Theo báo cáo của Công ty Tài Chính Chứng khoán VNDirect công bố mới đây, việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhờ nhu cầu phục hồi tại Mỹ và EU, hay chương trình tiêm vắc-xin được triển khai mạnh mẽ hơn tại Việt Nam... là những động lực có thể giúp GDP tăng trưởng mức 7% nửa cuối năm, qua đó kéo mức tăng trưởng cả năm nay lên 6,5%.
Giải thích về dự báo này, VNDirect cho rằng, dù tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, tăng trưởng GDP Việt Nam quý II năm 2021 ước tính vẫn tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung GDP sáu tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của sáu tháng đầu năm 2020.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 9/7 từ Hà Nội cho rằng, mục tiêu này có thể đạt được nếu kiểm soát tốt dịch bệnh:
“Tôi thấy khả năng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 7% tùy thuộc rất nhiều vào Việt Nam có kiểm soát được dịch bệnh hay không? Hiện nay tình hình dịch bệnh của Việt Nam đang rất phức tạp, cho nên về mặt tiềm năng thì có thể đạt được, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh. Nếu kiểm soát được như Bắc Ninh thì tốt hơn, còn trong TPHCM thì tôi có thấy các doanh nghiệp đã thu xếp cho công nhân ăn nghỉ luôn trong doanh nghiệp, để hạn chế lây lan. Biện pháp đó tôi hy vọng sẽ duy trì được sản xuất ở các khu công nghiệp.”
Tôi thấy khả năng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 7% tùy thuộc rất nhiều vào Việt Nam có kiểm soát được dịch bệnh hay không? Hiện nay tình hình dịch bệnh của Việt Nam đang rất phức tạp, cho nên về mặt tiềm năng thì có thể đạt được, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
VNDirect cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 7% là có thể đạt được khi một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và Anh đang thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa lại nền kinh tế. Qua đó, VNDirect kỳ vọng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là các máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may và thủy sản...
Tuy nhiên, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 9 tháng 7 năm 2021, liên quan vấn đề này cho rằng mục tiêu này là quá mức:
“Họ ru ngủ quá mức, vì hiện nay là quý ba rồi, mà COVID-19 đang bùng phát lên, mỗi ngày cả nghìn ca, mà giữa cái kiểm soát dịch bệnh và khôi phục kinh tế gắng với nhau. Cái đó chỉ là dự báo nhưng lạc quan quá mức, trong bối cảnh quý hai 5.8%, so với kế hoạch đặt ra từng quý một đều không thực hiện được. Nếu cố gắng để đạt 6% của năm 2021, thì cuối năm phải đạt 7%... nhưng cái đấy là cái mơi ước, kỳ vọng thôi, còn thực tế còn nhiều thách thức khó khăn, vì hiện COVID-19 đang bùng phát rất mạnh, trong bốn đợt thì đợt này mạnh nhất, tác động rất lớn tới sản xuất, tới an sinh xã hội, nguồn lực bỏ vô đó rất là nhiều, điều đó cũng tác động đến sản xuất rất lớn.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM – thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi trả lời báo chí Nhà nước cho rằng, ngoài những tác động giống với ba đợt dịch COVID-19 trước, đợt dịch lần thứ tư này còn có những tác động khác như đã gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh.
Ngoài ra, theo ông Cung, sản lượng công nghiệp giảm do việc ngừng hoặc thu hẹp sản xuất của một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở những doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo. Do đó nhập siêu có thể quay trở lại trong thời gian tới. Vì vậy, ông Cung cho rằng kết hợp các tác động cũ và mới của bốn đợt bùng phát dịch COVID-19, thì tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ thấp hơn đáng kể so với kế hoạch dự kiến.
Với tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng tại thời điểm này. đặt biệt là TPHCM và các tỉnh miền Nam, và vấn đề sản xuất nông nghệp hay công nghệp, du lịch, dịch vụ... đang bị ảnh hưởng nặng nề, thành ra mục tiêu 7% có lẽ sẽ rất thách đố.
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 9/7, cũng cho rằng mục tiêu 7% là thách đố:
“Đó là một mục tiêu rất là thách đố, như chúng ta đã biết trong sáu tháng đầu năm GDP của VN tăng 5.64%, là mức tăng tương đối cao. Tuy nhiên nó không phải là điều gì ngạc nhiên khi năm 2020 GDP tăng trưởng ở mức đáy là 2.91%, còn từ đây đến cuối năm sẽ đi về đâu sẽ là một ẩn số rất lớn. Dĩ nhiên mục tiêu tăng trưởng 7% thì không có gì là không thể xảy ra, muốn đạt được thì phải đặt dưới hai điều kiện cốt lõi. Thức nhất là phải kiểm soát được dịch bệnh, có nghĩa phải tiêm chủng được ít nhất 70% dân số Việt Nam để tạo miễn dịch cộng đồng.”
Thứ hai, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, là tất cả thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, cũng như ba lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp sản xuất và dịch vụ phải tiếp tục được phát triển. Ông Hiếu nói tiếp:
“Nếu với những tiền đề như thế thỉ 7% là có thể đạt được, nhưng với tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng tại thời điểm này. đặt biệt là TPHCM và các tỉnh miền Nam, và vấn đề sản xuất nông nghệp hay công nghệp, du lịch, dịch vụ... đang bị ảnh hưởng nặng nề, thành ra mục tiêu 7% có lẽ sẽ rất thách đố.”
Công ty Chứng khoán Mirae Asset trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về những rủi ro của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể thấp hơn kỳ vọng do tính chất phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 mới đây. Trong đó, một số yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giá cả vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là thép xây dựng; nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công; đợt bùng dịch lần bốn cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa và doanh số bán lẻ tại Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn lãnh thổ là 21.892 ca. Riêng TPHCM đã ghi nhận tổng cộng hơn 9.800 ca nhiễm bệnh, chiếm gần một nửa tổng số ca bệnh trên cả nước.
Hiện TPHCM đang phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày tính từ 0 giờ ngày 9/7 vì số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao và nhanh trong đợt dịch thứ tư kể từ ngày 27/4 đến nay.