Ai được sử dụng nhà công vụ?
Chiều 20 tháng 4, văn phòng Bộ Xây dựng gửi thông báo tới 12 cựu quan chức, đề nghị trả lại nhà công vụ của Chính phủ với lý do những người này đã về hưu và không còn được sử dụng nhà công vụ theo quy định.
Hai ngày sau, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, Chính phủ Hà Nội đề ra mục tiêu trong năm 2020 phải thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích và hết thời gian sử dụng theo quy định.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tiêu chuẩn cán bộ được sử dụng nhà công vụ:
“Thường là cán bộ nhà nước ở một cấp nhất định, tôi nhớ là từ cấp cục trưởng trở lên. Nếu có thuyên chuyển công tác ra trung ương hoặc là từ địa phương này sang địa phương khác thì được giải quyết thuê nhà công vụ để ở, trong giai đoạn đảm nhiệm cương vị mà được sử dụng nhà công vụ. Theo quy định nhà ở năm 2014 thì họ chỉ được sử dụng trong giai đoạn đảm nhiệm cương vị mà được sử dụng nhà công vụ. Có nghĩa là hết thời hạn đó phải trả lại nhà.”
Theo nhận định của ông Đặng Hùng Võ, đây không phải lần đầu 12 cán bộ ở cấp độ thứ trưởng hoặc tương đương thứ trưởng này được Bộ xây dựng ra văn bản nhắc nhở trả lại nhà công vụ, chưa kể một số lần “nhắc miệng” trước đó.
Theo Điều 32 Luật Nhà ở 2014, số 65/2014/QH13, những người được thuê nhà ở công vụ gồm: Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ; Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên…
Ngoài ra, người thuê nhà ở công vụ không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ. Phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từ Sài Gòn cho rằng việc thu hồi nhà công vụ đã cấp cho cán bộ không phải là việc khó hay việc phức tạp. Tuy vậy, ông nói thêm:
“Nhà công vụ thường cấp cho các cán bộ từ địa phương tỉnh, thành được điều chuyển lên Trung ương tại Hà Nội, sau khi rời chức vụ hoặc nghỉ hưu thì họ phải có trách nhiệm trả lại nhà. Thế nhưng nhiều người lợi dụng sự nể nang hoặc buông lỏng của cơ quan quản lý mà không chủ động trả nhà, hoặc cù cưa kéo dài không giao trả, trong nhiều trường hợp họ không ở mà để cho con, cháu, người quen thân sử dụng.”
Liệu có đòi được nhà công vụ?
Theo những điều khoản rõ ràng trong Luật Nhà ở năm 2014, việc trả lại nhà sau khi hết thời gian sử dụng theo quy định là chuyện không cần bàn cãi. Thế nhưng có đến 12 cựu quan chức lớn chưa chịu trả lại nhà công vụ khiến báo chí phải lên tiếng. Dư luận cho rằng phải công khai danh tánh các vị này lên mặt báo thì may ra họ mới trả lại nhà, nghĩa là phải “chỉ mặt đặt tên” rõ ràng.
Báo chí trong nước tiết lộ danh tánh 12 cựu quan chức cấp cao bằng những cái tên viết tắt kèm chức vụ đã từng đảm nhiệm. Chẳng hạn như ông Đ.V.CH, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông P.V.V, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông T.V.L, nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Bà B.T.TH, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ông Đ.Q.H, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Ông H.V.A, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; …
Ông Đặng Hùng Võ lý giải việc mập mờ này theo nhận định của ông:
“Tôi nghĩ là phải thu hồi được. Hiện nay đang ở dạng có công văn nhắc nhở. Nhiều người dân cũng có thắc mắc với tôi là tại sao không nêu danh tính?
Tôi về hưu rồi nên thật sự cũng không biết là tại sao. Nhưng tôi đoán rằng có thể do quan hệ thân hữu thì thôi cũng nể nang nhau thành ra chưa nêu danh tính. Tôi cho rằng cần phải nêu danh tính. Cần phải đưa thông tin lên truyền thông xã hội chứ không chỉ các công văn. Phảo công khai những trường hợp xấu như thế này.”
Ông Võ cho rằng, hiện nay việc đòi nhà đang ở dạng có công văn nhắc nhở, nhưng theo ông thì Bộ xây dựng không cần phải ra thông báo nhắc nhở trả nhà, mà Nhà nước phải ra quyết định hành chính thu hồi nhà theo luật định. Nếu các cựu quan chức trên không tuân theo quyết định thu hồi thì sẽ tiến hành cưỡng chế.
Với cái nhìn của một luật sư, ông Trịnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh đến khía cạnh pháp chế. Ông nói:
“Tôi nghĩ việc nêu danh tính của họ chỉ là một trong những việc mà cơ quan chức năng cần làm. Yếu tố mang tính quyết định là cơ quan quản lý nhà công vụ phải cương quyết, không nể nang, nhân nhượng đối với những người cố tình trì hoãn hoặc chiếm dụng nhà.
Việc áp dụng chế tài đối với những người vi phạm không thiếu quy định của pháp luật, kể cả các ràng buộc dành cho đảng viên khi vi phạm... Vấn đề là có cương quyết xử lý hay không mà thôi!”
Truyền thông trong nước dẫn lời Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Sinh rằng, sau khi báo chí thông tin danh sách 12 cựu quan chức bị yêu cầu trả lại nhà công vụ, một số cựu quan chức trong số này cũng đã gọi điện đến để xin trả lại nhà. Một vài trường hợp thì cho biết, hết dịch sẽ trả lại nhà công vụ.
Năm 2017, nguyên Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đến hạn trả lại nhà công vụ đã đề nghị cho phép kéo dài thời hạn thuê nhà ở công vụ hoặc cho ông được mua lại.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng không đồng ý cho ông tiếp tục thuê nhà công vụ vì ông Cường đã nghỉ hưu nên hết tiêu chuẩn được thuê nhà công vụ.