Giá vàng tại Việt Nam có thể bình ổn như NHNN muốn?

RFA
2024.05.28
Giá vàng tại Việt Nam có thể bình ổn như NHNN muốn? Vàng miếng SJC
AFP PHOTO

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 27/5/2024 đã chính thức thông báo dừng đấu thầu bán vàng miếng. Đồng thời cơ quan này cũng cho biết sẽ tìm phương án bình ổn vàng khác thay thế trong thời gian sớm nhất, nhưng không nói rõ là giải pháp gì?

Trước đó vào ngày 15/4/2024, NHNN công bố thông tin cho đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm, với lý do để tăng nguồn cung cho thị trường, giúp bình ổn thị trường. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Phiên đấu thầu trở lại được tổ chức vào ngày 22/4/2024, đến nay đã đã có 9 phiên đấu thầu được NHNN tổ chức, trong đó 3 phiên không thành công do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. Theo NHNN, với 6 phiên đấu thầu thành công, tổng khối lượng vàng miếng SJC đã trúng thầu là 48.500 lượng, tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã được các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng mua vào và cung ứng ra thị trường.

Việc ngân hàng nhà nước loay hoay tìm cách bình ổn giá vàng chỉ là cái ngọn, chẳng giải quyết được gì khi mà cái gốc thì không giải quyết.
-Một người không nêu tên

Một người từng có đầu tư vàng ở Việt Nam, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/5/2024 cho RFA biết ý kiến:

“Từ trước đến nay, nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng. Việc độc quyền này chỉ nhằm mục đích duy nhất là phục vụ cho ‘lợi ích nhóm’ của các tổ chức tài chính nói chung, ngân hàng nói riêng mà trong đó các quan chức nhà nước và người nhà quan chức, có cổ phần hoặc sân sau của quan chức! Ngay cả Campuchia là quốc gia láng giềng Việt Nam có giá vàng tương đương với giá vàng thế giới vì họ không độc quyền nhập khẩu vàng. Vì vậy mà có tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới để hưởng chênh lệch giá giữa Việt Nam so với Campuchia!”

Ông này nhận xét thêm về cách thức cơ quan chức năng Việt Nam bình ổn giá vàng:

“Việc ngân hàng nhà nước loay hoay tìm cách bình ổn giá vàng chỉ là cái ngọn, chẳng giải quyết được gì khi mà cái gốc thì không giải quyết. Vì vậy, cần giải quyết cái gốc này là bãi bỏ độc quyền nhập khẩu vàng. Nhưng giải pháp này sẽ khó thực hiện vì đụng đến ‘lợi ích nhóm’ của các quan chức nhà nước cấp cao có thẩm quyền trong lĩnh vực này, cùng với những lợi ích đan xen với các quan chức nhà nước cấp cao ở các lĩnh vực khác.”

Lý do NHNN cho đấu thầu vàng trở lại được cho là để bình ổn thị trường vàng, tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, tại Việt Nam hôm 28/05 giá vàng miếng SJC tăng vượt 90 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới chỉ khoảng 72.2 triệu đồng/lượng, đang thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 18 triệu đồng/lượng.

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, giải thích:

“Thị trường vàng là một bộ phận của hệ thống tài chánh tiền tệ trong một quốc gia, biến động của nó tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến thị trường tài chính tiền tệ cho nên nhà nước luôn luôn phải làm sao để hiểu cái thị trường này. Trong bối cảnh hiện nay do cơ chế chính sách trong thời gian gần đây đã làm cho vàng trở thành điểm nóng và chính vàng trong điểm nóng đó chính là tâm bão của giai đoạn hiện nay mà chính phủ đang khắc phục dần.

Để thu hẹp được giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì phải chờ thời gian. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngân hàng nhà nước là phải dùng vai trò của mình bằng cơ chế chính sách chứ không trực tiếp tham gia vào việc bán vàng, trực tiếp kinh doanh thì chắc chắn hiệu quả sự ổn định trường vàng khó có khả năng thực thi trong mục tiêu đã đặt ra.”

000_Hkg5200567.jpg
Ảnh minh họa chụp tại một tiệm vàng ở Sài Gòn trước đây. AFP.

NHNN tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên vào ngày 28/3/2013. Tổng cộng NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2013, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng (tương đương 69,9 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Khi đó dù tăng nguồn cung vàng để bình ổn thị trường vàng, nhưng giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Sau 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng trong năm 2013, NHNN đã ngưng cho đấu thầu vàng cho đến khi cho đấu thầu lại vào tháng 4 năm 2024… và lại cho ngưng đấu thầu vào ngày 27/5/2024.

Muốn bình ổn giá vàng thì phải tạo một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để người dân dùng tài sản của mình đầu tư nhằm sinh ra lợi nhuận.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, khi trả lời RFA hôm 28/5/2024 thì cho rằng, phần đông người dân mua và giữ vàng như một phương tiện để bảo lưu giá trị tài sản, chứ không phải là một phương tiện để đầu tư. Vì vàng giữ giá trị của nó theo thời gian khi so với sự lạm phát quá nhanh của tiền Đồng. Nhưng vàng theo ông Vũ không hẳn là một phương tiện để đầu tư được ưa chuộng vì sự tăng trưởng giá trị của nó theo thời gian khá khiêm tốn khi so với việc đầu tư vào các lĩnh vực khác. Ông Vũ cho biết tiếp:

“Muốn bình ổn giá vàng thì phải tạo một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để người dân dùng tài sản của mình đầu tư nhằm sinh ra lợi nhuận. Khi lợi nhuận từ việc đầu tư lớn hơn lợi ích từ việc nắm giữ vàng thì người có tiền sẽ chuyển sang đầu tư, không còn mặn mà với vàng nữa. Vàng vì vậy mà sẽ không còn nóng sốt nữa.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, một trong những kênh đầu tư đơn giản đối với người dân bình thường đó là gửi tiết kiệm ngân hàng. Chỉ khi mà lãi suất ngân hàng lớn hơn giá trị của lạm phát một cách đáng kể thì lúc đó người dân sẽ chuyển từ việc nắm giữ vàng sang gửi tiền vào các quỹ tiết kiệm. Do đó điều hành chính sách tiền tệ trong tình trạng Việt Nam hiện nay phải để dòng tiền tiết kiệm chuyển sang ngân hàng để bảo lưu giá trị, tăng tính thanh khoản và kích thích đầu tư thay vì chuyển sang vàng. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp:

“Một trong những kênh đầu tư khác là thị trường chứng khoán. Chỉ khi thị trường chứng khoán được cải cách để tăng tính linh hoạt của nó, mà nơi đó người tham gia được quyền đánh lên (long) và đánh xuống (short) đối với các cổ phiếu và các quỹ nhằm bảo vệ tài sản của mình, thì lúc đó sự nhộn nhịp tham gia và việc tạo ra lợi nhuận từ thị trường sẽ thu hút nhiều người đầu tư. Lúc đó tài sản thay vì nằm trong vàng sẽ chuyển thành vốn cho doanh nghiệp.”

Về lâu về dài theo Tiến sĩ Vũ, sự năng động của nền kinh tế với các cơ hội đầu tư sinh lợi và sự ổn định của tiền Đồng sẽ thu hút tài sản của người dân thay vì mua vàng dự trữ sẽ chuyển thành vốn để phát triển các doanh nghiệp. Lúc đó thị trường vàng sẽ trở nên bình ổn hơn, không còn nóng sốt như đã chứng kiến trong khoảng thời gian vừa qua.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.