Lại một vụ ‘phù phép’ nâng giá một dịch vụ trong quy trình phòng chống dịch COVID-19 trong nước lên hơn gấp đôi vừa được truyền thông nhà nước loan tải. Theo đó, với 11 triệu bản in cẩm nang, tờ rơi trong chiến dịch truyền thông phòng, chống COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay theo giá của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, ngân sách phải chi hơn 22 tỷ đồng, trong khi đó giá in trên thị trường chỉ khoảng 9 tỷ đồng.
Có thể nhìn thấy, con số chênh lệnh được nâng khống để hưởng lợi không còn là con số phần trăm trên giá bán thường thấy trong các hợp đồng mua bán trước đây nữa. Ông Nguyễn Đình Ngọc, từng làm Phó trưởng phòng kế hoạch dự án Đài truyền hình TP.HCM nói về việc này:
“Những con số vừa nêu được tôi gọi một cách trào phúng là “trượt giá tham nhũng”. Vấn đề tham nhũng là vấn đề nhức nhối ai cũng biết. Nhưng trước đây họ chỉ nâng giá lên từ 10% đến 50%. Bây giờ họ không nâng như vậy nữa mà nâng gấp ba, gấp bốn lần giá ban đầu. Đó là chuyện không thể tránh được vì tiền đó là tiền gọi là ‘cha chung không ai khóc’.”
Đầu năm 2020, ngay khi dịch COVID-19 mới bắt đầu, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR dùng để xét nghiệm COVID-19 bằng hình thức chỉ định thầu. Sau khi mua bán lòng vòng từ Công ty Phương Đông qua một số công ty khác, đến CDC Hà Nội giá máy đã được đẩy từ 2,3 tỷ đồng (giá Công ty Phương Đông nhập về Việt Nam) thành 7 tỷ đồng. Ngoài CDC Hà Hội, mới đây, Công an Hà Tĩnh cho biết đang điều tra vụ việc một nhà thầu nâng khống bộ trang thiết bị y tế gồm máy sấy, máy giặt có giá trị hơn 2 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng bán cho 4 bệnh viện ở tỉnh này.
Cũng liên quan thiết bị y tế, đầu tháng 9 năm 2020, hai bệnh viện ở Hà Nội đặt thiết bị y tế robot Rosa do Công ty BMS cung cấp đã bị nâng khống lên tới 39 tỷ đồng, trong khi giá hệ thống chỉ là 7,4 tỷ đồng.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, nêu nhận định của ông về việc nâng khống giá tất cả các thiết bị, dịch vụ được chi trả bằng ngân sách nhà nước:
“Việc nâng khống giá tất cả các thiết bị mua bằng tiền ngân sách là một vấn nạn của Việt Nam hiện nay. Mặc dù quy trình, nguyên tắc, thủ tục rất đầy đủ nhưng người ta lại lợi dụng cái kẽ hở của nó để trục lợi. Hiện nay, phải nói là ở tất cả các địa phương, khi mua thiết bị y tế đều có trục lợi. Bài học nhãn tiền nhất là vụ CDC Hà Nội sắp xét xử. Mà không chỉ trong lĩnh vực y tế mà hầu hết trong các lĩnh vực mua sắm tài sản công của nhà nước, bằng tiền ngân sách nhà nước đềi có hiện tượng trục lợi. Mặc dù các nguyên tắc đề ra rất cụ thể. Đấy là hiện tượng phổ biến mà ‘sờ’ đâu thì có đấy.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ thì cho rằng,đã từ lâu rồi Việt Nam chưa quan tâm đến tham nhũng trong phát triển công nghệ. Ông khẳng định tham nhũng trong lĩnh vực công nghệ là rất cao mà qua COVID thì mới hiện ra chuyện công nghệ trong y tế để chống COVID đã bị đội giá lên hai, ba lần.
Làm sao ngăn chặn?

Để ngăn chặn việc nâng khống giá thiết bị y tế, hôm 9 tháng 9 năm 2020, Bộ Y tế ra mắt cổng thông tin công khai giá thiết bị y tế. Cổng thông tin sẽ đăng giá thiết bị y tế tương ứng với cấu hình, tính năng kỹ thuật, thuế phí, các dịch vụ cơ bản đi kèm như bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng, linh kiện thay thế... Giá này do các nhà cung cấp tự công bố trên cổng thông tin bằng tài khoản do Bộ Y tế cấp.
