Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố không chấp nhận mức tăng trưởng chỉ 2,7% trong năm 2020 theo như dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Tuyên bố vừa nêu của người đứng đầu chính phủ Hà Nội được đưa ra tại phiên họp thường kỳ hôm 5/5/2020.
Vào cuối tháng tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2020. Trong đó, đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 và 2021, lần lượt là 2,7% và 7%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI năm nay dự báo là 3,2%, thấp hơn mục tiêu 4% do chính phủ Việt Nam đặt ra.
Theo IMF, Việt Nam là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN 5, bốn nước còn lại gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Hẳn nhiên IMF có cơ sở để đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vậy nếu ông thủ tướng Việt Nam không chấp nhận mức tăng trưởng dự báo đó, Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì và liệu có thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không?
Trao đổi với RFA hôm 5/5/2020 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:
“Tôi đánh giá cao quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi nghĩ biện pháp mà ông có thể làm được là đẩy mạnh đầu tư công và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cải cách thể chế... Tuy vậy, kinh tế thế giới hiện lâm vào suy thoái, và kinh tế Trung Quốc quý 1 tăng trưởng âm 6,8%, kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng âm 4,2%, vì vậy cho nên việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng gần 4% là hết sức khó khăn và đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội.”
Đạt được hay không do nhiều nhân tố, chứ không phải cứ cố gắng là được, vì Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài.<br/>-Phạm Chi Lan
Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 cao hơn mức dự báo của IMF dù tình hình kinh tế Việt Nam cũng như các nước đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng trong quý một, Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu kép, đó là trong ngắn hạn bảo vệ sức khỏe người dân và đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, kịp thời tháo gỡ sản xuất kinh doanh, hoãn giãn nộp thuế, an sinh xã hội... Do đó quý một vẫn tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nhận định với RFA hôm 5/5/2020:
“Nhìn vào tất cả những gì diễn biến cho đến bây giờ, tôi vẫn rất lo ngại. Mặc dù chính phủ mong muốn đạt được mức tăng trưởng cao hơn, nhưng quý một năm nay cho thấy Việt Nam chỉ tăng trưởng được hơn 3% thôi, quý 1 còn tương đối khá, đến quý 2 thì còn kém hơn. Thấy rõ nhất là xuất khẩu, quý 1 thặng dư nhiều nhưng đến quý 2 thì thấp hơn hẳn, tôi sợ rằng các quý tới sẽ còn khó khăn hơn. Nền kinh tế Việt Nam tăng trường dựa rất nhiều vào FDI và xuất khẩu, nhưng xuất khẩu hiện nay khó và FDI cũng không thu hút được nhiều như trước. Nên tôi e là tất cả những nhân tố đó sẽ làm tăng trưởng năm nay khó hơn nhiều. Tôi thấy chính phủ thường đưa ra một mức để mọi người cùng cố gắng để đạt được, một mức cao hơn so với tất cả dự báo từ bên ngoài. Tuy nhiên, đạt được hay không do nhiều nhân tố, chứ không phải cứ cố gắng là được, vì Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài.”
Một trong những nhân tố giúp Việt Nam tăng trưởng những năm vừa qua, bao gồm cả thời gian đầu quý 1, theo bà Phạm Chi Lan, là nhu cầu nội địa tương đối khá. Nhưng năm 2020 tiêu dùng nội địa đang bị ảnh hưởng rất lớn, vì hầu hết người tiêu dùng qua dịch gặp khó khăn, nhất là người lao động. Tổng cục thống kê cũng đưa ra con số là hơn 5 triệu người mất việc làm, cho nên tiêu dùng trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Vì vậy, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tất cả những động lực chính gặp khó khăn thì rất khó cho Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn, mặc dù mong muốn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết sau khi có dịch Covid-19, thị trường Liên minh Châu Âu EU và thị trường Mỹ đã hủy nhiều hợp đồng mua sản phẩm dệt may và da giầy của Việt Nam, làm ảnh hưởng kim ngạch xuất khẩu. Ông cho rằng, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng của chính phủ, cần phải điều chỉnh cơ cấu xuất khẩu, cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Muốn vậy, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, cũng như đẩy mạnh thu hút du lịch, nhằm đạt được mức độ tăng trưởng xuất khẩu như đã mong muốn.
Cũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 5/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân cũng yêu cầu, muốn tăng trưởng cao nhất có thể, thì phải đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%. Liên quan vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định:
“Tôi nghĩ kiểm soát lạm phát đối với VN cũng không dễ, bởi vì nhìn thấy một số sản phẩm tiêu dùng tương đối cơ bản như thịt heo chẳng hạn, thì chính phủ chỉ đạo giảm giá mấy tháng nay rồi, nhưng có giảm được đâu. Cho nên có những mặt hàng, dù chính phủ có muốn chỉ đạo giảm giá xuống thì cũng không giảm được. Trừ thịt heo thì các nông phẩm khác của VN giá tương đối ổn định, nhờ thu hoạch từ năm ngoái đến nay tương đối tốt, nên đã cung cấp ổn định cho dân, kể cả trong dịch cúm này, nên VN không bị tình trạng như một số nước, thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm lương thực, tiêu dùng thiết yếu. Cái đó là tốt nhưng không có thể kiểm soát hết được, rõ rệt nhất là thịt heo, cho nên dù muốn cũng không kiểm soát hết được vì phụ thuộc nhiều vào các yếu tố quốc tế khác cũng như yếu tố đầu vào ở trong nước.”
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc, do tình hình thay đổi quá nhanh của nền kinh tế toàn cầu, dù độ mở của nền kinh tế Việt Nam có lớn cũng sẽ không cách gì đạt được các mục tiêu được đặt ra hồi đầu năm 2020. Ông cho rằng cần điều chỉnh, nhất là các chỉ tiêu quan trọng, để cân đối nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Đây được cho cũng là một trong những yếu tố khiến mục tiêu tăng trưởng của Thủ tướng Phúc khó thành hiện thực.
Kinh tế thế giới hiện lâm vào suy thoái, và kinh tế Trung Quốc quý 1 tăng trưởng âm 6,8%, kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng âm 4,2%, vì vậy cho nên việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng gần 4% là hết sức khó khăn.<br/>-TS. Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích thêm:
“Dĩ nhiên thuế phí cao thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế. Hôm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cũng đã có công bố báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019. Qua đó, doanh nghiệm cũng đã có phản ánh, trên 50 % doanh nghiệp Việt Nam có báo cáo là có chi phí ngoài pháp luật để bôi trơn các thủ tục hành chính của Việt Nam. Tôi nghĩ đấy là một trong các lĩnh vực mà Việt Nam sắp tới đây phải đẩy mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng xuất khẩu của Việt Nam.”
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu chính phủ muốn tăng trưởng tốt, thì như nhiều khuyến nghị, chính phủ cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn, để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại bình thường sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bà mong muốn là ngoài cứu những doanh nghiệp sống dở chết dở, cần phải n
ghĩ đến đường dài, để doanh nghiệp vượt lên trong điều kiện hiện nay. Bà nói tiếp:
“Vì nếu nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào TQ, nếu TQ kẹt thì VN cũng kẹt luôn. Hoặc xuất khẩu chỉ phụ thuộc một số thị trường thì cũng khó khăn. Nên muốn chuyển đổi thì phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thì phải có đầu tư, có chính sách tốt hơn, trong đó mọi người kỳ vọng giảm thuế phí, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí ngân hàng hay chi phí đất đai tạo thuận lợi cho doanh nghiệp... Có quá nhiều nhân tố đầu vào cao như vậy, thì không hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển được, mà muốn tăng trưởng thì chỉ dựa vào doanh nghiệp là chính.”
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, khi IMF tính mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam, thì cũng đã căn cứ vào nhiều dữ liệu, cũng như cách phát triển của Việt Nam những năm vừa qua, các động lực chính đóng góp như thế nào? Sau đó căn cứ vào sự sụt giảm của các động lực chính đó hiện nay, để đưa ra con số tăng trưởng 2,7% trong năm 2020. Theo Bà, tất nhiên nếu chính phủ Việt Nam cố gắng đạt mức tăng trưởng cao hơn IMF dự báo thì rất mừng. Nhưng Bà cho rằng, phải tính đến các kịch bản khác nhau để phòng ngừa.