ đã chiến đấu vì lý tưởng tự do ở quốc gia Việt Nam. Đó là những chia sẻ của tôi.

Sau 2 ngày vận động, nghe những câu chuyện cùng ước muốn của các anh chị em lai ở Việt Nam chuyển đến chính giới Hoa Kỳ, họ đã phản hồi lại như thế nào, bà Thủy Lê cho biết:

Tôi thật sự không hiểu được vì sao lại có những vấn đề đối với việc di dân của những đứa trẻ có cha là người Mỹ.
- Cựu chiến binh John Haines

Qua 2 ngày vận động thì rất có kết quả và hy vọng tốt. Họ nghe và rất ngạc nhiên và họ cũng biết đây là điều họ muốn giúp đỡ cho nên họ hứa sẽ lên tiếng với những người có thể giúp để từ đó Hội có thể tiếp tục vận động cho đạo luật “Amerasian Homecoming Act” được thực hiện đối với các anh chị em lai ở Việt Nam được qua Mỹ như chúng tôi.

Bà cho biết thêm bước kế tiếp mà Hội cần làm:

Bước kế tiếp là các anh chị em về tại tiểu bang nơi mình ở để vận động Thượng Nghị sĩ và Dân biểu của mình. Chúng tôi sẽ nói về vấn đề cần chấp nhận xét nghiệm DNA để chứng minh các anh chị em là lai để được qua Mỹ.

Đây là lần đầu tiên Hội này đến Quốc Hội để gặp gỡ với các Thượng Nghị sĩ và Dân biểu Hoa Kỳ, kêu gọi cứu xét cho khoảng hơn 400 anh chị em lai hiện còn ở Việt Nam được trở về quê cha như chính họ theo đạo luật “Amerasian Homecoming Act”. Hy vọng cuộc vận động này sẽ đạt kết quả sớm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.