Quyền Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long cho báo chí biết, về lâu dài cổng này công bố cả giá nhà nhập khẩu khai báo với hải quan, cộng với thuế, phí, các dịch vụ, lợi nhuận vừa phải, từ đó sẽ tính ra mức giá bán tại Việt Nam.
Liên quan đến vụ bản in cẩm nang, tờ rơi trong chiến dịch truyền thông phòng, chống COVID-19 mà kinh phí in ấn đều được lấy từ nguồn ngân sách của TPHCM, GS. Đặng Hùng Võ nhận định:
"Tham nhũng vẫn là nguy cơ lớn ở Việt Nam mà nhiều người gọi là nội xâm. Về chủ trương chung thì tham nhũng hiện nay mới đang liên quan đến những câu chuyện kinh điển là đất đai; việc chi tiêu ngân sách vào những dự án lớn. Nhưng tham nhũng hiện nay vẫn đang len lỏi vào cái mà gọi tham nhũng vặt. Nó đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống khi đụng tới việc sử dụng ngân sách.
Đối với tham nhũng vặt cũng không thể nương tay, không để đó xử lý sau bởi vì tổng số tiền tham nhũng vặt sẽ lên một con số cực kỳ lớn. Có khi còn lớn hơn một vụ tham nhũng lớn.”
Theo ông Đặng Hùng Võ, giải quyết tham nhũng bằng hình thức nâng khống giá mua bán qua đấu thầu đã và đang được xử lý, giải quyết các trường hợp này, trường hợp kia, các dự án này, các dự án khác, địa phương này, địa phương khác. Nhưng cách thức nào để ngăn được tham nhũng vặt thì đấy là một vấn đề phải được đặt ra và phải có những giải pháp cụ thể.
Ông Ngô Trí Long thì cho rằng, sau khi Hà Nội mua hệ thống Realtime PCR và một loạt các nơi khác mua và bị phát hiện thì họ dừng lại và tìm thủ đoạn khác, chiêu trò khác. Theo ông Long, việc nâng khống thiết bị y tế để trục lợi trong đại dịch là điều không thể chấp nhận được. Phải trừng phạt thật nghiêm thì may ra mới giải quyết được vấn nạn này trong tương lai.
Hôm 12 tháng 9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra thông báo kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội và đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc trung tâm này cùng 9 người khác. Tội danh bị truy tố là ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015; khung hình phạt 10-20 năm tù.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đình Ngọc, với kinh nghiệm từng ở tù thì ngay cả trong tù cũng có tham nhũng. Nếu có nhiều tiền môi trường nhà tù không là nơi đáng sợ như người ta nghĩ. Ông cho rằng rất khó để giải quyết tận gốc nạn tham nhũng ngân sách nhà nước dưới nhiều hình thức. Ông nêu ba yếu tố:
“Cái thứ nhất là chế độ nhà tù đối với họ không có gì khiến họ lo sợ. Họ chắc chắn sẽ chuyền tai nhau lúc làm việc. Thứ hai, những giá trị về danh dự, nhân phẩm tôi cho rằng vô nghĩa đối với người cộng sản. Thứ ba, người cộng sản ngày nay họ làm lu mờ khái niệm pháp trị mà có cố gắng bằng mọi cách đẩy vấn đề đức trị lên. Trong khi đó, cái pháp trị đã có yếu tố đức trị trong đó nhưng họ phớt lờ. Tôi cho rằng ba yếu tố đó làm cho tham nhũng không chùn bước.”
Trong quá trình điều tra vụ nâng giá giá máy xét nghiệm, các bị can khai có chung chi cho ông Nguyễn Nhật Cảm 15% để trúng thầu cung cấp hệ thống Realtime PCR dùng để xét nghiệm COVID-19. Tuy vậy, lời khai về việc ăn chia hoa hồng của các bị cáo khác với ông Cảm được xác định không có căn cứ do ông Cảm không thừa nhận.